• :
  • :
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Lai Châu dự cuộc họp trực tuyến toàn quốc về ứng phó với cơn bão số 3 năm 2025

(laichau.gov.vn)

Sáng nay (20/7), Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp ứng phó với cơn bão số 3 bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến đến 18 điểm cầu các địa phương từ Hà Tĩnh trở ra.

Quang cảnh cuộc họp.

Dự cuộc họp tại điểm cầu Trung ương có lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Môi trường; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành liên quan. 

Tại điểm cầu tỉnh Lai Châu, tham dự cuộc họp có đồng chí Hà Trọng Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan cùng thành viên Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh. Tại tỉnh Lai Châu cuộc họp được kết nối trực tuyến tới các xã, phường trên địa bàn tỉnh.

Bão số 3 (tên quốc tế là Wipha). Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, đến 4h ngày 20/7, vị trí tâm bão số 3 Wipha trên vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông, cách Quảng Ninh - Hải Phòng khoảng 830km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (103 - 117km/giờ), giật cấp 14; di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ khoảng 20 - 25km/h.

Bão số 3 Wipha sắp vào thời điểm mạnh nhất, hướng vào vùng biển Quảng Ninh - Ninh Bình
Vị trí và đường đi của bão Wipha cập nhật vào 5 giờ ngày 20/7. Ảnh: Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia.

Bão hướng vào vùng biển Quảng Ninh - Ninh Bình trong 48 giờ tới

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20 - 25km và có khả năng mạnh thêm. Đến 4 giờ ngày 21/7, vị trí tâm bão ở khoảng 21,3 độ vĩ Bắc; 110,3 độ kinh Đông, trên đất liền phía đông bắc bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 - 12, giật cấp 15.

Vùng nguy hiểm được xác định phía bắc 20 độ vĩ Bắc; trong phạm vi 108,5 đến 117,5 độ kinh Đông. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3, khu vực chịu ảnh hưởng là vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông.

Dự báo trong 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam với tốc độ khoảng 15km/h. Đến 4 giờ ngày 22/7, vị trí tâm bão ở khoảng 20,6 độ vĩ bắc; 107,4 độ kinh Đông, trên vùng biển Quảng Ninh - Ninh Bình. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 - 11, giật cấp 14. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.

Dự báo trong 72 giờ tiếp theo, bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Nam với tốc độ khoảng 10km/h, đi vào đất liền đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hoá, suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.

Đến 4 giờ ngày 23/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 20,2 độ vĩ Bắc; 105,0 độ kinh đông. Sức gió mạnh nhất cấp 6, giật cấp 8. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.

Từ ngày 21/7, bão tác động mạnh đến đất liền

Về tác động của bão trên biển, vùng biển phía Bắc khu vực bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 8 - 10, vùng gần tâm bão cấp 11 - 12, giật cấp 15; sóng biển cao 5 - 7m, biển động dữ dội.

Từ đêm 20/7, vùng biển bắc vịnh Bắc Bộ (bao gồm Bạch Long Vĩ, Cô Tô, Cát Hải) gió mạnh dần lên cấp 6 - 7, sau tăng cấp 8 - 9, vùng gần tâm bão cấp 10 - 11, giật cấp 14; sóng biển cao 2,0 - 4,0m, vùng gần tâm 3,0 - 5,0m.

Từ ngày 21/7, vùng biển nam vịnh Bắc Bộ có gió mạnh dần lên cấp 6 - 7, vùng gần tâm bão cấp 8 - 9, giật cấp 11; sóng biển cao 2,0 - 4,0m. Biển động rất mạnh. Tàu thuyền trong vùng nguy hiểm có nguy cơ cao chịu tác động của dông, lốc, gió mạnh, sóng lớn.

Quang cảnh cuộc họp tại các điểm cầu.

Về tình hình nước dâng do bão, khu vực ven biển Quảng Ninh - Hải Phòng có nước dâng do bão cao từ 0,5 - 0,8m, kết hợp thủy triều tạo mực nước tổng cao từ 4,1m tại Hòn Dấu (Hải Phòng) đến 5m tại Bãi Cháy (Quảng Ninh), gây ngập úng vùng trũng, thấp ven biển, cửa sông vào trưa và chiều 22/7.

Trên đất liền, từ tối và đêm 21/7, vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa có gió mạnh dần lên cấp 7 - 9, giật cấp 10 - 11; sâu trong đất liền gió mạnh cấp 6 - 7, giật cấp 8 - 9; vùng gần tâm bão cấp 10 - 11, giật cấp 14.

Từ ngày 21 - 23/7, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa lớn diện rộng với lượng mưa phổ biến 100 - 200mm, có nơi trên 300mm; riêng khu vực Đông Bắc, đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hoá và Nghệ An có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến 200 - 350mm, có nơi trên 600mm. Cảnh báo nguy cơ cao xuất hiện mưa cường suất lớn trên 150mm/3 giờ.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng phát biểu kết luận cuộc họp.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh: Đây là cơn bão rất mạnh, di chuyển nhanh, phạm vi và cường độ ảnh hưởng trên biển và đất liền rất rộng và nguy hiểm. Để chủ động ứng phó với bão và mưa lớn, nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân và Nhà nước, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thành viên Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai; các bộ, ngành Trung ương, UBND các tỉnh, thành phố chủ động theo dõi nắm tình hình diễn biến cơn bão, chỉ đạo, triển khai công tác kiểm đếm, hướng dẫn, đảm bảo an toàn cho các tàu thuyền, phương tiện hoạt động trên biển, ven biển chủ động thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú an toàn; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu; tổ chức trực ban 24/24 giờ để theo dõi tình hình thiên tai và tổ chức triển khai các biện pháp ứng phó.

Các cơ quan truyền thông kịp thời thông tin về tình hình thiên tai và công tác chỉ đạo ứng phó của các cơ quan chức năng, tăng cường phổ biến, hướng dẫn biện pháp, kỹ năng ứng phó với bão, mưa lũ, ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét cho người dân; Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia thường xuyên, liên tục cập nhật các thông tin liên quan đến cơn bão...

Tỉnh Lai Châu chủ động ứng phó với cơn bão số 3

Đối với tỉnh Lai Châu, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; xác định cơn bão số 3 là cơn bão rất mạnh, tầm ảnh hưởng rộng, hoàn lưu bão gây mưa lớn do vậy tỉnh Lai Châu đã quyết liệt chỉ đạo các đơn vị theo dõi sát diễn biến thời tiết, nâng cao cảnh giác, tổ chức trực ban 24/24 giờ, chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm theo phương châm “bốn tại chỗ” để chủ động, sẵn sàng ứng phó với tình huống xảy ra sạt lở, chia cắt. Hiện nay, 100% các xã, phường và các sở, ngành đã thành lập, kiện toàn Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ huy, sẵn sàng phương án ứng phó với các tình huống thiên tai. Các lực lượng thường trực bao gồm Quân đội, Công an, dân quân tự vệ, các doanh nghiệp, tình nguyện viên và các lực lượng khác trên địa bàn tỉnh luôn đảm bảo duy trì đủ quân số, tùy theo tính chất và tình hình diễn biến, mức độ ảnh hưởng của thiên tai, chính quyền các cấp có thể điều động và phân công, bố trí lực lượng để chi viện phù hợp theo yêu cầu. 

Tỉnh yêu cầu các xã, phường tập trung rà soát, kiểm tra khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, khu vực dân cư có nguy cơ cao xảy lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt chuẩn bị sẵn phương án, nhân lực, vật tư, phương tiện, trang thiết bị di chuyển, sơ tán người và tài sản đến nơi an toàn, chủ động cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xảy ra. Đồng thời, tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát, hỗ trợ hướng dẫn đảm bảo an toàn cho người và phương tiện, nhất là tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn; tổ chức khắc phục các tuyến giao thông bị sạt lở, khơi thông hệ thống thoát nước; duy trì thực hiện việc cảnh báo tại vị trí nguy hiểm có nguy cơ gây ách tắc giao thông. Các chủ đầu tư, chủ quản lý hồ, đập thủy lợi, thủy điện nghiêm túc thực hiện các quy định về phòng, chống thiên tai...

Đồng chí Hà Trọng Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu yêu cầu các sở, ngành thực hiện nghiêm Công điện của Thủ tướng Chính phủ.

Chỉ đạo tại điểm cầu tỉnh Lai Châu, sau khi kết thúc Hội nghị trực tuyến, đồng chí Hà Trọng Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu yêu cầu các sở, ngành thực hiện nghiêm Công điện của Thủ tướng Chính phủ, các chỉ thị, văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh về ứng phó với cơn bão số 3 và mưa lũ sau bão. Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo ứng phó cơn bão; yêu cầu các chủ đầu tư đang thi công các công trình thuỷ điện có phương án đảm bảo an toàn cho người và phương tiện; nếu xảy ra mưa, lũ lớn di chuyển toàn bộ người và phương tiện trên các công trình đang thi công. Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các xã trên cơ sở kế thừa phương án ứng phó của Ban Chỉ huy cấp huyện, cấp tỉnh tiếp tục cụ thể hoá để xác định được vị trí, loại hình đối tượng của thiên tai để có phương án ứng phó; thành lập các đội du kích các xã. Các xã, phường chủ động theo dõi tình hình cơn bão số 3, tham mưu cho UBND tỉnh để có những chỉ đạo, kiểm tra, ứng phó; chủ động có phương án, báo cáo kịp thời khi có diễn biến tình hình mới nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do cơn bão số 3 gây ra; trên các tuyến đường ngập, sạt lở Sở Giao thông vận tải túc trực và cắm biển báo nguy hiểm để Nhân dân biết…


Tác giả: Thu Hoài
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 4.262
Hôm qua : 6.269
Tháng 07 : 135.240
Năm 2025 : 1.239.354
Tổng số : 85.196.287