• :
  • :
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Lai Châu đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp

(laichau.gov.vn)
Sau 8 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 20/NQ/TU, ngày 28/3/2008 về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tỉnh Lai Châu đến năm 2015, với sự nỗ lực cố gắng của cấp ủy, chính quyền, các thành phần kinh tế, cán bộ, Nhân dân, bước đầu đã hình thành và phát triển ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp góp phần đóng cho sự phát triển của tỉnh. Tuy nhiên, việc phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, trong thời gian tới, Lai Châu tiếp tục đẩy mạnh phát triển lĩnh vực này.

Sản xuất gạch tuynel ở Tam Đường.

Lai Châu là tỉnh có nguồn tài nguyên đất đai, khoáng sản, mạng lưới sông suối khá dày, độ dốc lớn, đó là những điều kiện để phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Trên cơ sở đó, tỉnh Lai Châu đã kịp thời ban hành các Nghị quyết, Quyết định và Chương trình hành động về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Ngày 29/3/2008, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TU về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tỉnh Lai Châu đến năm 2015. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành kế hoạch hướng dẫn, quán triệt, học tập, triển khai thực hiện Nghị quyết tới các cấp ủy, tổ chức Đảng; HĐND, UBND đã ban hành nhiều cơ chế chính sách thúc đẩy công nghiệp phát triển. Các Huyện ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc đã tổ chức học tập, quán triệt và ban hành các chương trình hành động để thực hiện.

Theo bà Giàng Páo Mỷ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy-Chủ tịch HĐND tỉnh: Sau 8 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TU, cấp ủy chính quyền các cấp, cán bộ và Nhân dân trong toàn tỉnh đã có sự chuyển biến nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của sự phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành công nghiệp đạt 25,8%/năm, tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu kinh tế của tỉnh năm 2015 đạt 13,2%, giá trị sản xuất công nghiệp tăng khá năm 2015 đạt 727,3 tỷ đồng, xuất khẩu hàng hóa từ các sản phẩm công nghiệp đạt 8,7%/năm, tạo việc làm mới cho trên 700 lao động/năm; các quy hoạch ngành, lĩnh vực được quan tâm, xây dựng và triển khai thực hiện theo quy hoạch; hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp dần được hoàn thiện, bước đầu thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Công tác đào tạo nghề, dạy nghề, truyền nghề cho lao động được tăng cường; chú trọng thực hiện công tác quản lý, bảo vệ môi trường trong các dự án đầu tư.

Trong lĩnh vực công nghiệp thủy điện, tỉnh đã lập và phê duyệt quy hoạch 56 dự án thủy điện vừa và nhỏ với tổng công suất lắp máy là 2.845,8 MW; trong đó có 03 dự án thủy điện Quốc gia (thủy điện Huội Quảng, Bản Chát và Lai Châu) với tổng công suất 1.940 MW. Đến nay, có 33 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng công suất là 2.579 MW, điện lượng bình quân 10,17 tỷ kwh/năm. Trong giai đoạn 2008-2015, các dự án thủy điện đã đóng góp cho ngân sách địa phương gần 438 tỷ đồng.

Các hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh đã tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật, có những đóng góp nhất định vào việc phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Việc khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng phát triển cả về số lượng và cơ sở sản xuất với các sản phẩm chủ yếu là đá xây dựng các loại, gạch, xi măng… đáp ứng nhu cầu xây dựng cơ bản trong tỉnh. Hiện trên địa bàn tỉnh có 22 dự án khai thác, chế biến đá làm vật liệu xây dựng thông thường, cung cấp cho thị trường trên 600.000m3 đá các loại/năm; Nhà máy xi măng Lai Châu có công suất thiết kế 100.000 tấn/năm, sản phẩm bình quân đạt 6.000 tấn/năm gồm xi măng PCB30, PCB40 đảm bảo theo tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 6260:1997; 03 nhà máy sản xuất gạch tuynel tại các huyện Phong Thổ, Tam Đường, Than Uyên với tổng công suất 33 triệu viên/năm.

Công nghiệp chế biến nông lâm sản phát triển nhanh, quy mô phù hợp với vùng nguyên liệu; có nhiều cơ sở sản xuất mới được hình thành; việc cải tiến công nghệ, trang thiết bị được chú trọng; sản phẩm đa dạng về chủng loại, mẫu mã và đảm bảo chất lượng. Điển hình như trong công nghiệp chế biến chè, trên địa bàn tỉnh có 08 doanh nghiệp, 03 hợp tác xã với tổng công suất chế biến 225 tấn/ngày và trên 100 hộ cá thể sản xuất, chế biến, bao tiêu sản phẩm chè búp tươi cho vùng nguyên liệu trên địa bàn huyện Tam Đường, Than Uyên, Tân Uyên, Thành phố. Sản lượng chè khô chế biến hàng năm đạt trên 4.100 tấn, đáp ứng được các yêu cầu của thị trường. Các sản phẩm như chè Olong, chè Sencha, Matcha, Shan Tuyết được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Đài Loan và một số nước Trung Đông. Các cơ sở sản xuất, chế biến lâm sản có quy mô nhỏ, hàng năm sử dụng trên 8.500m3 gỗ để sản xuất các sản phẩm mộc dân dụng và gỗ cốp pha phục vụ thi công tác công trình của tỉnh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn những hạn chế như việc thực hiện các chỉ tiêu không đạt so với mục tiêu Nghị quyết đề ra; tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu kinh tế còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế phát triển công nghiệp, tiểu công nghiệp của tỉnh. Các dự án đầu tư vào ngành công nghiệp phần lớn là có quy mô nhỏ, sử dụng ít lao động, dây chuyền công nghệ sản xuất chưa tiên tiến; một số dự án lớn trong lĩnh vực thủy điện, truyền tải điện, khai thác, chế biến khoáng sản triển khai xây dựng đầu tư còn chậm so với yêu cầu; việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp còn nhiều hạn chế; chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, thiếu thợ có tay nghề cao.

Bà Giàng Páo Mỷ cho biết thêm: Để đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trong thời gian tới, tỉnh ta cần rà soát các quy hoạch, xây dựng kế hoạch, chương trình phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp sát với tình hình thực tiễn, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; tập trung phát triển kết cấu hạ tầng công nghiệp, tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư vào phát triển ngành, dự án công nghiệp đã quy hoạch, lĩnh vực có lợi thế; tiếp tục khôi phục và phát triển một số ngành nghề thủ công, mặt hàng thủ công, mỹ nghệ có lợi thế về nguyên liệu; từng bước hình thành và phát triển công nghiệp phụ trợ; tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, quản lý điều hành của chính quyền về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế để thu hút đầu tư; đồng thời chú trọng công tác quản lý Nhà nước về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. 

Châu Anh


Nguồn: laichau.gov.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 2.786
Hôm qua : 6.259
Tháng 04 : 197.906
Năm 2025 : 746.478
Tổng số : 84.703.411