Thế giới tuần qua: Thúc đẩy hành động khí hậu toàn cầu
Tuần qua (11-17/11), trong bối cảnh các thảm họa thiên nhiên gia tăng nhanh chóng và lượng khí nhà kính đang ở mức cao nhất mọi thời đại, Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP29) được xem là cơ hội hiếm hoi để thế giới cùng nhau thống nhất về cách giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu.
Huy động nguồn lực ứng phó biến đổi khí hậu
Ngày 11/11, Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP29) đã chính thức khai mạc tại thủ đô Baku của Azerbaijan. Trong đó các nhà lãnh đạo thế giới đã nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc huy động các nguồn lực để ứng phó với biến đổi khí hậu.
Các cuộc thảo luận về quỹ tài chính khí hậu mới cũng như việc sửa đổi chính sách thương mại dự kiến sẽ là trọng tâm của các vòng đàm phán kéo dài từ 11-22/11/2024 trong khuôn khổ COP29. Hội nghị năm nay được tổ chức trong bối cảnh các thảm họa khí hậu đang hoành hành tại nhiều khu vực trên toàn thế giới, từ lũ lụt đến hạn hán trên khắp châu Mỹ, châu Âu và châu Á. Ngoài ra, năm 2024 cũng đang trên đà phá vỡ kỷ lục nhiệt độ của năm ngoái và trở thành năm nóng nhất trong lịch sử với nền nhiệt tăng theo cấp số nhân.
Trong số gần 200 quốc gia tham dự Hội nghị, những bên đóng vai trò chính bao gồm: Trung Quốc - nước phát thải lớn nhất thế giới, duy trì quan điểm cho rằng các nước phát triển nên dẫn đầu trong hành động và tài chính về khí hậu; Mỹ - nước phát thải lớn thứ hai và Liên minh châu Âu (EU) – một khu vực đóng góp lớn cho tài chính về khí hậu. Một trong những chủ đề “nóng” nhất của COP29 chính là vấn đề tài chính khí hậu, nơi các quốc gia thảo luận để tìm ra con số tài chính thích hợp nhằm hỗ trợ các nước nghèo ứng phó với biến đổi khí hậu.
COP29 được xem là cơ hội hiếm hoi để thế giới cùng nhau thống nhất về cách giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu, hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C, giúp các cộng đồng dễ bị tổn thương thích nghi với biến đổi khí hậu và đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Trong khuôn khổ COP29, các bên sẽ đàm phán Mục tiêu định lượng tập thể mới (NCQG) — một mục tiêu tài chính khí hậu tham vọng hơn, minh bạch hơn và có thể dự đoán được nhằm hỗ trợ tốt hơn cho các nước đang phát triển trong ứng phó với biến đổi khí hậu.
COP29 cũng là sự kiện cuối cùng trước thời hạn tháng 2/2025 để cập nhật các Đóng góp do quốc gia tự xác định (NDC), từ đó tạo động lực cho các cam kết khí hậu quốc gia tham vọng hơn. Điều quan trọng là NDC phải phản ánh kết quả của đánh giá toàn cầu (GST) được thông qua tại COP28, đặc biệt là quyết định mang tính lịch sử về việc loại bỏ nhiên liệu hóa thạch.
Israel tuyên bố đạt tiến triển trong đàm phán ngừng bắn ở Lebanon
Ngày 11/11, Bộ trưởng Ngoại giao Israel Gideon Saar thông báo các nỗ lực ngoại giao trung gian cho lệnh ngừng bắn ở Lebanon đã có tiến triển, cho dù phía Hezbollah khẳng định chưa hề nhận được bất kỳ đề xuất ngừng bắn nào.
Ông Saar nêu quan điểm, Israel sẽ chỉ đồng ý ngừng bắn nếu như được đảm bảo rằng Hezbollah không hiện diện ở biên giới Israel và rút lực lượng về phía Bắc sông Litani. Israel cũng yêu cầu lực lượng Hezbollah sẽ không tái vũ trang bằng các hệ thống vũ khí mới.
Ở chiều ngược lại, Hezbollah khẳng định chưa hề nhận được bất kỳ đề xuất ngừng bắn nào và cũng không mong đợi điều này sẽ sớm xảy ra. Phát biểu trên truyền hình, người phát ngôn lực lượng này, ông Mohammad Afif xác nhận đã có động thái mạnh mẽ giữa nhiều quốc gia có ảnh hưởng như Mỹ, Nga, Iran.
Từ cuối tháng 9/2024, Israel đã tiến hành một cuộc tấn công trên bộ quy mô lớn tại Lebanon - chủ yếu nhắm vào miền Nam Lebanon, vùng ngoại ô phía Nam thủ đô Beirut và thung lũng Bekaa, đồng thời tuyên bố mục tiêu của họ là phá vỡ năng lực quân sự của Hezbollah.
Xét về mặt thực tế, bất kỳ lệnh ngừng bắn nào ở Lebanon cũng phải được Hezbollah chấp thuận, và thậm chí là cả nước bảo trợ Iran. Cách đây ít lâu, Tổng thư ký của Hezbollah - ông Naim Qassem đã ngỏ ý sẵn sàng ngừng bắn với Israel, đồng thời cho biết thêm rằng phong trào này đã rút lại yêu cầu trước đó rằng lệnh ngừng bắn ở Gaza phải được thực hiện trước khi Hezbollah và Israel chấm dứt giao tranh.
Mặc dù đã có động thái rõ ràng về thỏa thuận ngừng bắn, song vào ngày 10/11, quân đội Israel tiếp tục thông báo kế hoạch mở rộng các cuộc tấn công trên bộ ở miền Nam Lebanon. Cũng trong ngày 10/11, Bộ trưởng Quốc phòng Israel - Israel Katz cho biết, Israel đã đánh bại Hezbollah và có thể đạt được nhiều thành quả hơn nữa ở Lebanon.
Mỹ khánh thành căn cứ phòng thủ tên lửa tại Ba Lan
Ngày 13/11, giới chức Ba Lan và Mỹ đã tổ chức lễ khánh thành căn cứ phòng thủ tên lửa của Mỹ tại Redzikowo, miền Bắc Ba Lan. Buổi lễ cũng có sự tham dự của Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda và Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Mark Rutte.
Phát biểu tại buổi lễ, Tổng thư ký NATO Mark Rutte cho biết căn cứ này sẽ nâng cao đáng kể khả năng phòng thủ của NATO trước các mối đe dọa ngày càng tăng của tên lửa đạn đạo từ bên ngoài khu vực châu Âu-Đại Tây Dương.
Về phần mình, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Wladyslaw Kosiniak-Kamysz mô tả đây là sự kiện có tầm quan trọng lịch sử đối với an ninh của Ba Lan, Mỹ và NATO. Căn cứ tại Redzikowo có tên gọi “Aegis Ashore,” nằm cách biên giới Nga 230km, đã đi vào hoạt động từ tháng 7 năm nay.
Dự án xây dựng căn cứ phòng thủ tên lửa này được công bố lần đầu tiên vào năm 2009, với mục đích ban đầu nhằm bảo vệ phương Tây khỏi các mối đe dọa từ Trung Đông. Dự án này sau đó đã bị trì hoãn trong thời gian dài và hiện nay được thiết kế như một phần trong hệ thống lá chắn tên lửa mở rộng của NATO, nhằm bảo vệ sườn Đông của liên minh quân sự này. Căn cứ nằm dưới sự chỉ huy của NATO và Bộ Tư lệnh châu Âu của Mỹ, được trang bị hệ thống radar có thể phát hiện và đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm ngắn đến tầm trung.
Mặc dù NATO tuyên bố rằng căn cứ Aegis Ashore cũng như một căn cứ tương tự tại Romania chỉ mang tính phòng thủ, nhưng Nga vẫn coi đây là những mối đe dọa. Cùng ngày, truyền thông Nga dẫn lời người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết căn cứ phòng thủ tên lửa tại Ba Lan là bước tiến trong việc mở rộng cơ sở hạ tầng quân sự Mỹ tại châu Âu gần biên giới Nga. Moskva sẽ triển khai các biện pháp cần thiết để duy trì sự cân bằng với việc triển khai căn cứ này của NATO.
Nga nêu điều kiện đối thoại với Ukraine
Ngày 15/11, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Đây là cuộc điện đàm đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo trong gần 2 năm.
Phát biểu với báo giới, người phát ngôn Chính phủ Đức Steffen Hebestreit cho biết trong cuộc điện đàm kéo dài gần 1 giờ, Thủ tướng Đức Scholz kêu gọi Nga tiến hành các cuộc đàm phán với Ukraine nhằm đạt được hòa bình lâu dài, đồng thời khẳng định quyết tâm của Berlin trong việc hỗ trợ Kiev “đến khi nào còn cần thiết”. Theo ông Hebestreit, trước cuộc điện đàm này, Thủ tướng Scholz đã điện đàm với Tổng thống Ukraine Vladimyr Zelensky và sẽ tiếp tục điện đàm với nhà lãnh đạo Ukraine sau cuộc điện đàm với ông Putin.
Trong một tuyên bố đăng trên mạng xã hội X, Thủ tướng Scholz đã đề nghị Tổng thống Nga chấm dứt các hoạt động quân sự tại Ukraine, cũng như thể hiện “sự sẵn sàng đàm phán” với Kiev. Hai bên cũng đã nhất trí duy trì liên lạc sau cuộc điện đàm trên.
Về phần mình, Điện Kremlin cho biết tại cuộc điện đàm, Tổng thống Nga nêu rõ Moskva sẵn sàng đối thoại nhằm giải quyết xung đột với Ukraine dựa trên các đề xuất mà Bộ Ngoại giao nước này công bố hồi tháng 6. Tuyên bố của Điện Kremlin nhấn mạnh: "Về triển vọng giải quyết xung đột bằng chính trị và ngoại giao, Tổng thống Nga lưu ý rằng phía Nga chưa bao giờ từ chối và vẫn để ngỏ khả năng nối lại các cuộc đàm phán”. Bất kỳ thỏa thuận nào liên quan cũng cần phải tính đến lợi ích an ninh của Nga.
Bên cạnh đó, hai bên còn đề cập tới mối quan hệ song phương. Tổng thống Nga khẳng định nước này luôn thực hiện nghĩa vụ liên quan đến năng lượng và sẵn sàng hợp tác nếu Berlin quan tâm.
Ông Scholz là lãnh đạo phương Tây đầu tiên điện đàm với Tổng thống Putin sau gần hai năm. Cuộc điện đàm gần nhất của lãnh đạo Nga và Đức diễn ra vào tháng 12/2022 và lần gần nhất hai bên gặp trực tiếp tại Moskva là vào ngày 15/2/2022.
Brazil tăng cường an ninh cho Hội nghị Thượng đỉnh G20
Chính quyền Brazil đã triển khai quân đội, xe bọc thép và tàu hải quân để tăng cường an ninh cho Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) dự kiến diễn ra ngày 18 -19/11 tại Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại ở Rio de Janeiro.
Để đảm bảo an ninh, các binh sĩ tuần tra khu vực bảo tàng, một số tuyến phố cấm phương tiện lưu thông trong khi xe bọc thép đỗ bên ngoài tòa nhà, nơi các nhà lãnh đạo G20 sẽ nhóm họp. Các tàu hải quân tuần tra Vịnh Botafogo giữa bảo tàng và núi Sugarloaf. Lính thủy đánh bộ cũng được triển khai.
Cảnh sát liên bang cho biết đã rà soát bảo tàng để phát hiện nguy cơ đánh bom và bố trí lính bắn tỉa xung quanh tòa nhà để bảo vệ 84 nhà lãnh đạo và bộ trưởng dự kiến tham dự hội nghị. Chính phủ cũng thực hiện biện pháp Đảm bảo Luật pháp và Trật tự, theo đó cho phép triển khai tạm thời lực lượng quân đội trong thời gian diễn ra hội nghị và có quyền bắt giam bất kỳ nghi phạm nào.
Nhà chức trách cũng hạn chế hoạt động giao thông hàng không, trong đó có sử dụng thiết bị bay không người lái, và hủy các chuyến bay trong 2 ngày nói trên tại sân bay nội địa Santos Dumont gần nơi diễn ra hội nghị. Lực lượng an ninh gồm 26.000 thành viên, trong đó có 2.900 quân nhân, sẽ tuần tra khu vực cũng như bảo vệ địa điểm tổ chức hội nghị.
Chính quyền Brazil tăng cường an ninh cho hội nghị G20 sau khi có âm mưu đánh bom nhằm vào Tòa án Tối cao tại thủ đô Brasilia ngày 12/11 vừa qua. Cảnh sát cho biết một nhà hoạt động cánh hữu cùng với quả bom tự chế đã tìm cách đột nhập vào trụ sở tòa án, sau đó tự sát bằng thuốc nổ bên ngoài tòa nhà.
Theo trang web chính thức của G20, trọng tâm các cuộc thảo luận tại G20 lần này sẽ là cải cách thể chế quản trị toàn cầu, thúc đẩy hòa nhập xã hội thông qua việc tạo cơ hội cho người nghèo và đẩy mạnh quá trình chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn năng lượng sạch./.
Cập nhật 17/11/2024