Ban Chỉ đạo 389 tỉnh tổng kết công tác năm 2021
Sáng nay (30/12), Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 389 tỉnh) tổ chức Hội nghị nhằm tổng kết tình hình hoạt động của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh năm 2021, phương hướng nhiệm vụ năm 2022. Đồng chí Giàng A Tính – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 tỉnh chủ trì Hội nghị.
Dự Hội nghị có các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh; đại diện lãnh đạo một số sở, ngành tỉnh và các đơn vị có liên quan.
Năm 2021, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã bám sát các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, các bộ, ban ngành Trung ương và UBND tỉnh kịp thời chỉ đạo các sở, ngành thành viên, UBND các huyện, thành phố theo chức năng nhiệm vụ triển khai tích cực công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn, lĩnh vực quản lý. Các sở, ngành, thành viên và UBND các huyện, thành phố tăng cường phối hợp kiểm tra, kiểm soát hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; đảm bảo cung ứng hàng hóa ổn định thị trường. Tình hình thị trường giá cả hàng hóa trong năm 2021 đều tăng nhẹ do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hàng hóa đa dạng phong phú, đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của Nhân dân. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt trên 6.700 tỷ đồng, vượt 3,1% so với kế hoạch, tăng 9,9% so với năm 2020; kim ngạch xuất khẩu đạt 48,78 triệu USD.
Các lực lượng chức năng đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thường xuyên, kịp thời, bắt giữ xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Số vụ bắt giữ, xử lý giảm 3,4% so với cùng kỳ năm 2020, các hành vi vi phạm chủ yếu là hoạt động mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép các chất ma túy, kinh doanh hàng giả nhãn hiệu hàng hóa, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm… Năm 2021, các sở, ngành thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, các địa phương trong tỉnh, đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 1.211 vụ vi phạm/1.271 đối tượng, giảm 34 vụ và 9 đối tượng so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó khởi tố 225 vụ/580 đối tượng. Tổng số tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính, tiền bán hàng thanh lý hàng hóa, tang vật tịch thu và truy thu thuế đạt trên 5.032 triệu đồng, giá trị hàng hóa tang vật tiêu hủy ước tính trên 318 triệu đồng. Trong đó, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra, phát hiện xử lý 324 vụ/324 đối tượng, giảm 196 vụ so với cùng kỳ năm 2020. Tổng số tiền thu nộp ngân sách Nhà nước trên 1.139 triệu đồng, trị giá hàng hóa, tang vật chưa thanh lý và trị giá hàng hóa tang vật tiêu hủy ước trên 43,7 triệu đồng. Lực lượng công an đã phát hiện bắt giữ, xử lý 556 vụ/666 đối tượng, tăng 162 vụ so với cùng kỳ năm 2020. Đồng thời, các lực lượng chức năng đã kiểm tra, phát hiện 6 vụ vi phạm liên quan đến hoạt động thương mại điện tử. Các hành vi chủ yếu là kinh doanh hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa vi phạm về nhãn mác; sử dụng Website thương mại điện tử để bán hàng mà không thông báo với cơ quan có thẩm quyền…
Năm 2022, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh tiếp tục đề ra các biện pháp như tăng cường sự phối hợp giữa các sở, ngành thành viên và các huyện, thành phố trong công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tập trung thực hiện tốt các đợt cao điểm về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022; tăng cường công tác quản lý thị trường giá cả; đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong thực thi công vụ… trong công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Thảo luận tại Hội nghị, thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh tập trung vào các vấn đề như: Các giải pháp kiểm tra, thanh tra, phát hiện, xử lý các vụ vi phạm; công tác phối hợp tuần tra, kiểm soát, phát hiện các hành vi vi phạm buôn lậu, hàng giả, hàng nhái...
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Giàng A Tính – Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị thời gian tới các thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh tiếp tục làm tốt công tác phòng ngừa, đấu tranh đối với các hành vi buôn lậu hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên tất cả các lĩnh vực; chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh đột xuất và thường xuyên theo kế hoạch. Lực lượng quản lý thị trường thường xuyên tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, công tác phối hợp giữa các đơn vị, ngành chức năng nhằm kịp thời ngăn chặn, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm, góp phần ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh.