Lai Châu: Họp Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh
Chiều nay (20/5), Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh họp đánh giá kết quả công tác PCTT&TKCN trong năm 2024, 5 tháng đầu năm 2025 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Cuộc họp được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến từ điểm cầu tỉnh tới điểm cầu các huyện, thành phố trong tỉnh. Đồng chí Lê Văn Lương - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh chủ trì cuộc họp.

Dự họp tại điểm cầu tỉnh có đồng chí Hà Trọng Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh; các đồng chí là thành viên Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh; lãnh đạo một số cơ quan, đoàn thể tỉnh.
Ngay từ đầu các năm, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã quán triệt các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố thực hiện tốt các văn bản chỉ đạo của Trung ương, các bộ, ngành, UBND tỉnh về công tác phòng chống thiên tai. Từ đầu năm 2024 đến nay, UBND tỉnh đã ban hành 4 Công điện; 2 Chỉ thị; 22 văn bản chỉ đạo về công tác phòng, chống thiên tai. Đặc biệt là ban hành 18 văn bản chỉ đạo ứng phó với cơn bão số 3 (bão Yagi), 2 văn bản chỉ đạo chủ động ứng phó với rét đậm rét hại trong năm 2024; Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai đã đi kiểm tra 13 cuộc, trong đó 7 cuộc kiểm tra công tác phòng chống thiên tai theo kế hoạch, 6 cuộc kiểm tra đột xuất để chỉ đạo khắc phục, xử lý các tình huống thiên tai cấp bách trong 5 tháng đầu năm 2025.

Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh chủ động, kịp thời ban hành các Công điện, Quyết định, các văn bản chỉ đạo các địa phương, sở, ngành trong việc ứng phó, phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai. Các sở, ngành theo chức năng của mình đã làm tốt công tác tham mưu giúp lãnh đạo tỉnh ra các quyết định kịp thời trong ứng phó thiên tai; có kế hoạch phối hợp chặt chẽ các lực lượng, chỉ đạo kịp thời, đồng bộ nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; ban hành Kế hoạch, phương án ứng phó thiên tai theo quy định; tổ chức cảnh báo các khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét; tổ chức kiểm soát người qua lại tại các khu vực ngầm, tràn, đường bị ngập, khu vực nguy cơ sạt lở...; tổ chức đào tạo, tập huấn, diễn tập phương án ứng phó với thiên tai ở các cấp; chú trọng công tác tăng cường thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, cảnh báo kịp thời bằng các hình thức thích hợp để nâng cao ý thức trách nhiệm, tự giác của cộng đồng chủ động phòng, tránh, ứng phó thiên tai trên địa bàn tỉnh...

Trong năm 2024 và 5 tháng đầu năm 2025, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã quyết liệt triển khai các giải pháp phòng ngừa và chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản cho Nhân dân. Tuy nhiên, trong năm 2024, trên địa bàn tỉnh xảy ra 2 đợt rét đậm, rét hại, 11 đợt mưa đá, dông, lốc, mưa lớn gây thiệt hại đến người và tài sản. Từ đầu năm 2025 đến nay, trên địa bàn tỉnh cũng xảy ra 1 đợt rét đậm, rét hại, 7 đợt mưa lớn, dông, lốc, 1 sự cố sạt lở đất, đá làm thiệt hại về người và tài sản.

Thời gian tới, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh tiếp tục thực hiện phương án ứng phó với các cấp độ rủi ro thiên tai năm 2025, kế hoạch phòng, chống thiên tai giai đoạn 2021 - 2025; tổ chức kiểm tra, hướng dẫn Ban Chỉ huy cấp xã thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; tổ chức diễn tập, tuyên truyền phòng, chống thiên tai trên địa bàn tất cả các huyện nhằm nâng cao năng lực tổ chức chỉ huy, thành thục kỹ năng ứng phó và tìm kiếm cứu nạn cho các lực lượng tham gia… phấn đấu giảm thiểu thiệt hại tới mức thấp nhất.

Tại cuộc họp cũng đã thông qua dự thảo điều chỉnh Quy chế làm việc của Ban Chỉ huy tỉnh; dự thảo điều chỉnh, bổ sung phương án ứng phó với thiên tai năm 2025; dự thảo Kế hoạch kiểm tra công tác ứng phó, phòng, chống thiên tai năm 2025.

Thảo luận tại cuộc họp, các đại biểu tập trung vào kết quả công tác PCTT&TKCN năm 2024 và 5 tháng đầu năm 2025, đặc biệt là ảnh hưởng của đợt mưa lớn vừa qua; đồng thời đưa ra các giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN trong thời gian tới; kiến nghị về công tác phối hợp giữa các sở, ngành, các cơ quan, đơn vị, địa phương; cơ chế vận hành, thông tin báo cáo kịp thời, huy động lực lượng, thực hiện phương châm “4 tại chỗ” trong công tác tìm kiếm, cứu nạn; các ngành, địa phương phải căn cứ vào phương án của tỉnh để xây dựng kế hoạch phương án vận hành phối hợp, hiệp đồng; cơ sở phải thực hiện tốt công tác kiểm tra nhận diện điểm có nguy cơ trượt sạt, điểm có lũ ống, lũ quét, khu vực có nguy cơ, đối tượng bị tác động; chủ động thống kê thiệt hại của người dân về nông nghiệp; tăng cường công tác kiểm tra xử lý sụt sạt kịp thời; tích cực trong công tác di dân ra khỏi vùng có nguy cơ;...

Phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Lê Văn Lương - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh nhấn mạnh về tình hình diễn biến của thời tiết trong thời gian tới và nguy cơ xảy ra thiên tai rất cao trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, đồng chí đề nghị các sở, ban, ngành, địa phương tập trung xây dựng kế hoạch, phương án ứng phó cụ thể đối với các tình huống thiên tai để tránh bị động. Trong đó phải phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong thực hiện “4 tại chỗ” để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra; không được lơ là, chủ quan, cảnh báo nguy cơ, có biện pháp mạnh đối với những trường hợp không chấp hành; thành lập, kiện toàn Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai cấp xã sau khi có thay đổi về đơn vị hành chính, bảo đảm đúng quy định pháp luật và phù hợp với tình hình thực tế. Việc kiện toàn cần được thực hiện kịp thời, thống nhất theo hướng dẫn nhằm bảo đảm không để xảy ra khoảng trống trong công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống thiên tai ở cơ sở. Các sở, ngành tổ chức kiểm tra, hướng dẫn Ban Chỉ huy cấp xã thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai…