• :
  • :
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội nghị toàn quốc Tổng kết thi hành Luật Công chứng

(laichau.gov.vn)

Sáng nay (14/1), Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết thi hành Luật Công chứng với điểm cầu các tỉnh, thành phố trong cả nước. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu chủ trì Hội nghị.

Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lai Châu.

Dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lai Châu có đồng chí Nguyễn Văn Ban – Phó Giám đốc Sở Tư pháp; đại diện lãnh đạo một số sở, ngành tỉnh; đại diện lãnh đạo phòng, trung tâm trực thuộc Sở Tư pháp và đại diện các phòng công chứng trên địa bàn tỉnh.

Luật Công chứng năm 2014 được ban hành đã góp phần hoàn thiện thể chế pháp luật về công chứng. Sau 5 năm triển khai thực hiện Luật Công chứng trong cả nước, hoạt động công chứng đã góp phần quan trọng vào việc phòng ngừa các tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai, nhà ở… 

Hoạt động công chứng tiếp tục phát triển theo hướng chuyên nghiệp hóa, hiện đại hóa, lấy người dân làm trung tâm phục vụ. Tính đến 31/12/2019, cả nước có 2.782 công chứng viên, 1.151 tổ chức hành nghề công chứng, trong đó có 120 phòng Công chứng và 1.031 Văn phòng Công chứng. Hiện cả nước 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều có Văn phòng công chứng theo chủ trương xã hội hóa. Các Văn phòng công chứng được thành lập, củng cố và tiếp tục phát triển góp phần giảm áp lực cho các cơ quan hành chính nhà nước. Các Phòng công chứng được chuyển đổi thành Văn phòng công chứng hoặc chuyển đổi sang cơ chế tự chủ về tài chính đã góp phần giảm bớt gánh nặng biên chế và ngân sách Nhà nước. Đã có 33/120 Phòng công chứng chuyển đổi thành đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; 50/120 Phòng công chứng chuyển đổi thành đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên…

5 năm qua, các tổ chức hành nghề công chứng cả nước đã công chứng được 27 triệu việc; chứng thực chữ ký giấy tờ, tài liệu, chứng thực bản sao từ bản chính được gần 52 triệu việc. Tổng số phí thu công chứng được khoảng 8,5 nghìn tỷ đồng; phí chứng thực thu được gần 346 tỷ đồng; tổng số tiền nộp thuế và nộp ngân sách nhà nước khoảng 1,7 nghìn tỷ đồng. Công tác phân cấp, cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động công chứng được đẩy mạnh như ứng dụng công nghệ thông tin và hoạt động quản lý nhà nước cũng được các địa phương triển khai như triển khai phầm mềm quản lý hồ sơ về công chứng, cơ sở dữ liệu công chứng, phần mềm quản lý tổ chức hành nghề công chứng…

Tham luận tại Hội nghị, các đại biểu tập trung vào các vấn đề như vai trò của tổ chức xã hội – nghề nghiệp của công chứng viên trong tổ chức và hoạt động công chứng; vai trò của công chứng trong hoạt động của ngân hàng; một số vấn đề về xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực công chứng…

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu phát biểu kết luận Hội nghị.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu đề nghị các tỉnh, thành phố và các đơn vị có liên quan cần tiếp tục triển khai có hiệu quả các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về công chứng; tăng cường đào tạo bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, ý thức pháp luật nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ công chứng viên; nâng cao vai trò tự quản của tổ chức xã hội – nghề nghiệp của công chứng viên; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Công chứng và các văn bản hướng dẫn thi hành nhằm nâng cao nhận thức của cá nhân, tổ chức về vị trí, vai trò của nghề công chứng, công chứng viên trong việc đảm bảo an toàn pháp lý đối với các hợp đồng, giao dịch; tiếp tục thực hiện nghiêm, có hiệu quả quy tắc đạo đức hành nghề cho các công chứng viên; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra hoạt động hành nghề công chứng, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động công chứng…


Tác giả: Thanh Hoa
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 5.509
Hôm qua : 6.608
Tháng 03 : 229.413
Năm 2024 : 660.248
Tổng số : 82.126.341