Ứng phó diễn biến phức tạp của thương mại thế giới
Tình hình thương mại thế giới thời gian qua liên tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường với nhiều yếu tố mới nảy sinh, nhất là các chính sách thuế quan khó đoán định của Mỹ cũng như phản ứng của các quốc gia, tiềm ẩn rủi ro trở thành “cuộc chiến thuế quan mới” trên toàn cầu.
![]() Kỹ sư công ty Thép Hòa Phát lắp đặt thiết bị, máy móc cho dây chuyền sản xuất thép. |
Có độ mở lớn với kim ngạch xuất nhập khẩu gấp gần 2 lần so với GDP, nền kinh tế Việt Nam được đánh giá rất nhạy cảm với các biến động từ bên ngoài. Do đó, các cơ quan chức năng cần chuẩn bị sẵn sàng những giải pháp để phản ứng nhanh nhạy, kịp thời, không bị động, bất ngờ trước diễn biến bất thường có thể xảy đến.
Việt Nam hiện đứng trong Top 3 quốc gia có thặng dư thương mại lớn nhất với Mỹ, chỉ sau Trung Quốc và Mexico. Vì thế, các doanh nghiệp cần nhận diện sớm và rõ nguy cơ hiện hữu từ cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ với các nước trên thế giới, đang gây ảnh hưởng trực tiếp cũng như tiềm ẩn rủi ro pháp lý với doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
THÁCH THỨC, CƠ HỘI ĐAN XEN
![]() Sản xuất thép tại Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 1 (Quảng Ngãi). |
Ngày 11/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức ký sắc lệnh áp thuế lên mức cố định 25% đối với mặt hàng nhôm và thép nhập khẩu từ mọi quốc gia vào Mỹ, dự kiến sẽ có hiệu lực từ ngày 4/3 tới. Động thái này ngay lập tức tác động mạnh tới ngành công nghiệp và chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tác động gián tiếp sẽ xảy đến khi mặt hàng thép của các nước khó xuất khẩu vào Mỹ lại tìm cách mở rộng sang thị trường khác như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và thậm chí tại thị trường trong nước, gia tăng áp lực cạnh tranh lên hàng Việt Nam. Vì vậy, các doanh nghiệp cần có chiến lược chủ động về nguồn nguyên vật liệu, cải thiện công nghệ để giảm giá thành, đa dạng thị trường. |
Theo Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) Nghiêm Xuân Đa, ảnh hưởng trực tiếp từ việc tăng thuế tới ngành thép trong nước sẽ không đáng kể bởi thép Việt Nam đã bị Mỹ áp mức thuế trên từ năm 2018. Thực tế, sắc lệnh thuế mới là một phần mở rộng của thuế Mục 232 đã được ông Trump ban hành năm 2018, ban đầu đặt mức cố định 25% cho thép nhập khẩu nhưng miễn trừ một số quốc gia như Canada, Mexico, Brazil, Hàn Quốc và Vương quốc Anh.
Tuy nhiên, tác động gián tiếp sẽ xảy đến khi mặt hàng thép của các nước khó xuất khẩu vào Mỹ lại tìm cách mở rộng sang thị trường khác như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và thậm chí tại thị trường trong nước, gia tăng áp lực cạnh tranh lên hàng Việt Nam. Vì vậy, các doanh nghiệp cần có chiến lược chủ động về nguồn nguyên vật liệu, cải thiện công nghệ để giảm giá thành, đa dạng thị trường.
Ở góc độ khác, Tham tán Thương mại, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ Đỗ Ngọc Hưng cho rằng, sắc lệnh thuế mới vô hình trung còn tạo “sân chơi” bình đẳng cho các quốc gia xuất khẩu thép vào Mỹ. Hàng Việt Nam sẽ có cơ hội cạnh tranh sòng phẳng với sản phẩm từ các quốc gia khác; doanh nghiệp Việt cũng có điều kiện tiếp cận sâu hơn vào thị trường Mỹ khi đã bảo đảm được vấn đề nguồn gốc xuất xứ, chất lượng và giá cả ngày càng cạnh tranh.
Dệt may cũng là hàng hóa xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Mỹ. Năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 44 tỷ USD, trong đó xuất sang Mỹ đạt hơn 16,7 tỷ USD, chiếm khoảng 38,4%. Phó Chánh văn phòng Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Hoàng Mạnh Cầm chia sẻ: Hiện Mỹ đã áp thuế các loại hàng hóa của Trung Quốc ở mức 10%. Việt Nam đang thặng dư xuất khẩu vào Mỹ rất cao, nhất là dệt may (chỉ sau Trung Quốc), với thị phần khoảng 19-20%, do đó khả năng bị áp thuế trong thời gian tới rất dễ xảy ra.
Hiện tại, ngành dệt may vẫn chưa ảnh hưởng nhiều từ các biến động thương mại toàn cầu. Thậm chí, kim ngạch xuất khẩu trong tháng 1 đã đạt kỷ lục gần 3,7 tỷ USD, cho thấy thị phần và hoạt động xuất khẩu dệt may vào Mỹ đang phát triển tốt.
Thời gian gần đây, nhiều nhà cung cấp, sàn thương mại lớn của Mỹ và trên thế giới cũng đang có xu hướng chuyển dịch sang Việt Nam đặt hàng. Điều đó chứng minh Việt Nam là nhà cung cấp, sản xuất uy tín, nhất là đối với thị trường Mỹ nếu tiếp tục duy trì, tuân thủ quy định về luật lao động, nguồn gốc xuất xứ,… Ngoài ra, với lợi thế về mặt hàng từ trung đến cao cấp, cộng thêm việc Mỹ đang tìm cách giảm phụ thuộc vào Trung Quốc, doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể gia tăng thị phần tại thị trường này.
Tuy nhiên, lãnh đạo Vinatex cũng cảnh báo Việt Nam cần kiểm soát tốt nguồn gốc xuất xứ nguyên phụ liệu. Thực tế, ngành dệt may đang phụ thuộc khá lớn vào nguồn vải nhập khẩu từ Trung Quốc, có thời điểm chiếm tới 80-85%. Điều này tiềm ẩn rủi ro lớn nếu đối tác từ Trung Quốc bị đưa vào danh sách đen, khiến doanh nghiệp liên quan bị tăng mức kiểm soát.
“Mỹ có thể đưa vào tầm ngắm bất cứ doanh nghiệp nào khi phát hiện có mối quan hệ, liên quan tới doanh nghiệp, nhà sản xuất vi phạm tại Trung Quốc. Chỉ cần 1 trường hợp vi phạm, mức độ giám sát sẽ gia tăng, làm hàng hóa nhập khẩu mất nhiều thời gian tại hải quan và kéo dài thời gian giao hàng. Chi phí lúc đó bị đội lên cao, khách hàng sẽ quay lưng vì chịu thiệt về thời gian, thủ tục, giấy tờ để nhận được hàng”, ông Hoàng Mạnh Cầm nhấn mạnh.
SẴN SÀNG CÁC KỊCH BẢN ỨNG PHÓ
Tiến sĩ Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế chiến lược Trung Quốc cho rằng: Kịch bản ứng phó với chiến tranh thương mại Mỹ-Trung cũng như căng thẳng thương mại toàn cầu cần tập trung vào các vấn đề mang tính dài hạn, đồng thời cần có cả các giải pháp ngắn hạn. Về dài hạn, đây là thời điểm Việt Nam cần xây dựng các chính sách hướng nền kinh tế nhiều hơn vào thị trường trong nước và tiêu dùng thay vì chỉ tập trung cho hoạt động đầu tư và xuất khẩu.
Về ngắn hạn, chúng ta cần tính đến khả năng đàm phán với Mỹ về thuế nhập khẩu cho những nhóm hàng hai bên cùng ưu tiên; đồng thời, tăng cường nhập khẩu từ Hoa Kỳ những mặt hàng Việt Nam đang có nhu cầu như năng lượng, nông sản, ngô hay các sản phẩm phục vụ sản xuất thức ăn gia súc.
Việt Nam cần tăng cường hợp tác với Mỹ trong lĩnh vực công nghệ cao vì đây là cách để khơi thông không chỉ hoạt động đầu tư mà còn tăng cường thương mại-dịch vụ giữa hai nền kinh tế. Đây sẽ là điểm nhấn để khi đàm phán, Việt Nam có dữ liệu cho thấy hợp tác thương mại giữa hai nước mang lại nhiều lợi ích cho Mỹ.
Trước diễn biến phức tạp của thị trường thế giới, Bộ Công thương đã chỉ đạo Vụ Thị trường nước ngoài, hệ thống các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài theo dõi sát, nắm bắt thông tin thị trường, biến động về kinh tế, chính trị, chính sách trong khu vực và trên thế giới ảnh hưởng tới thương mại Việt Nam để kịp thời tham mưu cho Chính phủ phản ứng chính sách phù hợp; đồng thời, chủ động xây dựng các kịch bản và phương án ứng xử khi căng thẳng thương mại toàn cầu leo thang. |
Bên cạnh đó, nhằm hạn chế rủi ro và thúc đẩy xuất khẩu, trong thời gian tới, Bộ Công thương sẽ tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng tận dụng lợi thế cạnh tranh từ 17 Hiệp định thương mại tự do cũng như gần 70 cơ chế hợp tác song phương hiện có với các nước để khai thác hiệu quả các thị trường trọng điểm, thị trường truyền thống, đồng thời phát triển thị trường nhỏ, thị trường ngách và khai mở thêm thị trường tiềm năng mới.
Trước diễn biến phức tạp của thị trường thế giới, Bộ Công thương đã chỉ đạo Vụ Thị trường nước ngoài, hệ thống các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài theo dõi sát, nắm bắt thông tin thị trường, biến động về kinh tế, chính trị, chính sách trong khu vực và trên thế giới ảnh hưởng tới thương mại Việt Nam để kịp thời tham mưu cho Chính phủ phản ứng chính sách phù hợp; đồng thời, chủ động xây dựng các kịch bản và phương án ứng xử khi căng thẳng thương mại toàn cầu leo thang.
Chiến lược đa dạng hóa thị trường xuất khẩu sẽ được tiếp tục triển khai mạnh mẽ thông qua việc nghiên cứu, phổ biến thông tin, cơ hội thị trường tới các doanh nghiệp và đề xuất đàm phán các Hiệp định thương mại tự do mới với các thị trường có nhiều tiềm năng.
Ngoài ra, chủ động cung cấp thông tin cập nhật về biến động và xu hướng thị trường xuất nhập khẩu lớn, kèm theo các đánh giá về thách thức, cơ hội để doanh nghiệp xây dựng chiến lược/kế hoạch thích ứng phù hợp; tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan chống gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp; tranh thủ xu thế chuyển dịch chuỗi cung ứng quốc tế và lợi thế của Việt Nam để thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành công nghệ cao, các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ quan trọng. Đồng thời, giám sát cấp phép các dự án đầu tư mới, sàng lọc nghiêm ngặt vốn đầu tư nước ngoài để tránh trường hợp Việt Nam trở thành địa điểm trung chuyển, lợi dụng nguồn gốc xuất xứ của nước thứ ba.
Bộ Công thương cũng khuyến nghị doanh nghiệp cần tiếp tục chủ động xây dựng lộ trình và giải pháp nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, lao động, môi trường..., chú trọng việc kiểm soát xuất xứ nguồn cung nguyên vật liệu phục vụ sản xuất cũng như đánh giá thận trọng việc hợp tác đầu tư với các doanh nghiệp của những nước đang có căng thẳng thương mại với Mỹ.
Hai nền kinh tế Việt Nam và Mỹ vốn mang tính chất bổ trợ, cơ cấu xuất khẩu và ngoại thương của hai nước không cạnh tranh trực tiếp mà có sự bổ sung, phù hợp với nhu cầu nội tại mỗi nước. Hàng hóa Việt Nam xuất sang Mỹ chủ yếu cạnh tranh với các nước thứ ba, không cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp Mỹ; ngược lại, còn tạo điều kiện để người tiêu dùng Mỹ được sử dụng hàng hóa rẻ của Việt Nam.
Thời gian tới, hoạt động thương mại hai nước sẽ tiếp tục phát triển ổn định trong tổng thể quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Các vấn đề tồn tại trong kinh tế thương mại song phương (nếu có) sẽ được chủ động trao đổi thông qua cơ chế đối thoại chính sách của Hội đồng Thương mại và đầu tư Việt Nam-Mỹ (TIFA) đang được duy trì thường xuyên, liên tục và hiệu lực, hiệu quả, ở tất cả các cấp.
Việc duy trì và củng cố lòng tin chiến lược giữa hai quốc gia sẽ góp phần kiến tạo tầm nhìn chung, có định hướng dài hạn và ổn định lộ trình phát triển quan hệ kinh tế, thương mại song phương giữa hai quốc gia.
Cập nhật 17/2/2025