Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025: Còn nhiều việc phải làm, tuyệt đối không chủ quan
Sáng nay (29/4), tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đã có cuộc làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo về công tác chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) năm 2025.
Cùng dự có đại diện Bộ Công an, Y tế, Thanh tra Chính phủ, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương.
Chuẩn bị kỹ lưỡng với hơn 1 triệu thí sinh thi tốt nghiệp THPT
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho biết, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 là kỳ thi lớn với sự tham gia của hơn 1,1 triệu thí sinh trên khắp 63 tỉnh/thành phố; đồng thời, tổ chức thi theo hai chương trình giáo dục phổ thông. Theo đó, sẽ điều động khoảng 200.000 cán bộ được điều động tham gia công tác tổ chức thi.
Đây là Kỳ thi đầu tiên được tổ chức theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Theo đó, ngay từ năm 2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị từ sớm, từ xa các hệ thống văn bản, các quy trình tổ chức để chỉ đạo chung, các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương công tác tổ chức thi tại địa phương, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nói.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn xây dựng đề thi tham khảo từ sớm ngay từ đầu năm học Kỳ thi tốt nghiệp THPT và công bố vào ngày 18/10/2024 (sớm hơn 5 tháng so với các năm trước).
Đề thi được xây dựng theo hướng mở và phát huy trí tuệ tập thể toàn ngành đồng thời phù hợp với phương thức một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh mục tiêu "2 giảm" là giảm áp lực và giảm tốn kém cho xã hội nhưng vẫn bảo đảm chất lượng đề ra. Tính chất kỳ thi năm nay đặc biệt quan trọng, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ nỗ lực bảo đảm kỳ thi an toàn, nghiêm túc, khách quan, đúng quy chế, hiệu quả.
Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Huỳnh Văn Chương cho biết thêm, công tác coi thi sẽ được diễn ra vào các ngày 25, 26, 27/6/2025 trong đó ngày 25/6 là ngày làm thủ tục dự thi, 26 và 27/6 là các ngày thi chính thức, 28/6 là ngày dự phòng. Công tác chấm thi được thực hiện theo kế hoạch chung từ ngày 29/6 đến ngày 14/7/2025. Công bố kết quả thi vào 8h00 ngày 16/7/2025 tại Bộ Giáo dục và Đào tạo và tại 63 tỉnh, thành phố (Sở GDĐT).
Năm nay 100% thí sinh trên cả nước đăng ký thi trực tuyến. Cho đến thời điểm 12h ngày 27/4, tổng số thí sinh đăng ký dự thi là 1.153.901 (tăng gần 82.540 thí sinh so với năm 2024). Thí sinh tự do là 38.854 người chiếm 3,37% tổng số thí sinh (trong đó, số thí sinh tự do thi theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006 là 23.812 người).
Năm nay, dự kiến có 2.500 điểm thi (tăng 177 điểm thi so với năm 2024) và 50.000 phòng thi (tăng 4.851 phòng).
Ông Huỳnh Văn Chương cho biết, sẽ cố gắng xét tốt nghiệp và cấp bằng trước ngày 30/9.
Về một số điểm cần lưu ý trong triển khai kỳ thi, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức vào tháng 6, tại 3 miền đất nước, nên yếu tố về thời tiết cần được quan tâm. Một điểm đáng chú ý của kỳ thi năm nay là thời điểm tổ chức Kỳ thi, trong bối cảnh cả nước đang thực hiện việc sắp xếp, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp theo chủ trương của Đảng và Nhà nước. Do đó cần đặc biệt quan tâm, tập huấn kỹ càng cho những người tham gia tổ chức thi, bao gồm cả nhân sự dự phòng; kịp thời thay đổi công tác nhân sự khi có sự điều động, luân chuyển do việc sáp nhập.
Đại diện Bộ Công an cho biết, Công an cấp huyện các năm trước tham gia vào việc hỗ trợ bảo đảm an ninh, an toàn kỳ thi ở các địa phương nay đã chuyển về cấp tỉnh và cấp xã.
Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội nghị tập huấn về thi tốt nghiệp THPT năm 2025 cho các Sở GDĐT và PA03 của 63 tỉnh, thành phố để quán triệt quy chế thi, tập huấn nghiệp vụ tổ chức thi; tập huấn sử dụng các hệ thống phần mềm phục vụ công tác tổ chức thi.
Tại buổi tập huấn, các tình huống, vấn đề phát sinh trong những năm trước đây đều đã được tổng hợp và hướng dẫn chi tiết cách thức xử lý đến các sở.
Về đảm bảo an ninh, trật tự cho kỳ thi, đại diện Bộ Công an cho biết, hiện tình hình sử dụng công nghệ cao để gian lận thi cử diễn biến rất phức tạp. Những năm gần đây Bộ Công an đã triệt phá nhiều đường dây mua bán thiết bị nghe siêu nhỏ gắn trong tai để thực hiện gian lận. Ngoài ra, gần đây trên thế giới cũng đã phát hiện trường hợp sử dụng AI để gian lận thi cử.
Vì vậy, lực lượng công an đã tập trung các giải pháp để tăng cường đảm bảo an ninh, trật tự cho kỳ thi. Bên cạnh đó làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến với thí sinh và phụ huynh, nhất là về vấn đề học sinh, thí sinh làm lộ lọt đề thi ra ngoài.
Bảo đảm tổ chức thành công trong bối cảnh mới
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Thành Long hoan nghênh Bộ Giáo dục và Đào tạo, cơ quan chủ công, chịu trách nhiệm chính, đã rất chủ động trong việc chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng như sự chủ động của các bộ, ngành liên quan.
Tuy nhiên, sắp tới, còn rất nhiều việc phải làm, chúng ta tuyệt đối không được chủ quan. Phó Thủ tướng Lê Thành Long lưu ý, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay có một số điểm khác, cần nhận thức, xác định rõ trong các văn bản chỉ đạo để có giải pháp sát hơn. Đó là tổ chức thi tốt nghiệp THPT cho thí sinh học theo chương trình giáo dục phổ thông 2006 và 2018.
Kỳ thi được tổ chức đúng thời điểm "giao thời" của công tác tổ chức bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính như không tổ chức cấp huyện, sáp nhập các tỉnh, xã, sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra… Đây là những cấp, cơ quan có nhiệm vụ, trách nhiệm quan trọng trong tổ chức kỳ thi tốt nghiệp hàng năm. Năm nay, số lượng thí sinh nhiều hơn. Công nghệ gian lận ngày càng tinh vi.
Yêu cầu chúng ta đặt ra là phải tổ chức kỳ thi thành công, an toàn, đạt mục tiêu đề ra, không để xảy ra sự cố, Phó Thủ tướng nêu rõ. Chỉ một chút không an toàn thì hậu quả khôn lường.
Cần phải tiếp tục có các văn bản chỉ đạo và các hoạt động cụ thể đối với tổ chức Kỳ thi này theo hướng "cầm tay chỉ việc", bám sát tình hình sắp xếp, tổ chức bộ máy, có sự phân công lại nhiệm vụ, chứ không nêu chung chung.
Phải chỉ rõ ai làm việc gì, Phó Thủ tướng nói và đặt vấn đề, "tôi đã hỏi trước đây, trung tâm y tế cấp huyện cử cán bộ y tế thì bây giờ tổ chức lại thì ai cử, công an trước gác ở các điểm thi, nơi in sao đề thi thi do Công an huyện chỉ đạo thì bây giờ ai chỉ đạo…".
Chỉ thị số 37/CT-TTg của Thủ tướng ban hành 7/10/2024 đã nêu rõ về tăng cường công tác chỉ đạo, phối hợp, tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2025 thì trước đặc điểm, tình hình mới này thì cập nhật, bổ sung điều gì, đặc biệt là phân định thẩm quyền, công việc trong tổ chức, sắp xếp. Phó Thủ tướng cũng lưu ý, không được chủ quan về vấn đề tâm lý cán bộ khi bộ máy được tinh gọn, cần nâng cao trách nhiệm của mỗi cá nhân, phân định công việc rõ ràng. Cần nhấn mạnh trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương, cả đồng chí Bí thư chứ không chỉ Chủ tịch.
Phó Thủ tướng đề nghị tiếp tục cập nhật và hoàn thiện để ban hành một công điện mới của Thủ tướng Chính phủ. Đảng ủy Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần có văn bản gửi Ban Thường vụ Đảng ủy các tỉnh, thành phố đề nghị chỉ đạo sát sao công tác tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Bộ Công an, Bộ Y tế cần có kế hoạch riêng về tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT. Trong mọi trường hợp phải bảo đảm sự nhất quán, thông suốt từ Trung ương đến địa phương.
Cần chủ động làm tốt công tác truyền thông về kỳ thi với tinh thần để phụ huynh, xã hội, ban ngành hiểu rõ, đồng thuận trong thực hiện.
Phó Thủ tướng đề nghị tổ chức một hội nghị trực tuyến toàn quốc về kỳ thi tốt nghiệp vào thời điểm thích hợp.
Cập nhật ngày 29/4/2025