A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Đoàn công tác của UBND tỉnh làm việc với huyện Tam Đường

(laichau.gov.vn)

Tiếp tục chương trình công tác, chiều nay (19/6), đồng chí Hà Trọng Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng đoàn công tác của UBND tỉnh đã có buổi làm việc với huyện Tam Đường về tình hình sản xuất nông - lâm nghiệp, xây dựng nông thôn mới; quản lý tài nguyên, môi trường; phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai; phương án đề xuất bố trí dân cư trên địa bàn huyện Tam Đường.

Quang cảnh buổi làm việc.

Cùng đi với Đoàn có đại diện lãnh đạo sở, ngành: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh.

Làm việc với Đoàn có các đồng chí: Sùng Lử Páo - Chủ tịch UBND huyện Tam Đường; Phong Vĩnh Cường - Phó Chủ tịch UBND huyện; đại diện lãnh đạo một số phòng, ban chuyên môn thuộc huyện và lãnh đạo UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Tam Đường.  

Đồng chí Sùng Lử Páo - Chủ tịch UBND huyện Tam Đường phát biểu tại buổi làm việc.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo UBND huyện Tam Đường thông qua báo cáo tình hình thực hiện sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; quản lý tài nguyên và môi trường, phòng chống thiên tai; bố trí dân cư theo Quyết định số 590/QĐ-TTg ngày 18/5/2022 của Thủ tướng chính phủ. Theo đó, ngay từ đầu năm 2024, UBND huyện đã ban hành các văn bản để chỉ đạo, đôn đốc công tác sản xuất nông nghiệp trên địa bàn và đã đạt được những kết quả quan trọng, nổi bật như: Lúa thực hiện 4.515ha, đạt 100% kế hoạch, sản lượng 3.570 tấn; tổng diện tích chè hiện có là 2.227,9ha, trong đó 1.836,06ha chè kinh doanh, sản lượng chè búp tươi 6 tháng đầu năm ước đạt 8.300 tấn, đạt 48,8% kế hoạch (tăng 1.125 tấn so với cùng kỳ năm 2023).

Hiện nay, vùng trồng Sâm Lai Châu trên địa bàn huyện là 17,18ha tại các xã Khun Há, Giang Ma, Hồ Thầu. Trên địa bàn huyện có 4 cơ sở sản xuất giống với tổng diện tích 3,13ha; có 2 sản phẩm được chế biến từ lá Sâm Lai Châu (Trà Sâm núi Lai Châu và Trà Sâm lá sen) được công nhận sản phẩm OCOP.

Về thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, đến hết năm 2023 số xã hoàn thành 19 tiêu chí là 8 xã; số xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí là 2 xã; số xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí là 2 xã. Tỷ lệ số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới đạt 66,7%; bình quân tiêu chí trên xã là 17,8%.

Lãnh đạo UBND xã Sơn Bình phát biểu tại buổi làm việc.

Thực hiện công tác phòng, chống thiên tai, thời gian qua UBND huyện đã tăng cường chỉ đạo, thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, sẵn sàng phương hướng xử lý, theo phương châm 4 tại chỗ hiệu quả, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra; theo dõi sát tình hình thời tiết, khí tượng thuỷ văn, thường xuyên thông báo để Nhân dân biết, nâng cao ý thức tự bảo vệ tính mạng, tài sản của mình và cộng đồng. Trong năm 2023, trên địa bàn huyện xảy ra 4 đợt mưa to, gió lốc, gây thiệt hại tài sản, hoa màu của Nhân dân giá trị ước 20.985 triệu đồng, không có thiệt hại về người. Trong 6 tháng đầu năm xảy ra 1 đợt mưa to, gió lốc; giá trị thiệt hại ước 90 triệu đồng, không có thiệt hại về người.

Công tác rà soát các điểm sắp xếp, ổn định dân cư theo Quyết định 590/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cũng được huyện quan tâm triển khai thực hiện. 

Lãnh đạo Sở Xây dựng phát biểu tại buổi làm việc.

Thảo luận tại buổi làm việc, thành viên Đoàn công tác và đại diện lãnh đạo các phòng, ban chuyên môn của huyện Tam Đường tập trung vào một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các chính sách liên quan đến lĩnh vực sản xuất nông - lâm nghiệp, xây dựng nông thôn mới; quản lý tài nguyên, môi trường; phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai; phương án đề xuất bố trí dân cư trên địa bàn huyện.

Đồng chí Hà Trọng Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận buổi làm việc.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Hà Trọng Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị huyện Tam Đường trên cơ sở Quy hoạch tỉnh, Quy hoạch vùng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, huyện cần chủ động, nghiên cứu, tích hợp những nhiệm vụ đã được xác định trong Quy hoạch tỉnh để xác định nhiệm vụ cụ thể, chi tiết triển khai thực hiện. Quan tâm phát triển công nghiệp chế biến nông lâm sản, tập trung thu hút đầu tư công nghệ cao gắn với chế biến, tạo sản phẩm nông sản, sản phẩm đặc hữu của huyện, chế biến khoáng sản. Rà soát sản phẩm chủ lực của huyện, tái cơ cấu ngành hàng chủ lực của huyện, duy trì những sản phẩm OCOP có chất lượng như chè, hoa quả ôn đới, sâm, mắc ca, cá nước lạnh… theo hướng nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch. Quan tâm tạo sản phẩm du lịch từ những nét văn hóa, địa danh, địa hình, tiềm năng lợi thế cho phát triển du lịch, tạo nền tảng ban đầu thu hút đầu tư cho lĩnh vực du lịch. Tăng cường rà soát quỹ đất, xây dựng phương án, kế hoạch giao đất, giao rừng cho Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện quản lý; phê duyệt lại phương án phát triển rừng bền vững. Nghiên cứu, đề xuất với sở chuyên ngành xác minh tính chất, giá trị một số dược liệu để có thể phát triển tại địa phương.

Cấp huyện, cấp xã, thôn bản mỗi cấp lựa chọn 1 điển hình trong xây dựng nông thôn mới, lựa chọn tiêu chí nổi bật tạo điểm nhấn cho mỗi địa phương đó. Đồng thời, đôn đốc, chỉ đạo các xã thực hiện các tiêu chí, tiêu chí nâng cao trong xây dựng nông thôn mới.

Tăng cường công tác nhận diện loại hình thiên tai thường xảy ra trên địa bàn, tăng cường dự báo cấp độ thiên tai; xây dựng phương án, lực lượng, phương tiện cho công tác khắc phục hậu quả thiên tai theo từng cấp độ; công tác dự trữ lương thực thực phẩm khi xảy ra thiên tai, bão lũ. Tiếp tục rà soát sắp xếp bố trí ổn định dân cư vùng có nguy cơ xảy ra thiên tai, ưu tiên cho những địa điểm có nguy cơ cao; sắp xếp những điểm mới cần tính toán lại hệ thống dân cư, đề xuất danh mục các dự án sắp xếp ổn định dân cư theo thứ tự ưu tiên.

Đối với lĩnh vực tài nguyên, môi trường: Cần rà soát lại hiện trạng sử dụng đất, tăng cường công tác quản lý sử dụng đất trên địa bàn. Chuẩn hóa lại quy hoạch sử dụng đất, quỹ đất. Kiểm tra việc chấp hành bảo vệ môi trường của các tổ chức, hộ kinh doanh trên địa bàn. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra quản lý việc sử dụng vốn trên địa bàn, chất lượng công trình dự án, các chính sách hỗ trợ đúng đối tượng, đúng quy định…


Tác giả: Nguyễn Nga
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.983
Hôm qua : 8.063
Tháng 06 : 194.349
Năm 2024 : 1.278.680
Tổng số : 82.744.773