Xuân của những “chiến sỹ áo trắng”
Lại một mùa xuân nữa qua đi, những tưởng bận rộn, lo toan sẽ khép lại trước thềm năm mới. Thế nhưng với những “chiến sỹ áo trắng” ở Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh, họ chưa một ngày được ngơi nghỉ, vẫn kiên trì chiến đấu với bệnh tật cùng bệnh nhân cả trong những đêm giao thừa và những ngày đầu xuân năm mới.
Dường như tết nào cũng vậy, lượng bệnh nhân được tiếp nhận tại Khoa Hồi sức tích cực, chống độc (BVĐK) nhiều hơn so với ngày thường. Bởi theo như Bác sỹ Chuyên khoa I Hà Trung Dũng – Trưởng khoa thì, ngoài số lượng bệnh nhân nặng phải điều trị dài ngày, bệnh nhân mắc bệnh sốc nhiễm khuẩn, ngộ độc, di chứng tai nạn giao thông, tai biến mạch máu não, thì bệnh nhân tuyến huyện cũng chuyển về đây để điều trị trong dịp tết. Do vậy, nếu ngày thường số bệnh nhân khoảng 14-15 người thì tết phải lên tới 20 người.
Bệnh nhân đông, tình trạng bệnh nặng là vậy song tết năm nào khoa cũng được đón các đoàn công tác của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các đoàn từ thiện đến thăm hỏi, chúc tết, động viên y bác sỹ và các bệnh nhân yên tâm ở lại trực, điều trị bệnh. Nhờ đó, đã tiếp thêm sức mạnh tinh thần để cả đội ngũ y bác sỹ và bệnh nhân có động lực vượt qua những phút giây chạnh lòng của chiều 30 tết khi người người nhà nhà được quây quần bên nhau đón bữa cơm cuối năm đủ đầy.
Với 70% quân số trực, bằng đạo đức nghề nghiệp của người thầy thuốc, các y, bác sỹ tại khoa thấu hiểu những đau đớn, mệt mỏi của người bệnh, luôn niềm nở, nhiệt tình, động viên người bệnh ổn định tinh thần điều trị tốt, sớm bình phục để được trở về với gia đình. Thế nhưng cũng có những nỗi buồn sâu thẳm và bất lực khi buộc phải trả bệnh nhân về, kể cả trong những ngày cận kề năm mới hay ngay trong những ngày đầu năm. Đó là những bệnh nhân bị tai nạn giao thông nghiêm trọng, không còn tia hy vọng mong manh nào của sự sống… Tuy nhiên, đó là những câu chuyện buồn nhiều năm trước, vài năm trở lại đây, tỷ lệ này giảm nhiều.
Với Điều dưỡng trưởng Hoàng Thị Hà – Khoa Gây mê hồi sức, những câu chuyện trực tết ở bệnh viện của chị cũng vô vàn phong phú, mỗi kỷ niệm đều khó quên trong cuộc đời ngành Y của chị. Tết này là năm thứ 31 chị trực tết ở bệnh viện vì bao nhiêu năm công tác thì bấy nhiêu năm chị nhận trực tết. Thấu hiểu cảnh xa quê thiệt thòi, thiếu thốn tình cảm của đồng nghiệp nên tết nào chị cũng xung phong trực để anh em được về quê đón xuân cùng quê hương, họ hàng.
Nhiệm vụ của khoa là tiếp nhận bệnh nhân mổ theo kế hoạch ở các khoa và mổ cấp cứu; chuẩn bị phòng mổ để gây mê và chuẩn bị dụng cụ thuốc men, trang thiết bị y tế cho kíp mổ. Sau khi phẫu thuật, là nơi hồi tỉnh bệnh nhân. Do đó, vai trò của khoa là vô cùng quan trọng, cần kíp trong điều trị và xử lý những ca cấp cứu gấp gáp.
“Kỷ niệm thì vô vàn nhưng đó là vào một ngày cuối năm, có một bệnh nhân nam ở tỉnh khác lên Lai Châu công tác và bị tai nạn, nhập viện và bác sỹ chỉ định phải mổ gấp. Hiểu hơn ai hết nỗi niềm của người bệnh khi tết đến cận kề phải nằm băng bó, điều trị ở một nơi xa lạ nên đội ngũ y bác sỹ tại khoa luôn niềm nở, tươi cười, động viên “bệnh nhân khách”. Khi bệnh nhân hồi tỉnh đã bắt tay từng y, bác sỹ và bày tỏ sự biết ơn sâu sắc vì những tình cảm của những người “thầy thuốc” đã dành cho anh. Tôi thấy cảm giác đó thật ấm áp” – Điều dưỡng Hoàng Thị Hà nhớ lại kỷ niệm khó quên.
Xác định việc tiếp nhận, điều trị, cứu chữa bệnh nhân là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, thực hiện xuyên suốt không có giờ nghỉ, ngày nghỉ; không có ngày lễ, tết, BVĐK tỉnh luôn chủ động kế hoạch, xây dựng lịch trực, bám sát chức năng, nhiệm vụ từng khoa, phòng, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng tập thể, cá nhân.
Bác sỹ Nguyễn Thị Thanh Thủy – Phó Giám đốc Bệnh viện cho biết: Từ cuối tháng 12/2024, Bệnh viện đã ban hành kế hoạch phân công nhân lực trực tại các vị trí, đảm bảo ca trực cho các ngày tết. Các bộ phận trực chuyên môn y tế, trực thường trú, bộ phận hậu cần, kế toán thu, kiểm soát nhiễm khuẩn… đều sẵn sàng nhận nhiệm vụ, xử lý các tình huống đột xuất trong ngày tết. Riêng nguồn máu để tiếp tế, điều trị bệnh nhân luôn phải chủ động sẵn sàng để ứng cứu kịp thời. Bộ phận công tác xã hội luôn giữ liên lạc với các tình nguyện viên để kêu gọi hiến máu khi cần đến.
Bên cạnh đó, Bệnh viện cũng luôn dành sự quan tâm, chia sẻ, thấu hiểu tâm tư, nỗi niềm của người bệnh, ân cần chăm sóc bằng tất cả chữ “tâm” của người thầy thuốc. Kêu gọi các mạnh thường quân, các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm có những món quà động viên bệnh nhân ăn tết tại bệnh viện. Chị Trần Thị Nga – Điều dưỡng viên Đơn nguyên Thận nhân tạo mỗi đợt cuối năm lại tiếp đón nhiều đoàn từ thiện đến tặng quà các bệnh nhân chạy thận. Đội ngũ y, bác sỹ tại đây đều hiểu rằng, khi bệnh nhân đến với bệnh viện để chạy thận có nghĩa phải sống cuộc đời còn lại với nơi đây. Mỗi tuần lọc máu 3 lần, nhiều bệnh nhân cứ đến hẹn lại lọc máu rồi trở về nhà trọ, tìm việc làm thuê như: rửa bát, lau dọn nhà thuê, phụ quán ăn, ai thuê gì làm nấy để sống qua ngày. Thế nên tết sẽ không bao giờ là niềm vui, hào hứng với những bệnh nhân này. Đón nhận món quà của những tấm lòng vàng gửi đến bệnh nhân tại Đơn nguyên Thận nhân tạo, chị Nga cũng thấy lòng ấm hơn.
“Xuân” của những người “chiến sỹ áo trắng” là vậy, họ không chỉ làm tròn trách nhiệm của người cha, người mẹ, người con với gia đình, mà với Ban lãnh đạo Bệnh viện, với bệnh nhân, họ cũng hết mình bằng tất cả lương tâm, đạo đức với nghề y và tình yêu thương con người, nhất là với những người ốm đau, bệnh tật.
Cập nhật ngày 24/1/2025