• :
  • :
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản
Kỷ niệm 155 năm Ngày sinh V.I.Lênin (22/4/1870-22/4/2025):

Trí tuệ đổi mới, sáng tạo thiên tài với phương châm “Thà ít mà tốt”

(laichau.gov.vn)

Tháng tư năm nay, nhân dân Nga và các lực lượng cách mạng, tiến bộ trên thế giới kỷ niệm 155 năm Ngày sinh V.I.Lênin, lãnh tụ vĩ đại của giai cấp công nhân, đã lãnh đạo thành công Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và mở đầu thời đại mới. Trí tuệ đổi mới, sáng tạo thiên tài của V.I.Lênin trong xây dựng chính quyền Xô viết với phương châm “Thà ít mà tốt”, đến nay sau hơn một thế kỷ vẫn nguyên giá trị dẫn đường.

V.I.Lênin - lãnh tụ vĩ đại của giai cấp vô sản toàn thế giới, người sáng lập ra Quốc tế Cộng sản; đồng thời lãnh đạo nhân dân Nga tiến hành Cách mạng Tháng Mười Nga, lập ra Nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới do Đảng của giai cấp vô sản lãnh đạo. (Ảnh: TTXVN)

Cống hiến vĩ đại hàng đầu của V.I.Lênin là đã lãnh đạo thành công cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới chấm dứt hàng thế kỷ độc tôn của chủ nghĩa tư bản, mở ra thời đại mới.

Đó là thời đại của hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới lớn mạnh như một trong những lực lượng quyết định xu hướng vận động của lịch sử đương đại; thời đại của các dòng thác cách mạng phá tan hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa thực dân, đánh bại các cuộc chiến tranh do chủ nghĩa tư bản đế quốc gây ra; thời đại của phong trào công nhân, phong trào xã hội, phong trào nhân dân sôi động đấu tranh phê phán chủ nghĩa tư bản trên phạm vi toàn cầu.

Cống hiến đặc sắc quan trọng tiếp theo của V.I.Lênin là đã đổi mới sáng tạo trong nhận thức lý luận và hoạt động thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước Nga từ năm 1917, sau đó là ở Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết (Liên Xô) từ năm 1922.

Trên lĩnh vực kinh tế, tinh hoa đổi mới sáng tạo của V.I.Lênin được thể hiện trong Chính sách kinh tế mới (NEP), bắt đầu từ năm 1921, như mẫu mực cho nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội từ xuất phát điểm không phải là chủ nghĩa tư bản ở trình độ cao.

Trên lĩnh vực chính trị, thiên tài đổi mới sáng tạo của V.I.Lênin được thể hiện qua công cuộc cải cách, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của chính quyền Xô viết theo phương châm “Thà ít mà tốt” nhằm bảo đảm cho Nhà nước Xô viết thật sự xứng đáng là bộ máy nhà nước xã hội chủ nghĩa, đủ năng lực quản lý, đưa nước Nga từ sản xuất nhỏ, yếu kém, nông nghiệp lạc hậu tiến lên nền sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa.

Trên lĩnh vực chính trị, thiên tài đổi mới sáng tạo của V.I.Lênin được thể hiện qua công cuộc cải cách, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của chính quyền Xô viết theo phương châm “Thà ít mà tốt” nhằm bảo đảm cho Nhà nước Xô viết thật sự xứng đáng là bộ máy nhà nước xã hội chủ nghĩa, đủ năng lực quản lý, đưa nước Nga từ sản xuất nhỏ, yếu kém, nông nghiệp lạc hậu tiến lên nền sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa.

 “Thà ít mà tốt” là tiêu đề tác phẩm do lãnh tụ V.I.Lênin đọc cho thư ký ghi, được hoàn thành vào ngày 2/3/1923 và được công bố trên báo Sự thật số 49, ngày 4/3/1923.

Trước hết, V.I.Lênin đánh giá nhà nước Xô viết là một phát minh lịch sử vĩ đại nhất, đã tạo ra một xã hội mới, một kỷ nguyên mới. Đồng thời, Người thẳng thắn vạch ra những mặt yếu kém của bộ máy Xô viết sau 5 năm xây dựng và hoạt động.

Đó là: Bộ máy cồng kềnh, làm việc quan liêu, đội ngũ cán bộ sính làm kế hoạch, chỉ đạo thực tiễn yếu, ba hoa, cách mạng suông, xuất hiện bệnh tự mãn của người cộng sản, có cả phần tử xấu, cơ hội… Mặc dù trải qua 5 năm củng cố, nhưng do không rõ phương châm, nên đến năm 1923 chỉ là “vô hiệu, thậm chí còn vô ích, hay thậm chí còn có hại là khác”(1).

Theo phương châm “Thà ít mà tốt”, nhà nước vô sản phải tinh gọn về tổ chức bộ máy; có đội ngũ cán bộ, nhân viên chất lượng cao, trách nhiệm và gương mẫu; hoạt động một cách thật sự hiệu quả.

Theo phương châm “Thà ít mà tốt”, nhà nước vô sản phải tinh gọn về tổ chức bộ máy; có đội ngũ cán bộ, nhân viên chất lượng cao, trách nhiệm và gương mẫu; hoạt động một cách thật sự hiệu quả. Để triển khai cuộc cải cách tổ chức bộ máy sâu rộng như vậy, V.I.Lênin nhấn mạnh các khâu sau đây:

Một là, phải đánh giá khách quan thực trạng bộ máy Nhà nước Xô viết để có căn cứ cải cách, sắp xếp lại tổ chức bộ máy nhà nước. Người đã thẳng thắn khái quát: “Tình hình bộ máy nhà nước của ta rất đáng buồn, nếu không muốn nói là rất tồi tệ”(2) và chỉ rõ nguyên nhân: “Từ trước đến nay, chúng ta có quá ít thì giờ để nghĩ đến và chú trọng đến chất lượng của bộ máy nhà nước của chúng ta”(3). Từ đó, Người đặt ra yêu cầu: “phải chỉnh đốn một cách đúng mức, một cách hết sức nghiêm túc bộ máy nhà nước của ta…”(4).

Hai là, phải xác định rõ mục tiêu của cải cách tổ chức bộ máy là để bảo đảm, tăng cường bản chất xã hội chủ nghĩa của Nhà nước Xô viết. Người nói: “tất cả cái gì thật sự là ưu tú trong chế độ xã hội của chúng ta phải được đem sử dụng một cách hết sức thận trọng, có suy nghĩ kỹ và với một sự am hiểu cặn kẽ”(5).

Là người đã từng khẳng định chính quyền là vấn đề cơ bản của sự nghiệp cách mạng, V.I.Lênin lưu ý vấn đề mang tính nguyên tắc: “chúng ta cần tỏ ra hết sức thận trọng để bảo toàn chính quyền công nhân của ta, để duy trì tầng lớp tiểu nông và tiểu tiểu nông của ta dưới quyền lực và dưới sự lãnh đạo của chính quyền đó”(6).

Ba là, “phải tuân theo quy tắc này: thà ít mà tốt”(7). Trong quá trình cải cách bộ máy nhà nước không được chạy theo số lượng; ngược lại, “cần phải tỏ ra đặc biệt keo cú về mặt số lượng”(8) và phải hết sức chú trọng chất lượng. Đối với cán bộ phải chọn được những người thật sự tài năng, được người nào chắc người ấy, thà ít mà tốt: “phải vĩnh viễn vứt bỏ ngay tất cả những tiêu chuẩn chung về số lượng nhân viên của các cơ quan... Chúng ta phải lựa chọn đặc biệt cẩn thận…, căn cứ vào một sự kiểm tra nghiêm ngặt nhất, chứ không khác được”(9).

Phải kiểm tra cẩn thận và kiên quyết loại bỏ những cơ quan, bộ phận không thật sự cần thiết hoặc trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ. V.I.Lênin còn cho rằng việc kết hợp cơ quan đảng với cơ quan chính quyền là vô cùng có ích. Thực tế đã chứng minh, Bộ Dân ủy Ngoại giao ngay từ ngày đầu thành lập đã làm như vậy và hoạt động rất hiệu quả.

Từ đó, lãnh tụ V.I.Lênin khái quát: “Phải chăng sự kết hợp linh hoạt của yếu tố chính quyền với yếu tố đảng lại không phải là một nguồn sức mạnh phi thường trong chính sách của chúng ta? Tôi tin rằng điều gì đã được chứng thực là đúng, đã đứng vững chắc trong chính sách đối ngoại của ta và đã ăn sâu vào trong phong tục tập quán đến mức không còn gây ra một chút hoài nghi nào về phương diện ấy nữa, thì ít ra cũng sẽ thích hợp như thế (và tôi nghĩ rằng sẽ thích hợp nhiều hơn) với toàn thể bộ máy nhà nước của ta”(10).

Bốn là, chuẩn bị các điều kiện cơ bản bảo đảm thành công của công cuộc cải cách tổ chức bộ máy nhà nước. V.I.Lênin chỉ rõ: “Muốn đổi mới bộ máy nhà nước của chúng ta, phải cố hết sức tự đặt cho mình nhiệm vụ sau đây: một là học tập, hai là học tập, ba là học tập mãi, và sau nữa, phải làm sao cho học thức ở nước ta không nằm trên giấy hoặc là một lời nói theo mốt nữa (điều này, phải thú thực là thường hay xảy ra ở nước ta), phải làm sao cho học thức thật sự ăn sâu vào trí não, hoàn toàn và thực tế trở thành một bộ phận khăng khít của cuộc sống của chúng ta”(11).

Thêm nữa, cải cách phải có trọng tâm trọng điểm, chọn trúng khâu đột phá để qua đó tác động đến tổng thể bộ máy nhà nước. Trong điều kiện chính quyền Xô viết lúc đó, khâu đột phá là Bộ Dân ủy Thanh tra công nông, được V.I.Lênin xem như “trung tâm của hệ thần kinh” mà nếu tác động đến nó, sẽ làm rung chuyển toàn bộ bộ máy nhà nước.

Tư tưởng đổi mới sáng tạo của V.I.Lênin đã được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh tiếp thu từ khi soạn thảo Đường cách mệnh (1927): “chủ nghĩa chân chính nhất… cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lê-nin”(12).

Theo tấm gương V.I.Lênin, cũng chỉ sau hai năm cầm quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm Sửa đổi lối làm việc (1947), định ra phương hướng cải cách tổ chức và hoạt động của các cấp chính quyền và đoàn thể nhằm đáp ứng hiệu quả những yêu cầu, nhiệm vụ kháng chiến và kiến quốc. Hiện nay, Đảng và Nhà nước Việt Nam đang quyết tâm thực hiện cách mạng về tổ chức bộ máy theo phương châm tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Trên con đường đúng đắn và cần thiết này, tư tưởng và phương châm “thà ít mà tốt” của V.I.Lênin tiếp tục giá trị soi sáng, dẫn đường.

----
Chú thích:

(1) V.I.Lênin: Toàn tập. Nhà xuất bản Tiến bộ, Mátxcơva, 1978, t.45, tr.445
(2) V.I.Lênin: Sđd, tr.442
(3) V.I.Lênin: Sđd, tr.442
(4) V.I.Lênin: Sđd, tr.446
(5) V.I.Lênin: Sđd, tr.444
(6) V.I.Lênin: Sđd, tr.457
(7) V.I.Lênin: Sđd, tr.445
(8) V.I.Lênin: Sđd, tr.446
(9) V.I.Lênin: Sđd, tr.446
(10) V.I.Lênin: Sđd, tr.452

(11) V.I.Lênin: Sđd, tr.444
(12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.2, tr 289

PGS, TS NGUYỄN VIẾT THẢO

Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Cập nhật ngày 22/4/2025


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 5.112
Hôm qua : 7.282
Tháng 04 : 145.104
Năm 2025 : 693.676
Tổng số : 84.650.609