Họp Tổ xây dựng dự thảo Nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển Sâm Lai Châu
Chiều nay (27/2), Tổ xây dựng dự thảo Nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển Sâm Lai Châu tổ chức họp dưới sự chủ trì của đồng chí Hà Trọng Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Tham dự cuộc họp còn có thành viên Tổ xây dựng dự thảo Nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển Sâm Lai Châu; đại diện lãnh đạo và chuyên viên liên quan Văn phòng UBND tỉnh.
Theo Báo cáo tình hình xây dựng Đề án phục vụ ban hành Nghị quyết và dự thảo Nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển Sâm Lai Châu, Sâm Lai Châu là loài cây bản địa, đặc hữu, cây thuốc rất quý hiếm, đối tượng ưu tiên bảo tồn và phát triển ở nước ta, có giá trị lớn về dược liệu và kinh tế. Trong những năm qua, trên địa bàn tỉnh đã triển khai các đề tài khoa học, dự án, mô hình nghiên cứu bảo tồn và phát triển Sâm Lai Châu, đánh giá sơ bộ vùng thích hợp trồng Sâm Lai Châu. Qua đánh giá, Lai Châu có khoảng 30.000 ha diện tích phù hợp, trong đó có 17.000 ha rất phù hợp để trồng Sâm Lai Châu.
Tỉnh Lai Châu đã xây dựng được 03 mô hình bảo tồn Sâm Lai Châu và gây trồng trên 21.000 cây mô hình; ban hành Tiêu chuẩn cơ sở Giống cây lâm nghiệp - Cây giống Sâm Lai Châu và dự thảo tiêu chuẩn cơ sở Sâm Lai Châu; ban hành Hướng dẫn kỹ thuật nhân giống, trồng, chăm sóc, thu hoạch và sơ chế, bảo quản Sâm Lai Châu; đã được cơ quan có thẩm quyền cấp “Bằng bảo hộ giống cây trồng Sâm Lai Châu” và nhãn hiệu chứng nhận “Sâm Lai Châu”; đã có 05 cơ sở được cấp mã số cơ sở trồng loài cây Sâm Lai Châu với 252.729 cây; đã ban hành một số chính sách bảo tồn và phát triển cây dược liệu, trong đó có cây Sâm Lai Châu; tổ chức các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, khuyến khích, thu hút đầu tư phát triển trồng Sâm Lai Châu. Tính đến nay toàn tỉnh có 19 tổ chức, 217 hộ gia đình, cá nhân trồng khoảng 60 ha trồng tập trung và nhiều diện tích nhỏ lẻ, phân tán trồng dưới tán rừng…
Tuy nhiên, công tác bảo tồn, phát triển Sâm Lai Châu vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế; điều tra, khảo sát quy hoạch vùng trồng chưa được khoanh định cụ thể; cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông còn thấp kém; kinh phí cho nghiên cứu khoa học về cây Sâm Lai Châu còn ít, chưa đáp ứng được nhu cầu cho phát triển... Chính vì vậy, để triển khai thực hiện phát triển Sâm Lai Châu theo Quyết định số 611/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Chương trình phát triển Sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, việc tỉnh Lai Châu xây dựng Nghị quyết lãnh đạo của Tỉnh ủy về phát triển Sâm Lai Châu là rất cần thiết.
Tại cuộc họp, đại diện các thành viên Tổ xây dựng dự thảo Nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển Sâm Lai Châu đã tập trung thảo luận, tham gia vào Báo cáo tình hình xây dựng Đề án phục vụ ban hành Nghị quyết và dự thảo Nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển Sâm Lai Châu trong đó tập trung vào: Sự cần thiết ban hành Nghị quyết, các nguyên tắc phải xây dựng; sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, sự tham gia của cả hệ thống chính trị trong triển khai thực hiện Nghị quyết; các nội dung, cơ chế, chính sách, giải pháp triển khai thực hiện; việc tổ chức Lễ hội văn hóa Sâm; xác định rõ diện tích trồng đảm bảo tính khả thi; phát triển Sâm gắn với vùng đồng bào dân tộc thiểu số…
Khẳng định đây là một Nghị quyết vô cùng quan trọng để triển khai thực hiện Quyết định số 611/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Chương trình phát triển Sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Lai Châu; hướng đến mục tiêu xây dựng và phát triển Sâm Lai Châu thành ngành hàng có giá trị kinh tế cao, là sản phẩm chủ lực của tỉnh, mang thương hiệu sản phẩm địa phương và quốc gia; góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người dân, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Chính vì vậy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Trọng Hải đề nghị các thành viên Tổ xây dựng dự thảo Nghị quyết tập trung một số nhiệm vụ sau: Các huyện tổ chức rà soát lại diện tích, hạ tầng vùng trồng Sâm Lai Châu; đăng ký diện tích trồng với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tích hợp lên bản đồ; Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, đề xuất quy trình kỹ thuật, mật độ trồng Sâm phù hợp… Cơ quan thường trực tiếp thu toàn bộ các ý kiến tại cuộc họp, bám sát Quyết định số 611/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ tập trung xây dựng Đề án phục vụ ban hành Nghị quyết và dự thảo Nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển Sâm Lai Châu báo cáo UBND tỉnh.