Việt Nam - Ngôi sao sáng về tăng trưởng kinh tế và đầu tư nước ngoài
Ngày 12/2, tại Diễn đàn Hợp tác Kinh doanh Pháp-Đông Nam Á được tổ chức ở Paris, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định rằng, Việt Nam là một ngôi sao sáng đang lên trong khu vực Đông Nam Á với tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ và là điểm đến hấp dẫn của đầu tư nước ngoài dù thế giới có nhiều biến động lớn.
![]() Tham dự Diễn đàn có lãnh đạo các cơ quan phát triển kinh tế, các chuyên gia kinh tế và gần 200 đại diện doanh nghiệp từ Pháp, Việt Nam và các nước Đông Nam Á. |
Tham dự Diễn đàn Kinh doanh Đông Nam Á lần thứ 3, do Cơ quan Xúc tiến đầu tư thương mại Pháp (Business France) tổ chức tại Trụ sở ở Paris, có đại diện của các bộ, ngành và nhiều doanh nghiệp lớn của Pháp cũng như các cơ quan, tổ chức, đơn vị và các doanh nghiệp đại diện các nước Đông Nam Á.
Sự kiện này là dịp để cơ quan kinh tế và các doanh nghiệp Pháp hiểu rõ hơn về các cơ hội kinh doanh trong khu vực Đông Nam Á, qua đó thiết lập những kết nối chặt chẽ với các đối tác tiềm năng giữa các bên.
![]() Bộ trưởng Laurent Saint-Martin tin tưởng rằng hợp tác kinh tế với Việt Nam và các nước ASEAN sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ trong thời gian tới. |
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Laurent Saint-Martin, Bộ trưởng Phụ trách Thương mại Ngoại giao và Người Pháp ở nước ngoài nhấn mạnh những bước phát triển quan trọng trong quan hệ hợp tác giữa Pháp và các nước Đông Nam Á. Theo ông, Đông Nam Á đang trên đà trở thành thị trường lớn trên thế giới và có nhiều triển vọng phát triển kinh tế, trong đó có kinh tế số. Vì vậy, Pháp rất coi trọng và mong muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực trong thời gian tới.
Chia sẻ về những bước phát triển của Việt Nam, Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Bùi Hoàng Phương nhấn mạnh những lợi thế quan trọng của Việt Nam, không chỉ hỗ trợ cho việc tăng cường hợp tác song phương với Pháp mà còn góp phần củng cố quan hệ ASEAN-Pháp.
Cụ thể là Việt Nam luôn duy trì môi trường chính trị và kinh tế ổn định, với cam kết quốc gia mạnh mẽ trong việc thúc đẩy khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Vị trí địa lý chiến lược của Việt Nam là cửa ngõ của ASEAN được củng cố thông qua việc tham gia 17 hiệp định thương mại tự do, trong đó có Hiệp định Thương mại Tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Liên minh châu Âu-Việt Nam. Do vậy, Việt Nam là cầu nối quan trọng giữa ASEAN và Liên minh châu Âu.
![]() Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương nhấn mạnh, Việt Nam luôn sẵn sàng là đối tác đáng tin cậy cho sự hợp tác lâu dài, tạo các điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư Pháp và châu Âu. |
Việt Nam sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên và nguồn nhân lực dồi dào. Là một trong 16 quốc gia đông dân nhất và là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, Việt Nam có lực lượng lao động khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM) năng động và có tay nghề cao, được trang bị tốt để đáp ứng nhu cầu của các ngành khoa học và công nghệ.
Việt Nam duy trì môi trường chính sách thuận lợi cho đầu tư nước ngoài. Do vậy, các công ty công nghệ toàn cầu lớn như: NVIDIA, Amkor, Samsung, Qualcomm, Synopsys, Cadence và Marvell đã mở rộng sự hiện diện tại Việt Nam.
Về quan hệ hợp tác và hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam và Pháp, hai bên hiện có những điều kiện rất thuận lợi để mở rộng hợp tác, được thúc đẩy mạnh mẽ từ khi nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện trong chuyến thăm chính thức Pháp của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm vào đầu tháng 10/2024.
Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương nhấn mạnh, Pháp là đối tác đầu tư quan trọng của Việt Nam, có nhiều doanh nghiệp Pháp hoạt động rất thành công tại Việt Nam. Tuy nhiên, đầu tư từ Pháp vào các lĩnh vực chiến lược như công nghệ cao, chuyển đổi số và đặc biệt là trí tuệ nhân tạo vẫn chưa tương xứng với tiềm năng.
Đánh giá cao tầm quan trọng của Diễn đàn, Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương mong rằng sẽ có sự gia tăng đầu tư từ các tập đoàn và doanh nghiệp hàng đầu của Pháp vào Việt Nam và khu vực ASEAN trong thời gian tới.
Tham dự diễn đàn, Việt Nam có đại diện của tập đoàn FPT, còn Pháp có nhiều tập đoàn lớn trong các lĩnh vực như: RATP, APAC, ATERLIA, AXENS, Euro group Consulting, Lactinov, Fm logistics, Haropa Port, Psa Pdp,… cùng đại diện của các tập đoàn các nước Đông Nam Á.
Tại Diễn đàn, các đại biểu tập trung vào 5 chủ đề chính: Cách thức tiếp cận thị trường và tham gia vào chuỗi giá trị các nước Đông Nam Á, chuyển đổi năng lượng bền vững hướng tới tương lai, xu hướng tiêu dùng mới, tiềm năng và xu hướng đối với thị trường rượu vang Pháp và đồ uống tại các nước Đông Nam Á, giao thông và logistics, chìa khóa vận hành nền kinh tế, cơ hội kinh doanh trong đổi mới sáng tạo-trí tuệ nhân tạo.
Các bài phát biểu của đại diện các bộ, ngành và nhiều doanh nghiệp lớn của Pháp ghi nhận những cơ hội kinh tế và xu hướng thị trường rất tích cực tại Đông Nam Á, trong đó có sự quan tâm lớn đối với Việt Nam.
Theo ông Ludovic Pouille, Bộ Châu Âu và Ngoại giao Pháp, chuyến thăm chính thức Pháp của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm vào đầu tháng 10/2024 đã tạo động lực rất lớn cho việc thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước, nhất là trong những lĩnh vực mà Pháp có thế mạnh như: chuyển đổi số, năng lượng tái tạo, môi trường, công nghiệp, trí tuệ nhân tạo...
Các chuyên gia kinh tế Pháp đánh giá cao tiềm năng phát triển của Việt Nam, cho rằng trong thời gian tới Việt Nam tiếp tục duy trì đà tăng trưởng kinh tế ở mức cao vì có môi trường đầu tư và kinh doanh ngày càng thuận lợi hơn.
Theo ông Adam KOULAKSEZIAN, Tổng Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp tại Việt Nam (CCIFV), nhiều doanh nghiệp Pháp hoạt động rất thành công tại Việt Nam. Có thêm nhiều doanh nghiệp lớn của Pháp muốn đầu tư vào Việt Nam vì các yếu tố thuận lợi như môi trường chính trị ổn định, thị trường tiềm năng, hội nhập ngày càng sâu rộng. Do vậy, Việt Nam sẽ đón thêm dòng vốn FDI chuyển dịch lớn trong thời gian tới.
Đánh giá về kết quả của Diễn đàn, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng nhấn mạnh, có thể nói đây là một diễn đàn thể hiện sự quan tâm ngày càng cao của các cơ quan chức năng và doanh nghiệp Pháp trong hợp tác kinh doanh và làm ăn với vùng Đông Nam Á, nằm trong Chiến lược thúc đẩy hợp tác của Pháp với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Sau chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tới Pháp, các doanh nghiệp và cơ quan hai nước nhấn mạnh nhiều về những triển vọng hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới, đặc biệt trong khuôn khổ trao đổi cấp cao giữa Việt Nam và Pháp trong những tháng tới. Nhiều lĩnh vực mới cũng đang được mở ra, như: chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo, hạ tầng, năng lượng tái tạo, phát triển bền vững, hàng không dân dụng...
Tại Diễn đàn đã diễn ra buổi gặp song phương giữa ông Laurent Saint-Martin, Bộ trưởng Phụ trách Thương mại Ngoại giao và người Pháp ở nước ngoài, với Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Việt Nam Bùi Hoàng Phương, đồng chủ trì Diễn đàn.
![]() Bộ trưởng Laurent Saint-Martin cho biết Pháp sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm phát triển các chính sách và sáng kiến trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI). |
Hai bên nhất trí đây là thời điểm thích hợp để tập trung tăng cường hơn nữa về hợp tác trong lĩnh vực AI và bán dẫn. Phía Pháp tái khẳng định cam kết đồng hành cùng Việt Nam trong quá trình phát triển công nghệ cao.
Tại cuộc gặp, bà Chu Thị Thanh Hà, Chủ tịch FPT Software, cho biết đã trao đổi từ hai năm qua về việc hợp tác với CEA-LETI (Trung tâm nghiên cứu vi điện tử và công nghệ nano của Pháp) để phát triển các giải pháp công nghệ trong lĩnh vực bán dẫn và vi điện tử tại Pháp. Điều này mở ra nhiều cơ hội cho việc nâng cao năng lực nghiên cứu và sản xuất chip tại Việt Nam.
Thành công của Diễn đàn tiếp tục khẳng định vai trò trung tâm của Business France trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp Pháp vươn ra quốc tế và tái khẳng định cam kết của Pháp trong việc thúc đẩy quan hệ kinh tế với khu vực Đông Nam Á.
Cập nhật 12/2/2024