A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Tiêu chuẩn phòng cháy, chữa cháy không được làm khó người dân và doanh nghiệp

(laichau.gov.vn)

Đại biểu Đặng Bích Ngọc (Đoàn Hoà Bình) nêu thực tế, có những quy chuẩn kỹ thuật phòng cháy, chữa cháy vừa được ban hành đã được thay thế bằng tiêu chuẩn mới, cụ thể là 3 năm 3 quy chuẩn. Một số tiêu chuẩn, quy chuẩn thiếu thực tế và không có tính khả thi khi thực hiện...

Sáng 28/8, Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

"Có những quy chuẩn kỹ thuật vừa được ban hành đã được thay thế bằng tiêu chuẩn mới"

Đại biểu Đặng Bích Ngọc (Đoàn Hoà Bình) phát biểu ý kiến

Quan tâm phòng cháy đối với nhà ở kết hợp kinh doanh, đại biểu Đặng Bích Ngọc (Đoàn Hoà Bình) cho rằng, hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn phòng cháy, chữa cháy đã góp phần không nhỏ vào việc định hình hệ thống quy định kỹ thuật nền tảng về an toàn cháy cho nhà và công trình, giảm rủi ro và thương vong cho con người. Theo thống kê, các bộ, ngành đã xây dựng tổng cộng trên 230 tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia có hiệu lực, trong đó có trên 100 tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia chuyên về phòng cháy, chữa cháy và 130 tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia có nội dung liên quan đến phòng cháy, chữa cháy. 

Tuy nhiên, theo đại biểu, "có những quy chuẩn kỹ thuật vừa được ban hành đã được thay thế bằng tiêu chuẩn mới, cụ thể là 3 năm 3 quy chuẩn. Chỉ riêng việc đọc và hiểu các thay đổi trong những quy định như trên cũng đã rất vất vả, chưa nói đến việc triển khai thực hiện. Một số tiêu chuẩn, quy chuẩn thiếu thực tế và không có tính khả thi khi thực hiện". Từ đó, đại biểu đề nghị các bộ, ngành cần phối hợp rà soát, sửa đổi lại các tiêu chuẩn, quy chuẩn về phòng cháy, chữa cháy để đảm bảo tính thống nhất khi thực hiện, tránh phiền hà cho doanh nghiệp và người dân.

Bên cạnh đó, thời gian qua, tình trạng xây dựng các công trình nhà ở riêng lẻ có nhiều tầng, nhiều căn hộ xây dựng không theo quy hoạch, không phép, sai phép, không bảo đảm các quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy, chữa cháy... dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ gây sự cố, mất an toàn cho công trình, xảy ra nhiều vụ cháy gây hậu quả thương tâm. Những nơi xảy ra cháy thường là khu dân cư xuống cấp, dịch vụ karaoke, nhà trọ mini, cơ sở sản xuất, kinh doanh chất dễ cháy, nhà ở hẻm, ngõ ngách, nơi chứa chất dễ cháy và là nơi chữa cháy rất khó khăn.

Đại biểu cho rằng việc quy định chung một quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, áp dụng chung cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh là chưa hợp lý. Từ đó, đề nghị các quy định nên phân biệt rõ các loại hình cơ sở sản xuất, kinh doanh dễ cháy nổ và đối với các loại hình này cần quy định khắt khe về phòng cháy, chữa cháy. 

Còn đối với các cơ sở ít xảy ra cháy, dễ dàng cứu chữa thì quy định về phòng cháy an toàn dễ hơn, như thế sẽ giảm chi phí cho doanh nghiệp và người dân. Đối với những cơ sở dễ cháy nếu không có đủ điều kiện để phòng cháy thì cơ sở có thể chuyển hình thức sản xuất, kinh doanh sang lĩnh vực khác.

"Như vậy sẽ phù hợp với mọi loại hình sản xuất, kinh doanh trong phòng cháy, chữa cháy" - đại biểu nó.

Đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông) cũng bày tỏ thống nhất cao với việc dự thảo Luật quy định khu vực kinh doanh có nguy cơ cháy nổ phải được ngăn cách với khu vực nhà ở. Bởi trong thực tế vừa qua trong các vụ cháy, nơi diễn ra cháy nổ bao gồm cả các khu vực để ở và không có sự ngăn cách.

“Chúng ta tưởng tượng một gia đình mà có rất nhiều người trong đó, dãy phía trước có đến hàng chục chiếc xe máy các loại. Đây là phương tiện rất dễ xảy ra cháy nổ. Tại TP Hà Nội hay các thành phố khác cũng thường thấy cảnh phía trước là kinh doanh, phía sau hoặc phía trên để ở. Nếu mà cháy thì sẽ rất khó, không có chỗ chạy. Vì vậy, chúng ta phải quy định như vậy” - đại biểu lý giải. 

Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần phải tính lộ trình phù hợp để quy định chặt chẽ. Thực tiễn hiện nay còn phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện kinh tế của các hộ kinh doanh, trường hợp chủ hộ kinh doanh không có nhà ở khác để lưu trú, diện tích quá nhỏ không thể ngăn cách giữa khu vực kinh doanh với khu vực để ở thì phải có phương pháp để tháo gỡ trong trường hợp này.

Tăng cường chế tài với công trình vi phạm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy

Đề cập tình trạng thời gian qua có nhiều vụ cháy nổ ở các chung cư cao tầng ở các thành phố gây thiệt hại về người và tài sản rất lớn, đại biểu Tô Ái Vang (Đoàn Sóc Trăng) cho rằng, tình trạng trên có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân bắt đầu từ đầu từ việc vi phạm các quy định trong hệ thống quy chuẩn tiêu chuẩn về phòng cháy, chữa cháy. 

“Dù đã có nhiều quy định phòng cháy, chữa cháy bắt buộc cần tuân thủ, song chưa được chủ đầu tư tuân thủ một cách đầy đủ” - đại biểu nói và cho rằng công tác an toàn cháy phải lấy yêu cầu phòng cháy là cơ bản, trọng tâm với phương châm “phòng cháy, chữa cháy”. 

Đại biểu Tô Ái Vang (Đoàn Sóc Trăng) phát biểu ý kiến

Phân tích cụ thể, đại biểu chỉ ra, quy định thiết kế tầng hầm trong thực tế là không có hoặc có hệ thống chữa cháy tự động, hệ thống hút khói, lối thoát nạn nhưng không hoàn chỉnh một số yêu cầu bắt buộc đã được quy định trong tiêu chuẩn, quy chuẩn. “Hiện nay, một số công trình tại các lối ra vào tầng hầm dùng hệ thống cửa xếp, cửa cuốn nên khi xảy ra cháy hệ thống điện bị cắt sẽ gây khó khăn trong việc thoát nạn hoặc chữa cháy” - đại biểu nói. 

Mặt khác, theo đại biểu, tầng hầm thường bố trí thêm hệ thống kỹ thuật như các tủ điện, trạm bơm, phòng biến áp, trong khi chưa có quy định nào về yêu cầu này trong các quy chuẩn, tiêu chuẩn.

Bên cạnh đó, lối thoát nạn dẫn ra các cầu thang bộ phải đảm bảo không bị ảnh hưởng của lửa, khói, nhiệt độ cao do đám cháy gây ra và phải được thông gió, chiếu sáng, có chỉ dẫn lối lên mặt đất dẫn trực tiếp ra bên ngoài. Tuy nhiên, vì những nguyên nhân khác nhau, nhiều dự án chung cư cao tầng đã và đang được xây dựng trong thời gian qua lại không tuân thủ theo nguyên tắc này, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với việc thoát người khi có sự cố cháy nổ xảy ra.

Cũng theo đại biểu Tô Ái Vang, các ban công ở một số chung cư bị xây kín, bịt kín cũng làm tăng nguy cơ mất an toàn trong công tác phòng cháy chữa cháy. Một số công trình treo biển quảng cáo trước mặt của tòa nhà cũng đã bịt kín ban công và các lối thoát nạn…

Từ thực trạng trên, đại biểu kiến nghị Chính phủ sớm điều chỉnh hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để đáp ứng với sự phát triển nhanh của lĩnh vực xây dựng, phát triển đô thị hiện nay.

Đề nghị Chính phủ tăng cường sử dụng, phát huy công nghệ hiện đại để giải quyết tốt những yếu tố bất lợi trong việc thoát nạn cứu người trong nhà cao tầng. Cụ thể, cần tăng cường trang bị hoặc có chính sách trợ giá, chính sách khuyến khích nghiên cứu khoa học trong nước phát minh thêm nhiều tính năng của robot điều khiển từ xa trong chữa cháy, hỗ trợ cho lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, bảo đảm an toàn cho lực lượng tham gia chữa cháy trong những vụ việc nguy hiểm.

Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ tăng cường biện pháp, chế tài đối với công trình vi phạm các yêu cầu an toàn về phòng cháy, chữa cháy; đặc biệt là trong việc thực hiện các quy định trong công tác quy hoạch, xây dựng, thẩm định và nghiệm thu công trình./.

Cập nhật ngày 28/8/2024


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 751
Hôm qua : 4.320
Tháng 09 : 751
Năm 2024 : 1.806.796
Tổng số : 83.272.889