• :
  • :
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Đến Lai Châu cùng tham gia các Lễ hội mùa xuân vùng cao độc đáo

(laichau.gov.vn)

Mùa xuân là thời điểm lý tưởng nhất để tổ chức các Lễ hội, chính vì vậy, nếu có ý định du xuân thì mời các bạn hãy đến với Lai Châu để cùng tham gia các Lễ hội mùa xuân vùng cao độc đáo.

Lễ hội Đền thờ Vua Lê Lợi

Tiết mục văn nghệ khai hội.

Lễ hội Đền thờ Vua Lê Lợi năm nay được tổ chức vào ngày 2/2/2023 tại Đền Lê Lợi, phường Đoàn Kết, thành phố Lai Châu.

Lễ hội Đền thờ Vua Lê Lợi được tổ chức nhằm tưởng nhớ công lao người anh hùng dân tộc - Vua Lê Lợi đã thân chinh cầm quân lên dẹp loạn Đèo Cát Hãn âm mưu chia cắt miền đất phía Tây nước ta (thuộc tỉnh Lai Châu hiện nay). Lễ hội được tổ chức có ý nghĩa sâu sắc về lịch sử, giáo dục các thế hệ người dân về truyền thống yêu nước, đoàn kết chống giặc ngoại xâm, bảo vệ bờ cõi, thống nhất đất nước.

Lễ hội gồm 2 phần: Phần lễ là nghi thức đánh trống khai hội, dâng hương; phần hội diễn ra các trò chơi dân gian như bịt mắt bắt vịt, bịt mắt đánh chiêng, thi chọi gà, kéo co, nhảy bao bố, hái hoa dân chủ... thu hút đông đảo người dân trên địa bàn và du khách thập phương đến xem và cổ vũ.

Thông qua Lễ hội này góp phần bảo tồn và phát huy những nét văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc, đồng thời kết hợp đưa những yếu tố văn hóa mới phù hợp với nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần, vui chơi, giải trí lành mạnh của đồng bào các dân tộc thành phố và các du khách thập phương; góp phần đẩy mạnh xây dựng, nâng cao chất lượng đời sống văn hóa cơ sở.

Lễ hội Gàu Tào

Môn thi đấu kéo co tại Lễ hội Gàu Tào.

Năm nay, Lễ hội Gầu Tào (Gàu Tào Cha) được tổ chức từ ngày 4 - 5/2/2023 tại bản Gia Khâu 1, xã Nậm Loỏng. Lễ hội thường gồm hai phần: Phần lễ cầu cho năm mới nhiều may mắn, mưa thuận gió hòa, vụ mùa bội thu; phần hội là những trò chơi mang tính cộng đồng, thể hiện sự gắn bó, đoàn kết của đồng bào dân tộc Mông. Lễ hội đã thu hút đông đảo cán bộ, người dân tham gia.

Tại Lễ hội này, người Mông từ khắp các bản làng của thành phố Lai Châu và các vùng lân cận xúng xính váy áo mới đến đây để chơi hội, nhiều đôi trai gái người Mông đến tham dự Lễ hội tìm hiểu nhau và nên duyên vợ chồng. Du khách đến Lễ hội vào dịp này sẽ được trải nghiệm nhiều nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Mông.

Lễ hội Tú Tỉ

Phụ nữ Giáy thi cắt bánh tại Lễ hội Tú Tỉ.

Đã từ lâu Lễ hội Tú Tỉ đã trở thành nét văn hóa đặc sắc của người dân xã San Thàng. Năm nay Lễ hội Tú Tỉ được tổ chức vào ngày 21/2/2023 tại bản San Thàng 1, xã San Thàng. Lễ hội Tú Tỉ được bắt nguồn từ Lễ cúng Tú Tỉ là truyền thống lâu đời của dân tộc Giáy, xã San Thàng. Theo tiếng Giáy, Tú Tỉ nghĩa là thổ địa, là thần cai quản vùng đất. Với quan niệm “Đất có thổ công, sông có hà bá”, tức dân tộc nào sống trên một vùng đất thì phải thờ cúng thổ công ở vùng đất đó.

Lễ cúng Tú Tỉ đã có từ rất lâu đời của dân tộc Giáy. Mỗi khi Lễ cúng được tổ chức, bà con trong bản ai lấy đều cảm thấy rất vui. Ở phần lễ, thầy cúng sẽ cúng lần thứ nhất để mời vị thần cai quản vùng đất về. Sau khi cúng xong lần một, mọi người sẽ tiến hành mổ lợn và gà tại chỗ, sau đó luộc chín và tiến hành cúng lần hai. Thầy cúng thực hiện việc cúng để mời vị thần cai quản vùng đất về nhận lễ vật dâng cúng và để cầu mong cho mùa màng tươi tốt, cầu cho người dân trong bản được mạnh khỏe, vật nuôi sinh sôi nảy nở, không bị dịch bệnh.

Sau phần Lễ là đến phần hội với nhiều trò chơi dân gian, nhiều môn thi độc đáo như: Bắn nỏ, giã bánh dày, kéo co, tó má lẹ, nhảy bao bố, bịt mắt đánh chiêng…

Lễ hội Xòe chiêng

Người Thái vui hội Xoè chiêng.

Xòe chiêng là một trong những Lễ hội quan trọng của dân tộc Thái vùng Tây Bắc nói chung và người Thái huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu nói riêng. Năm nay Lễ hội được tổ chức vào ngày 4/2/2023 tại Trường THPT Mường Kim, huyện Than Uyên.

Múa xòe là một nét văn hóa, phong tục truyền thống không thể thiếu trong cuộc sống của cộng đồng người dân tộc Thái. Trong Lễ hội này nhiều trò chơi dân gian được tổ chức như: Tung còn, tù lu, đẩy gậy, bắn nỏ, tó má lẹ, thi ẩm thực… Kết thúc Lễ hội Xòe chiêng là những tiết mục văn nghệ và vòng xòe đoàn kết. Bên ngọn lửa hồng rực cháy, đồng bào Thái tay trong tay vang lời ca tiếng hát trên nền tiếng trống, tiếng chiêng rộn ràng.

Tham dự Lễ hội này, du khách sẽ được thưởng thức hương vị của núi rừng qua những bình rượu cần được bày sẵn, nắm tay nhau trong vòng xòe và cùng dành những lời chúc tốt đẹp nhất cho nhau khi mùa xuân mới đã về.

Lễ hội Đền thờ Vua Lê Lợi

Du khách đến tham quan, tìm hiểu về bia Lê Lợi - bảo vật quốc gia ở Đền thờ Vua Lê Lợi, xã Lê Lợi, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu.

Đền thờ được dựng lên nhằm tưởng nhớ công lao của vị anh hùng dân tộc Lê Lợi, người đã có công dẹp loạn vùng Tây Bắc. Ngôi đền tọa lạc trên vị trí đắc địa, cao ráo, có thể phóng tầm mắt 4 phía. Tại quần thể Đền thờ còn có một di tích quý báu đó là di tích Bia Lê Lợi.

Di tích Bia Lê Lợi thuộc xã Lê Lợi và xã Pú Đao, huyện Nậm Nhùn (Lai Châu) đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Cuối năm 2016, Bia Lê Lợi chính thức được công nhận là bảo vật quốc gia. Đầu năm 2017, Đền thờ vua Lê Lợi cũng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia.

Đền thờ Vua Lê Lợi không chỉ là nơi để người dân Lai Châu tưởng nhớ về vị anh hùng của dân tộc, mà còn là một trong những điểm sinh hoạt văn hóa tâm linh của bà con nơi đây. Năm nay Lễ hội Đền thờ Vua Lê Lợi được tổ chức vào ngày 4/2/2023 tại Đền thờ Vua Lê Lợi, xã Lê Lợi, huyện Nậm Nhùn.


Tác giả: Huy Hoàng
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 2.033
Hôm qua : 9.410
Tháng 04 : 198.273
Năm 2024 : 869.863
Tổng số : 82.335.956