A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội nghị trực tuyến Khối Công Thương địa phương năm 2021

(laichau.gov.vn)

Chiều nay (15/10), Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị trực tuyến Khối Công Thương địa phương năm 2021 nhằm đánh giá tình hình hoạt động 9 tháng đầu, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, khôi phục sản xuất, kinh doanh gắn với đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của ngành Công Thương. Bộ Trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì Hội nghị.

Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lai Châu.

Dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lai Châu có đồng chí Giàng A Tính – Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số sở, ngành có liên quan; đại diện lãnh đạo UBND, Phòng Kinh tế, Phòng Kinh tế - Hạ tầng các huyện, thành phố. 

Tại Hội nghị, đại diện Cục Công Thương địa phương đã báo cáo tình hình hoạt động 9 tháng đầu năm, nhiệm vụ và giải pháp 3 tháng cuối năm 2021. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, tuy nhiên bức tranh kinh tế - xã hội Việt Nam 9 tháng năm 2021 vẫn duy trì được mức tăng trưởng dương 1,42%, an sinh xã hội được đảm bảo, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát. Các cơ quan ở Trung ương và địa phương đã thực hiện tốt, có hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 4,45% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng trưởng GDP chung của toàn nền kinh tế (cả nước: tăng 1,42%). Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) cả nước ước tính tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 2,4% của cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước đạt 3.367,7 nghìn tỷ đồng. Đã có 57/63 địa phương tăng trưởng cao hơn mức tăng chung của cả nước như Ninh Bình tăng 18,20%; Điện Biên tăng 14,99%; Lai Châu tăng 11,0%...

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước ước tính đạt 240,52 tỷ USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa cả nước ước tính đạt 242,65 tỷ USD, tăng 30,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 83,72 tỷ USD, tăng 25%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 158,93 tỷ USD, tăng 33,6%...

Công tác bình ổn thị trường cung ứng hàng hóa, giảm bớt khó khăn cho đời sống, sản xuất, kinh doanh của người dân trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp luôn được bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, kích thích tiêu dùng của người dân.

Đối với tỉnh Lai Châu, 9 tháng đầu năm 2021 ngành Công Thương đã đạt được những kết quả tích cực như giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh năm 2010) ước đạt 4.728 tỷ đồng, bằng 75% kế hoạch năm, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 4.979 tỷ đồng, bằng 76% kế hoạch năm, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước. Tổng giá trị xuất nhập khẩu ước đạt 42 triệu USD, bằng 73% kế hoạch năm, mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của địa phương như chè, ngô, sắn, quả chuối xanh…

Những tháng cuối năm 2021 và năm 2022, ngành Công Thương tiếp tục đề ra các giải pháp trọng tâm như: Tiếp tục thực hiện ứng phó hiệu quả, giảm thiểu tác động của thiên tai, dịch bệnh; tập trung chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất công nghiệp; tiếp tục rà soát, hoàn thiện và thực hiện đồng bộ, hiệu quả hơn các chính sách xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu; thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; đẩy mạnh hoạt động liên kết vùng ...

Thảo luận tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo các địa phương đã tập trung vào các giải pháp, kinh nghiệm thúc đẩy sản xuất công nghiệp, phục hồi sản xuất kinh doanh sau dịch bệnh Covid-19 và một số kiến nghị liên quan đến việc thực hiện các chính sách thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu sang một số nước đối với một số mặt hàng nông sản...

Đồng chí Nguyễn Hồng Diên – Bộ Trưởng Bộ Công Thương phát biểu kết luận Hội nghị.

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Hồng Diên – Bộ Trưởng Bộ Công Thương đề nghị UBND, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố tùy vào điều kiện cụ thể của mỗi địa phương quan tâm hỗ trợ, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các đơn vị, doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, đảm bảo lưu thông các nguyên, vật liệu phục vụ cho sản xuất và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm; bám sát các chủ trương chính sách triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ sản xuất, kinh doanh đến các đối tượng được thụ hưởng; đẩy mạnh khai thác, tiếp cận các thị trường trọng điểm, duy trì và mở rộng thị phần xuất khẩu; tiếp tục hỗ trợ, kết nối cung - cầu bằng hình thức trực tiếp, gián tiếp thông qua các hoạt động thương mại điện tử và các mô hình kinh doanh mới phù hợp với đặc điểm tình hình mới...


Tác giả: Nguyễn Nga
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 7.854
Hôm qua : 8.173
Tháng 04 : 112.581
Năm 2024 : 784.171
Tổng số : 82.250.264