Ngày 18-7-1977: Việt Nam - Lào ký kết Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác
Ngày 18-7-1977, Việt Nam và Lào đã thỏa thuận ký kết Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác nhằm tăng cường sự tin cậy và hợp tác lâu dài giữa hai nước.
Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 18-7-2022 cũng được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast tại đây và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm.
Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 18-7
Sự kiện trong nước
- Ngày 18-7-1977, trước yêu cầu khách quan của cách mạng hai nước Việt Nam - Lào sau khi giành lại nền độc lập dân tộc, từ ngày 15 đến 18-7-1977, Đoàn đại biểu cấp cao Đảng và Chính phủ Việt Nam do Tổng Bí thư Lê Duẩn và Thủ tướng Phạm Văn Đồng dẫn đầu sang thăm hữu nghị chính thức nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân (CHDCND) Lào.
Trong chuyến thăm đặc biệt này, ngày 18-7-1977, hai bên đã thỏa thuận ký kết một số hiệp ước và ra tuyên bố chung nhằm tăng cường sự tin cậy và hợp tác lâu dài giữa hai nước, trong đó có Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước CHDCND Lào. Đây là hiệp ước có giá trị đặc biệt quan trọng, là biểu tượng sinh động của mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới.
- Ngày 18-7-1975, mùa Xuân năm 1975, trong không khí hân hoan của cả nước mừng ngày hội thống nhất non sông, để chuẩn bị đón Bác về với Thủ đô và khánh thành Công trình Lăng của Người, tháng 4-1975 một bộ phận cán bộ, nhân viên kỹ thuật được tách ra từ Đoàn 259B, Bộ tư lệnh Công binh (đơn vị tham gia xây dựng Lăng) và mang tên “Bộ phận chạy máy” - đây chính là đơn vị tiền thân của Đoàn 195 ngày nay. Ngày 18-7-1975, thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh được đón về Lăng - nơi yên nghỉ vĩnh hằng của Người; và cũng từ ngày này Bộ phận chạy máy chính thức bước vào thực hiện nhiệm vụ vận hành thiết bị kỹ thuật Công trình Lăng bảo đảm thông số nhiệt độ, độ ẩm, môi trường phục vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và tổ chức lễ viếng Bác. Từ đây, ngày 18-7 hàng năm đã trở thành Ngày truyền thống của Đoàn 195.
Từ khi thành lập đến nay, Đoàn 195 (Bộ tư lệnh bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh) luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quản lý, vận hành hệ thống thiết bị, kỹ thuật, kiến trúc công trình Lăng và các công trình liên quan; vận hành hệ thống thiết bị bảo đảm môi trường phục vụ nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Sự kiện quốc tế
- Ngày 18-7-1811, nhà vǎn lớn nước Anh Thackeray William Makepeace ra đời tại Ấn Độ. Ông được xem như người đại diện ưu tú nhất của văn học hiện thực phê phán Anh thế kỷ XIX.
- Ngày 18-7-1968, Tập đoàn Intel (Integrated Electronics) được thành lập tại Santa Clara, California, Hoa Kỳ. Đồng sáng lập thương hiệu là nhà hóa học kiêm vật lý học Gordon E.Moore và Robert Noyce.
Theo dấu chân Người
- Ngày 18-7-1946, tiếp tục lưu lại thăm nước Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp gỡ các tầng lớp nhân dân ở nhiều địa phương, tìm hiểu đời sống và công cuộc khắc phục hậu quả chiến tranh của Chính phủ và nhân dân Pháp. Cùng ngày, Bác tiếp Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Pháp Maurice Thorez.
- Tháng 7-1948, nhân gặp cụ Võ Liêm Sơn, một nhân sĩ yêu nước tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ II họp ở Việt Bắc, Bác tặng cụ bài thơ chữ Hán “Tặng Võ Công” được dịch ra quốc ngữ:
“Nghìn dặm cụ tìm đến,
Một lời trăm cảm thông!
Thề giữ tròn đạo hiếu,
Thề nước vẹn lòng trung.
Cụ đến tôi mừng rỡ,
Cụ đi, tôi nhớ nhung.
Một câu xin tặng cụ:
“Kháng chiến ắt thành công”.
- Tháng 7-1949, Bác gửi thư cho lớp học viết báo mang tên “Huỳnh Thúc Kháng”. Là một nhà báo lão luyện, với tình đồng nghiệp Bác diễn giải: “Có thể thí dụ rằng: 3 tháng này các bạn đã học cửu chương. Còn muốn giỏi các phép tính thì phải học nữa, phải học mãi. Học ở đâu, học với ai? Học trong xã hội, học nơi công tác thực tế, học ở quần chúng. Nếu các bạn viết báo mà quần chúng hiểu, quần chúng ham đọc, quần chúng khen hay, thế là các bạn tiến bộ. Trái lại, là các bạn chưa thành công. Các bạn nên thật thà phê bình ban huấn luyện, để giúp các lớp học sau được mỹ mãn hơn nữa”.
Cũng vào thời điểm tháng 7-1949, Bác viết thư gửi Báo Quân du kích xác định:
“Làm cho: Mỗi quốc dân là một chiến sĩ,
Mỗi làng xóm là một pháo đài.
Làm cho: Quân đội giặc đến đâu cũng bị khuấy, bị phá, bị diệt.
Bộ đội ta đến đâu cũng được giúp đỡ đầy đủ về vật chất và tinh thần. Đó là nhiệm vụ của Báo Quân du kích”.
(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày này năm xưa, NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, 2010)
Lời Bác dạy ngày này năm xưa
“Dựa vào nhân dân thì việc gì, dù khó đến đâu cũng có thể làm được”.
(Hồ Chí Minh Toàn tập - Tập 10, NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, 2011, tr47)
Lời dạy trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trích trong bài: “Sức mạnh nhân dân” bút danh H.B, đăng trên Báo Nhân Dân số 502, ngày 18-7-1955. Đây là năm đầu miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, bắt tay vào khôi phục kinh tế, tiếp tục cải cách ruộng đất, thực hiện người cày có ruộng, nhằm mục đích củng cố hòa bình, tiếp tục thực hiện sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; cần phải phát huy cao độ mọi tiềm năng, trí tuệ, sức mạnh của toàn dân để giành thắng lợi của cách mạng trong giai đoạn mới.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhận thức đúng và đề cao vai trò của nhân dân, Người chỉ rõ: Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra. Đây chính là triết lý về vai trò của nhân dân và mối quan hệ giữa Đảng với dân; là định hướng về tư tưởng, thái độ và hành động cho cán bộ, đảng viên trong quan hệ với nhân dân. Yêu cầu cán bộ, đảng viên phải chăm lo đến đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; luôn tôn trọng dân, lắng nghe và học hỏi dân; khơi nguồn sức mạnh trong dân, biết dựa vào dân để giải quyết các công việc cách mạng. Thấm nhuần lời dạy của Người, Đảng, Nhà nước ta luôn coi trọng và làm tốt công tác dân vận, xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy tối đa sức mạnh của nhân dân để giành thắng lợi trong kháng chiến, kiến quốc; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Quân đội nhân dân Việt Nam từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, được nhân dân thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ, tin tưởng và trao tặng danh hiệu cao quý Bộ đội Cụ Hồ. Mối quan hệ quân - dân là một hình mẫu tiêu biểu cho mối quan hệ máu thịt, cá - nước, thủy chung vẹn toàn, trở thành lời thề danh dự của người quân nhân cách mạng.
Thực hiện chức năng đội quân công tác, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân đã tích cực làm tốt công tác dân vận, tham gia xây dựng hệ thống chính trị, giúp dân phát triển kinh tế - xã hội; xóa đói, giảm nghèo; xóa mù chữ; xây dựng nông thôn mới, phòng tránh, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn; tuyên truyền, nâng cao ý thức cảnh giác cho các tầng lớp nhân dân, đấu tranh có hiệu quả với mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, xây dựng mối quan hệ đoàn kết giữa các dân tộc, tôn giáo, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên các địa bàn, nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo,… Qua đó, không ngừng củng cố, giữ vững mối quan hệ gắn bó quân dân, góp phần xây dựng “thế trận lòng dân” ngày càng vững chắc, thiết thực thực hiện tốt công tác dân vận của Đảng, Nhà nước trong tình hình mới.
Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 1883 ra ngày 18-7-1966 đưa tin về Hội nghị bất thường của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đưa ra Quyết nghị hứa với Hồ Chủ tịch ra sức động viên toàn dân và toàn quân đoàn kết chặt chẽ hơn nữa, kiên quyết thực hiện đầy đủ lời kêu gọi của Người.
Cập nhật ngày 18/7/2022