Hội nghị tổng kết ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Tài nguyên và Môi trường năm 2024, giải pháp triển khai kế hoạch năm 2025
Chiều nay (9/1), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị tổng kết ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn - Tài nguyên và Môi trường năm 2024, giải pháp triển khai kế hoạch năm 2025. Các đồng chí: Hà Trọng Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Đặng Văn Châu - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Mai Văn Thạch - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường đồng chủ trì Hội nghị.
Dự Hội nghị còn có các đồng chí đại diện lãnh đạo: Các sở, ban, ngành, tỉnh; lãnh đạo UBND các huyện, thành phố; đại diện lãnh đạo: phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện, Phòng Kinh tế thành phố; Ban Quản lý rừng phòng hộ; Hạt kiểm lâm; các Trung tâm, chi cục thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Tài nguyên và Môi trường; đại diện lãnh đạo một số Hiệp hội, doanh nghiệp...
Năm 2024, mặc dù đối diện với nhiều khó khăn, thách thức song với sự vào cuộc tích cực của lãnh đạo, cán bộ toàn ngành, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đạt kết quả đáng khích lệ, đóng góp lớn vào mức tăng trưởng của ngành kinh tế, tiếp tục khẳng định vị thế của nông nghiệp - là trụ đỡ quan trọng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Tổng sản lượng lương thực có hạt ước đạt 226.100 tấn, tăng 885 tấn so với năm 2023, đạt 100,3% kế hoạch. Vùng chè tập trung chất lượng cao tiếp tục được mở rộng phát triển, đã trồng mới thêm 520 ha; sản lượng chè búp tươi ước đạt 60.300 tấn, tăng 5.060 tấn so với năm 2023.
Công tác nuôi trồng thủy sản tiếp tục duy trì, diện tích ao nuôi trồng thủy sản đạt 1.027 ha; thể tích nuôi cá nước lạnh ước đạt 18.590m3; thể tích nuôi cá lồng ước đạt 220.592 m3; sản lượng nuôi trồng và đánh bắt tự nhiên ước đạt 3.725 tấn. Tổng đàn gia súc chính đạt 371.930 con, đạt 100,2% kế hoạch, tổng đàn gia cầm đạt 1.820 nghìn con, đạt 100% kế hoạch. Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại là 21.100 tấn, đạt 107,3% kế hoạch. Tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh ước đạt 52,86%; diện tích trồng rừng mới ước đạt 2.208 ha; triển khai đánh giá, phân hạng 11 sản phẩm OCOP; tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt khoảng 91,5%. Chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai đồng bộ, toàn diện, góp phần tích cực vào việc cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân ở khu vực nông thôn.
Năm 2025, ngành Nông nghiệp đặt chỉ tiêu tổng sản lượng lương thực đạt 226.000 nghìn tấn; trồng mới 330 ha chè; trồng mới 160 ha cây ăn quả; tốc độ tăng đàn gia súc trên 5,0%; tổng sản lượng thủy sản đạt 3.760 tấn; trồng mới 5.236 ha rừng; độ che phủ rừng 54%; tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 93%; bình quân tiêu chí nông thôn mới đạt 17,3%; có thêm 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới...
Năm 2024, ngành Tài nguyên và Môi trường của tỉnh đạt được nhiều kết quả quan trọng, đặc biệt trong các lĩnh vực đất đai, môi trường và khoáng sản, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh. Ngành đã tham mưu rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về cơ chế, chính sách, quy hoạch, kế hoạch phù hợp với điều kiện của tỉnh, từ đó, tăng cường hiệu quả quản lý Nhà nước về tài nguyên và môi trường. Các chỉ tiêu môi trường của tỉnh được thực hiện thắng lợi như: Tổng lượng chất thải rắn đô thị phát sinh đạt 98,56%; tỷ lệ số xã, phường, thị trấn tại các huyện, thành phố được thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đạt 74,53 %...
Công tác thanh tra, kiểm tra thực hiện có trọng tâm, trọng điểm đã từng bước nâng cao ý thức chấp hành các quy định pháp luật về tài nguyên và môi trường của người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư; trong năm đã thực hiện được 6 cuộc thanh tra đối với 18 tổ chức về đất đai; tham mưu cấp có thẩm quyền cấp 2.401 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho các tổ chức và hộ gia đình, cá nhân; tích cực công tác phòng, chống tham nhũng, chống lãng phí, thực hành tiết kiệm....
Năm 2025, ngành Tài nguyên và Môi trường đề ra một số nhiệm vụ như: Tập trung tham mưu, đề xuất cấp có thẩm hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật của ngành, đặc biệt là lĩnh vực đất đai, đo đạc, khoáng sản, môi trường, công tác tổ chức cán bộ đảm bảo theo Chương trình công tác năm 2025 khi được UBND tỉnh phê duyệt; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho mọi tổ chức, cá nhân; chủ động tham mưu cấp thẩm quyền thẩm định và phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đảm bảo theo quy định...
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung tham luận về các nội dung: Giải pháp phát triển nông nghiệp hàng hóa quy mô tập trung, liên kết vùng; giải pháp thực hiện công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện, định giá đất; khó khăn, vướng mắc và giải pháp trong quản lý, giám sát, thực hiện duy trì dòng chảy tối thiểu của các công trình...
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Trọng Hải đã ghi nhận và đánh giá cao kết quả ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Tài nguyên và Môi trường đã đạt được trong năm qua. Đồng chí đánh giá đây là “Năm tăng tốc” để hai ngành về đích trong năm 2025. Để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2025, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị thời gian tới Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, cấp ủy chính quyền địa phương tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm: Ổn định tổ chức, sắp xếp vị trí việc làm; nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, thu hút các nguồn đầu tư; rà soát lại diện tích rừng hiện có, đề xuất các giải pháp phát triển rừng bền vững; tăng cường công tác kiểm tra, thực hiện các chỉ tiêu, tạo điểm nhấn trong phát triển nông thôn mới. Tiếp tục thực hiện rà soát, kiểm kê, đánh giá hiện trạng đất đai; xử lý nghiêm hành vi xả thải ra ngoài môi trường, khắc phục các hiện tượng gây ảnh hưởng xói mòn dòng chảy; kiểm tra thực hiện các kế hoạch phát triển sản phẩm hữu cơ; nghiên cứu, tham mưu định hướng tổ chức sản xuất; quan tâm đến điều tiết, bảo vệ chất lượng nguồn nước; quản lý các hoạt động sản xuất, đầu tư gắn với biến đổi khí hậu. Các ngành, các huyện rà soát lại toàn bộ các chính sách về nông nghiệp, lâm nghiệp, tài nguyên, nhất là Nghị quyết 07/2021/NQ-HĐND Lai Châu chính sách về phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2021 - 2025 và Nghị quyết 08/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Lai Châu Quy định chính sách về phát triển rừng bền vững giai đoạn 2021 - 2025 và một số chính sách khác xem có bất cập để kiến nghị điều chỉnh chính sách cho phù hợp trong giai đoạn tới; phối hợp chặt chẽ với các ngành thúc đẩy ngoại giao, tìm kiếm thị trường, chuyển giao công nghệ, lập các danh mục thu hút đầu tư và hỗ trợ đầu tư, phát huy các chủ thể nông dân trong xây dựng nông thôn mới...