• :
  • :
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản
Đại thắng mùa xuân năm 1975

Ngày 21/4/1975: Thị xã Xuân Lộc và toàn tỉnh Long Khánh hoàn toàn giải phóng

(laichau.gov.vn)

Ngày 21/4/1975, thị xã Xuân Lộc và toàn tỉnh Long Khánh hoàn toàn giải phóng. Ban Bí thư gửi điện cho Thường vụ Trung ương Cục bức điện số 178 chỉ đạo về công tác tiếp quản Sài Gòn.

Tiếp quản Tiểu khu Long Khánh. (Ảnh: TTXVN)

Để chuẩn bị cho công tác tiếp quản Sài Gòn, ngày 21/4/1975, Ban Bí thư gửi Thường vụ Trung ương Cục bức điện số 178, trong đó khẳng định: “Công tác tiếp quản Sài Gòn chẳng những có ý nghĩa quan trọng, biểu thị trình độ chính trị và trình độ tổ chức của chính quyền cách mạng đối với nhân dân thành phố, mà còn đối với cả thế giới nữa”.

Ngày 21/4/1975, thị xã Xuân Lộc và toàn tỉnh Long Khánh được giải phóng. “Cánh cửa thép” phía đông trên đường tiến vào Sài Gòn bị vỡ, làm rung chuyển toàn bộ hệ thống phòng thủ còn lại của địch ở chung quanh Sài Gòn. Sau thắng lợi này, Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4 họp bàn các nhiệm vụ tiếp theo của Quân đoàn do trên giao.

Sư đoàn 325 và các lực lượng của khối đi đầu của Quân đoàn 2 tiến vào Xuân Lộc vào vị trí tập kết ở rừng Ông Quế (phía Nam thị xã 8km).

Cùng ngày, Sư đoàn 10, Quân đoàn 3 về tới địa điểm tập kết tại Củ Chi, chuẩn bị các công tác để tham gia chiến dịch giải phóng Sài Gòn.

20 giờ ngày 21/4/1975, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 ra lệnh cho các đơn vị vượt sông Sài Gòn.

Cùng ngày, Thường vụ Đảng ủy Quân đoàn 3 ra chỉ thị “Về công tác chính trị Chiến dịch Hồ Chí Minh” xác định các nội dung chủ yếu công tác chiến dịch làm cơ sở cho các đơn vị, cơ quan triển khai thực hiện hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ tiến công trên hướng chủ yếu trong trận quyết chiến chiến lược lịch sử này.

Ngày 21/4/1975, Tư lệnh Pháo binh Chiến dịch Hồ Chí Minh báo cáo với Bộ Tư lệnh chiến dịch kế hoạch sử dụng pháo binh. Theo đó, tính đến ngày 20/4/1975, lực lượng pháo binh ta tham gia chiến dịch có 55 tiểu đoàn, 789 khẩu, bố trí thành 30 cụm gồm 3 cụm pháo binh chiến dịch, sáu cụm pháo quân đoàn, 12 cụm pháo sư đoàn, 9 cụm pháo trung đoàn bộ binh. Mỗi binh đoàn thọc sâu có ít nhất 2 đại đội pháo 85 và 122 hoặc 105 ly.

Trong hai ngày 21 và 22/4/1975, Tổng cục Chính trị trình Thường trực Quân ủy Trung ương các báo cáo về tình hình chấp hành kỷ luật ở một số đơn vị trong vùng vừa giải phóng, trong đó nêu rõ: các đơn vị đã nhanh chóng ổn định tình hình địa phương; bộ đội khắc phục nhiều khó khăn chấp hành đúng chính sách vùng mới giải phóng.

Cùng trong ngày 21/4/1975, tại Sài Gòn, Nguyễn Văn Thiệu lên Đài truyền hình Sài Gòn chỉ trích Mỹ bỏ rơi đồng minh và tuyên bố từ chức Tổng thống ngụy quyền. Trần Văn Hương lên thay.

Cùng ngày, tướng Mỹ Oen-xơn, tùy viên quân sự của Mỹ tại Sài Gòn dẫn một phái đoàn cố vấn đến thị sát sân bay Bình Thủy, bàn bạc với Nguyễn Khoa Nam - Tư lệnh Quân đoàn 4 và Sư trưởng Sư đoàn 4 không quân ngụy kế hoạch di tản máy bay ở Biên Hòa và Tân Sơn Nhất và tăng thiết bị cho sân bay này để yểm trợ cho Sài Gòn khi sân bay Biên Hòa bị tê liệt.

SỸ NGUYÊN

Cập nhật ngày 21/4/2025


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 251
Hôm qua : 7.282
Tháng 04 : 140.243
Năm 2025 : 688.815
Tổng số : 84.645.748