Nông – Lâm - Thủy sản Lai Châu: Tiềm năng thu hút đầu tư
![]() Cây cao su Hoang Thèn đã cho thu hoạch mủ. (Ảnh: baolaichau.vn) |
Tỉnh Lai Châu có diện tích đất nông – lâm nghiệp lớn, có chế độ khí hậu, thổ nhưỡng phong phú, đa dạng, là điều kiện thuận lợi để phát triển các loại cây trồng nông - lâm nghiệp như trồng rừng, trồng cây lương thực, rau hoa màu; các loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao như: cao su, chè, thảo quả và các cây ăn quả ôn đới,.... Nhận thấy được tiềm năng đó, tỉnh đã có chủ trương và ban hành những chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư phù hợp đối với các nhà đầu tư trong việc phát triển vùng chè, cao su và thảo quả tập trung với quy mô lớn. Tính đến nay, toàn tỉnh Lai Châu có gần 3.300 ha chè, trong đó chè kinh doanh có trên 2.800 ha, tập trung chủ yếu ở các huyện Tân Uyên, Tam Đường và Thành phố Lai Châu. Bên cạnh đó, Lai Châu vẫn còn nhiều diện tích đất trống chưa sử dụng có thể trồng, phát triển cây chè và nhiều loại cây trồng khác. Tỉnh cũng đã có chủ trương và ban hành chính sách phát triển diện tích cây chè đến năm 2015 với phương châm “phát triển tập trung không dàn trải, chú trọng trồng và chế biến chè chất lượng cao”. Hiện Lai Châu có 5 nhà máy lớn và trên 100 cơ sở hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và chế biến chè, trong đó có những thương hiệu nổi tiếng, đã và đang được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng như: Chè Than Uyên, Chè Tam Đường. Nhờ có chính sách phát triển phù hợp nên những công ty này đã chú trọng đầu tư công nghệ cao để sản xuất, chế biến chè chất lượng cao, phục vụ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài như Nga, Nhật bản, Pakiztan, ….
Thu hoạch chè ở Tân Uyên
Không chỉ vậy, phát triển cây cao su cũng đã và đang trở thành hướng đi đột phá trong phát triển nông - lâm nghiệp của tỉnh. Tỉnh đã thu hút được 3 Công ty cổ phần cao su thuộc Tập đoàn Cao su Việt Nam vào đầu tư với tổng diện tích cây cao su trên địa bàn tỉnh đạt trên 13.000 ha. Do phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng nên cao su sinh trưởng và phát triển tốt. Cây cao su đang được đánh giá là cây công nghiệp mũi nhọn và có nhiều triển vọng để phát triển thành vùng sản xuất hàng hóa trong những năm tới của tỉnh. Việc đưa vào trồng cây cao su không chỉ tận dụng được những diện tích đất trống, đồi núi hoang hóa mà còn tạo ra nhiều công ăn việc làm, thay đổi tập quán canh tác, nhận thức, nâng cao trình độ dân trí cho Nhân dân các dân tộc trong vùng dự án. Đặc biệt, Lai Châu còn quy hoạch được nhiều diện tích rừng kém hiệu quả để trồng cao su, đây sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp, nhà đầu tư cùng tỉnh phát triển các vùng cao su đại điền.
Ngoài chè và cao su, một số loại cây cũng đang được tỉnh chủ trương mở rộng diện tích như: quế, sơn tra, thảo quả trong đó cây thảo quả cũng được coi là cây trồng có nhiều triển vọng để phát triển, góp phần nâng cao thu nhập và xóa đói giảm nghèo cho Nhân dân. Tính đến hết năm 2013, toàn tỉnh có 5.357 ha cây thảo quả với sản lượng đạt gần 1.300 tấn, tăng 4,1 lần so với năm 2004. Dự kiến đến năm 2020, tỉnh sẽ trồng đạt 5ha sơn tra, 30ha quế tại một số huyện trong tỉnh.
Tỉnh Lai Châu cũng có tiềm năng lớn để phát triển cây lương thực theo hướng sản xuất hàng hóa. Toàn tỉnh hiện có trên 52.000ha đất trồng cây lương thực có hạt. Với tiềm năng về đất đai cùng điều kiện khí hậu thổ nhưỡng phù hợp để gieo trồng các giống lúa chất lượng cao và phát triển thành vùng thâm canh cây lương thực theo mô hình cánh đồng lớn như: cánh đồng Mường Than, cánh đồng Bình Lư, cánh đồng Mường So,… Nhờ vậy, từ việc là tỉnh sản xuất lương thực mang tính tự cung tự cấp, đến nay đã hình thành vùng chuyên canh sản xuất lương thực theo hướng hàng hóa chất lượng cao với các giống lúa thuần: Séng Cù, Tẻ Râu, Tả Cù... được người tiêu dùng ưa chuộng.
Lai Châu còn có nguồn tài nguyên rừng đa dạng và phong phú. Toàn tỉnh hiện có gần 400.000 ha đất có rừng, có hệ thống thảm thực vật đa dạng, đặc biệt có nhiều loại sản phẩm lâm sản có giá trị cao như nghiến, táu, pơmu,.... Do có chính sách thu hút, ưu đãi hợp lý, đến nay Lai Châu đã thu hút được nhiều doanh nghiệp, các nhà đầu tư vào tham gia trồng và phát triển rừng kinh tế, rừng nguyên liệu phục vụ cho phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ. Cũng nhờ đó, đã nâng tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh hiện nay đạt hơn 43,6%.
Với hệ thống sông suối, ao hồ dày đặc, Lai Châu có diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản rộng hơn 740ha và hơn 16.000 ha diện tích mặt nước lòng hồ thủy điện, rất thuận lợi cho phát triển ngành nuôi trồng thủy sản, thủy cầm. Tỉnh cũng có nhiều nguồn nước sạch, nước lạnh có thể nuôi trồng thủy sản nước lạnh có giá trị kinh tế cao như cá hồi, cá tầm, tôm càng xanh,... tập chung chủ yếu ở các huyện: Sìn Hồ, Phong Thổ, Tam Đường. Hiện nay, tỉnh đã có chủ trương nuôi thử nghiệm cá tầm lấy trứng ở địa bàn huyện Tân Uyên. Nhờ có những chính sách phát triển hợp lí đã góp phần đẩy mạnh hoạt động nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng cao, sản lượng thủy sản năm sau cao hơn năm trước. Cụ thể là: sản lượng thủy sản đã tăng từ 774 tấn năm 2005 lên 2.203 tấn năm 2015. Để khai thác tiềm năng này, tỉnh đã tổ chức khảo sát và có chủ trương phát triển kinh tế vùng lòng hồ, trong đó lấy nuôi trồng thủy sản với quy mô lớn làm chiến lược phát triển lâu dài.
Được đánh giá là tỉnh có nhiều tiềm năng lợi thế, riêng trong lĩnh vực nông – lâm – thủy sản, Lai Châu đang có nhiều chính sách mở để đón các doanh nghiệp, các nhà đầu tư vào đầu tư tại địa bàn. Khi tiềm năng được khai thác theo hướng bền vững, Lai Châu sẽ có điều kiện để phát triển hơn nữa với mục tiêu phấn đấu là tỉnh phát triển trung bình trong khu vực miền núi phía Bắc vào năm 2020./.
TH