Tù Lu - Trò chơi truyền thống của người Mông
![]() Chàng trai người Mông thi đấu Tù Lu tại Lễ hội. |
Người Mông thường nói vui: “Đã là con trai người Mông thì ai cũng biết đánh Tù Lu”. Bởi lẽ từ khi còn bé, các bé trai người Mông đã được đi theo anh, theo cha chơi môn thể thao này và cũng được anh, được cha đẽo cho một con quay nhỏ.
Trẻ em người Mông chơi Tù Lu từ bé.(Ảnh vov.vn)
Con quay được làm từ những loại gỗ cứng có đường kính từ 7-10 cm. Thường chàng trai người Mông khi đã làm quen thì cũng không mất quá nhiều thời gian để làm con quay này. Con quay có hai đầu, đầu nhọn đóng một chiếc đinh cứng và đầu kia gọt bằng. Mỗi bộ quay gồm sợi dây dài chừng 1,5 m gắn cố định một đầu vào thanh gỗ nhỏ dài khoảng 0,5 m. Sân chơi thường được chọn một bãi đất rộng nhằm đảm bảo an toàn cho người chơi và những người đến xem...
Trẻ em tự mình đẽo con quay. (Ảnh vov.vn)
Nói đến cách chơi thì ở mỗi nơi có môn Tù Lu có hình thức đánh riêng, do người chơi tự đặt ra. Có khi không phân biệt người chơi và người đánh, nếu đánh trượt thì phải đi quay và người nào đánh trúng thì được đánh tiếp… Nhưng khi đã là môn thi đấu thì đều phải tuân thủ theo Luật được quy định.
Môn Tù Lu giúp chàng trai người Mông thể hiện sự khéo léo, tinh nhanh, phán đoán tốt.
Môn chơi Tù Lu không chỉ giúp người Mông rèn luyện sức khỏe, độ khéo léo, tinh nhanh và phán đoán tốt mà môn chơi này còn giúp các chàng trai người Mông thể hiện tài năng của mình. Đã có nhiều cô gái mến mộ khả năng chơi Tù Lu của chàng trai mà nên duyên vợ chồng.
Có thể nói chơi Tù lu nói riêng và các trò chơi dân gian truyền thống nói chung chính là bản sắc văn hóa, thể hiện tình đoàn kết giữa các thành viên trong cộng đồng thôn bản.
ĐL