Đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, nhưng phải bảo đảm chặt chẽ, không để phát sinh tiêu cực, lãng phí
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nêu rõ yêu cầu phải đẩy mạnh hơn nữa tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Giải ngân nhanh, nhưng phải bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định, quy trình, không để phát sinh tiêu cực, lãng phí.

Chiều nay (3/4), Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình chủ trì cuộc họp trực tiếp, kết hợp trực tuyến với một số bộ, cơ quan, địa phương để kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy giải ngân đầu tư công năm 2025 theo Quyết định số 523 của Thủ tướng Chính phủ.
Ngày 6/3/2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký Quyết định số 523/QĐ-TTg thành lập các tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công hằng năm tại các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương.
Theo đó, Tổ công tác số 1 do Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hoà Bình làm Tổ trưởng, kiểm tra các Bộ, cơ quan Trung ương: Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Nội vụ, Thanh tra Chính phủ, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam; các địa phương: Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận.

Tỉ lệ giải ngân cao hơn mức trung bình của cả nước
Báo cáo về tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công và khó khăn, vướng mắc của các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương thuộc Tổ công tác số 1 trong 3 tháng đầu năm 2025, Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng cho biết, tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2025 Thủ tướng Chính phủ giao cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương thuộc Tổ công tác số 1 là 85.802.103 triệu đồng (trong đó vốn ngân sách Trung ương là 45.937.903 triệu đồng, vốn ngân sách địa phương là 39.864.200 triệu đồng), chiếm 10,4% tổng kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao của cả nước (825.922.269 triệu đồng).
Tính đến hết tháng 3, có 5/9 bộ, cơ quan Trung ương và 4/9 địa phương đã phân bổ hết kế hoạch vốn được giao; còn 4/9 bộ, cơ quan Trung ương và 5/9 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn được giao với tổng số vốn còn lại chưa phân bổ là 1.597.639 triệu đồng (trong đó vốn ngân sách Trung ương là 932.258 triệu đồng, vốn ngân sách địa phương là 665.381 triệu đồng), chiếm 1,86% tổng kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao của các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương thuộc Tổ công tác số 1.
Nguyên nhân chủ yếu các bộ, cơ quan và địa phương chưa phân bổ chi tiết 100% kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2025 cho các nhiệm vụ, dự án; do dự án khởi công mới chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư nên chưa đủ điều kiện bố trí kế hoạch vốn; dự án ODA chậm ký kết hiệp định vay nên chưa đủ điều kiện phân bổ; dự án đang phải điều chỉnh chủ trương đầu tư do thực hiện đề án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy; dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia đã bố trí đủ vốn theo quy mô, đối tượng, mục tiêu được phê duyệt nên không còn nhu cầu sử dụng vốn; đơn vị đề xuất kế hoạch năm 2025 cao hơn nhu cầu vốn dự án dẫn đến gặp khó khăn trong điều tiết kế hoạch vốn được giao.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng, ước giải ngân tính đến ngày 31/3/2025 của các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương thuộc Tổ công tác số 1 đạt 11,4% kế hoạch được Thủ tướng giao, cao hơn mức trung bình của cả nước.
Trong đó, có 3 cơ quan và 4 địa phương có tỉ lệ giải ngân cao hơn tỉ lệ giải ngân bình quân chung của cả nước, gồm: Bộ Quốc phòng (10,3%), Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao (10,4%), Bộ Công an (12,67%), Thừa Thiên Huế (19,57%), Bình Định (20,25%), Ninh Thuận (13,83%), Đà Nẵng (11,42%).
Tuy nhiên, còn một số bộ, cơ quan và địa phương có tỉ lệ giải ngân dưới mức trung bình của cả nước. Nguyên nhân chủ yếu là một số dự án đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư phải điều chỉnh do thực hiện đề án tiếp tục sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, dẫn đến chưa phân bổ kế hoạch vốn. Công tác thanh toán, quyết toán bị gián đoạn, hoặc ảnh hưởng do có sự thay đổi trong trách nhiệm, quyền hạn, quy trình tại địa phương và các cơ quan chức năng mới sau sắp xếp, tổ chức lại bộ máy. Việc sáp nhập các sở, ngành dẫn đến thay đổi chủ đầu tư, vì vậy chậm thực hiện thủ tục giải ngân...
Bên cạnh đó còn có các nguyên nhân khác như: Một số dự án đã có khối lượng thực hiện nhưng chưa hoàn thiện hồ sơ nghiệm thu, thanh toán để giải ngân; Tết Nguyên đán vào đầu tháng 2/2025 làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân của 3 tháng đầu năm; nguồn cung cấp nguyên vật liệu hạn chế, nhất là đất, cát đắp; giá nhiều nguyên vật liệu tăng đột biến so với thời điểm mời thầu làm tăng chi phí dự án; nguồn vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đa phần giao về các địa phương (cấp xã) triển khai, công tác phân bổ vốn còn chậm, năng lực quản lý thực hiện các dự án, công trình của cấp xã còn nhiều hạn chế.

Thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công
Để triển khai đảm bảo tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 đạt mục tiêu trên 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Tài chính nhấn mạnh, đối với các bộ, ngành, địa phương đang có những vướng mắc liên quan đến công tác xắp xếp, tổ chức lại các đơn vị cấp dưới, cần căn cứ thẩm quyền quyết định dự án theo Luật Đầu tư công để rà soát, đánh giá những công trình trụ sở phải sắp xếp, xác định số lượng, quy mô, danh mục các dự án cần tiếp tục triển khai để tránh lãng phí, trên cơ sở đó khẩn trương triển khai kế hoạch năm 2025 đã được giao.
Đối với khó khăn liên quan đến các dự án ODA, đề nghị các cơ quan chủ quản, chủ dự án bám sát tiến độ thực hiện dự án và tiến độ điều chỉnh dự án, kịp thời tháo gỡ ngay vướng mắc, khó khăn trong triển khai dự án và giải ngân, chỉ đạo tập trung đẩy mạnh giải ngân các dự án đã hoàn tất các thủ tục đầu tư, công tác đấu thầu, ký kết hợp đồng; phối hợp với Bộ Tài chính để kịp thời trao đổi với nhà tài trợ trong trường hợp có vướng mắc phát sinh.
Đối với khó khăn liên quan đến chương trinh mục tiêu quốc gia, các chủ chương trình, dự án, tiểu dự án thành phần và UBND tỉnh kịp thời nắm bắt các khó khăn, vướng mắc trong tổ chức triển khai của địa phương (đặc biệt là các đơn vị cấp xã) để chỉ đạo, tháo gỡ, hướng dẫn, thậm chí cử cán bộ chuyên trách hỗ trợ các đơn vị cấp xã.
Đối với các dự án có quy mô lớn, yêu cầu kỹ thuật phức tạp, trải dài trên nhiều địa phương, thời gian thi công gấp rút, điều kiện địa hình, thời tiết khó khăn, thiếu thốn nguyên vật liệu... cần phải tăng cường kiểm tra, giám sát, phân công rõ trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành đảm bảo khoa học, hiệu quả công việc.
Đối với số vốn đã phân bổ, cần tiếp tục thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Tài chính cũng lưu ý các bộ, địa phương, cơ quan xây dựng kế hoạch giải ngân và yêu cầu chủ đầu tư báo cáo tiến độ giải ngân theo từng tháng, quý, làm cơ sở để rà soát, cắt giảm kế hoạch vốn của các dự án giải ngân chậm để bổ sung cho các dự án khác có khả năng giải ngân tốt và có nhu cầu đẩy nhanh tiến độ, đặc biệt là các dự án quan trọng, cấp bách, các dự án hạ tầng chiến lược.
Đối với vốn ngân sách địa phương, đề nghị các địa phương đẩy nhanh tiến độ thu ngân sách địa phương, đặc biệt là thu sử dụng đất để đảm bảo tiến độ phân bổ vốn.

Điều chuyển vốn cho các dự án giải ngân tốt hơn, hoặc cho các dự án thực sự cấp bách, cần thiết
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hoà Bình nhấn mạnh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, rất quan trọng, nhất là trong bối cảnh chúng ta đặt ra mục tiêu tăng trưởng cao, cụ thể ít nhất là 8% năm 2025 và tăng trưởng 2 con số trong những năm tiếp theo. Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới tiếp tục có những diễn biến hết sức phức tạp, cạnh tranh thương mại diễn ra gay gắt, khó đoán định, Hoa Kỳ vừa công bố áp thuế đối ứng với hàng hóa đến từ nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam…, vấn đề về thúc đẩy giải ngân đầu tư công lại càng có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện mục tiêu tăng trưởng và phát triển.
Việc Hoa Kỳ công bố áp thuế nêu trên ít nhiều có ảnh hưởng nhất định tới thực hiện mục tiêu tăng trưởng. Chính phủ cũng đã họp, có đánh giá tác động và đề ra các giải pháp. Trong điều kiện như vậy, chúng ta phải đẩy mạnh hơn nữa các động lực tăng trưởng truyền thống để bù đắp cho những thiếu hụt do những vấn đề khách quan phát sinh bởi diễn biến tình hình, có thể tác động tiêu cực tới thực hiện mục tiêu tăng trưởng.
Đề cập đến công tác giải ngân đầu tư công năm 2025 đối với các bộ, cơ quan, địa phương thuộc Tổ công tác số 1, Phó Thủ tướng cho rằng các bộ, cơ quan, địa phương đã tích cực triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao, về cơ bản đã hoàn thành phân bổ. Tuy nhiên, còn một số bộ, cơ quan Trung ương và địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn được giao, cần cố gắng rà soát, tập trung phân bổ hết trong 1 đến 2 tuần tới.
Về giải ngân vốn đầu tư công, Phó Thủ tướng Thường trực đánh giá cao nhiều bộ, địa phương đã khẳng định cam kết mạnh mẽ trong giải ngân, chỉ đạo quyết liệt, lập các tổ kiểm tra, đôn đốc, tập trung tháo gỡ các khó khăn trong thực tiễn, như vấn đề về vật liệu, đền bù, giải phóng mặt bằng… qua đó góp phần thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đối với các công trình, dự án theo yêu cầu, kế hoạch được giao.

Trong giải ngân đầu tư công, Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương, đặc biệt là các địa phương cần tập trung hơn nữa cho các công trình trọng điểm, nhất là các tuyến cao tốc, tuyến đường ven biển. Những tuyến đường cao tốc, công trình vốn của Trung ương nhưng các địa phương cũng phải hết sức trách nhiệm, cùng tập trung chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, di dân, tái định cư và các nhiệm vụ khác, bảo đảm cho các dự án được đẩy mạnh thi công và sớm hoàn thành.
Đối với các dự án chậm tiến độ, các dự án nhu cầu không cấp bách, các dự án không có khả năng giải ngân…, các bộ, cơ quan, địa phương cần kịp thời gửi báo cáo tới Bộ Tài chính để xem xét, có phương án xử lý, điều chuyển vốn cho các dự án giải ngân tốt hơn, hoặc cho các dự án thực sự cấp bách, cần thiết.
Một lần nữa khẳng định thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nêu rõ, tinh thần chung là chúng ta cần phải đẩy mạnh hơn nữa tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Giải ngân cho nhanh, nhưng phải bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định, quy trình, không để phát sinh tiêu cực, lãng phí.
Cập nhật ngày 3/4/2025