• :
  • :
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngân hàng Lai Châu Kỷ niệm 60 năm thành lập và Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2023

(laichau.gov.vn)

Sáng nay (7/1), Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh tổ chức Kỷ niệm 60 năm thành lập Ngân hàng Lai Châu và Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2023. Đồng chí Giàng A Tính - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu dự và chỉ đạo tại buổi Lễ.

Đồng chí Giàng A Tính - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu tặng lẵng hoa chúc mừng tại Lễ Kỷ niệm.

Dự buổi Lễ có các đồng chí Nguyễn Văn Luận - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Lai Châu; đại diện Công đoàn Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; lãnh đạo các Ngân hàng Thương mại, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh và cán bộ, công chức, viên chức ngành Ngân hàng Lai Châu…

Đồng chí Nguyễn Văn Luận - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Lai Châu trình bày diễn văn tại Lễ Kỷ niệm.

Diễn văn Kỷ niệm 60 năm thành lập Ngân hàng Lai Châu do đồng chí Nguyễn Văn Luận - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh trình bày nêu rõ: Cách đây 60 năm, ngày 08/01/1963 Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - nay là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ký Quyết định số 11/QĐ, giải thể Chi nhánh Khu tự trị Thái Mèo, thành lập 3 Chi nhánh Ngân hàng tỉnh Nghĩa Lộ, Lai Châu, Sơn La. Chi nhánh Ngân hàng Lai Châu phụ trách các chi điếm: Điện Biên, Tuần Giáo, Tủa Chùa, Mường Tè, Sình Hồ, Phong Thổ, Mường Lay. Sự kiện này là một dấu son lịch sử của hoạt động Ngân hàng Lai Châu, mở ra một trang sử cho sự nghiệp xây dựng và phát triển Ngân hàng Lai Châu.

Ngày 26/11/2003, tại Kỳ họp thứ tư Quốc hội khoá 11 đã ban hành Nghị quyết 22/2003/QH11 về việc chia và điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh, trong đó có tỉnh Lai Châu và được chia tách từ đầu năm 2004. Trên cơ sở đó, hệ thống Ngân hàng được tái thành lập theo địa giới hành chính tỉnh Lai Châu mới. Kể từ khi chia tách và thành lập mới tỉnh Lai Châu đến nay, ngành Ngân hàng Lai Châu tiếp tục đoàn kết, thống nhất, phát huy truyền thống của các thế hệ cán bộ, công chức và người lao động Ngân hàng Lai Châu; vượt qua những khó khăn thách thức trong điều kiện của một tỉnh mới, khó khăn cả về vật chất, con người để đưa Ngân hàng Lai Châu ngày càng phát triển và đạt được những kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Tiết mục Văn nghệ tại buổi Lễ.

Sau 19 năm nỗ lực và phấn đấu, với ý chí và quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, đem sức lực và lòng nhiệt huyết hăng say của tuổi trẻ để xây dựng Ngân hàng Lai Châu ngày càng trưởng thành, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đến nay quy mô và hoạt động của hệ thống chi nhánh các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh Lai Châu được củng cố, phát triển và lớn mạnh. Đến cuối năm 2022, tổng nguồn vốn hoạt động đạt trên 18 nghìn tỷ đồng, tăng gần 90 lần so với thời điểm mới chia tách; tổng dư nợ cho vay đạt trên 17 nghìn tỷ đồng, tăng gần 76 lần so với thời điểm mới chia tách; cơ cấu tín dụng được tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa, các dự án thủy điện, cho vay theo các chương trình tín dụng chính sách; cơ sở hạ tầng phục vụ công tác thanh toán ngày càng hiện đại, nhất là áp dụng công nghệ trong thanh toán không dùng tiền mặt, tổng giá trị thanh toán không dùng tiền mặt đạt 87% tổng thanh toán chung; nợ xấu nội bảng luôn đảm bảo ở ngưỡng an toàn dưới 2%; mạng lưới tổ chức tín dụng tăng gần 3 lần so với thời điểm chia tách tỉnh…

Ghi nhận những thành tích và kết quả đã đạt được của Ngân hàng Lai Châu trong thời gian qua, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu đã trao tặng cho các tập thể, cá nhân trong hệ thống Ngân hàng Lai Châu nhiều phần thưởng như: Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 2019), Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 2011); 6 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 2 Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ; 11 Cờ thi đua xuất sắc của tỉnh và của ngành, nhiều Bằng khen của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu…

Quang cảnh Lễ Kỷ niệm.

Cũng tại buổi Lễ, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh đã tổng kết hoạt động Ngân hàng Lai Châu năm 2022, phương hướng nhiệm vụ năm 2023. Theo đó, đến hết năm 2022, mạng lưới tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh gồm 9 tổ chức tín dụng, 2 quỹ tín dụng Nhân dân với 40 điểm giao dịch cố định. Tổng nguồn vốn hoạt động đạt 18.562 tỷ đồng, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2021, đây là mức tăng trưởng cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Tổng dư nợ đạt 17.734 tỷ đồng, tăng 9,71% so với cuối năm 2021, đây cũng là mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2016 trở lại đây. Tín dụng cho vay theo ngành, lĩnh vực ưu tiên, tín dụng chính sách xã hội và các chương trình khác tập trung vào các lĩnh vực như: Vay phát triển nông nghiệp nông thôn, xây dựng nông thôn mới, vay doanh nghiệp nhỏ và vừa, vay theo các chương trình tín dụng chính sách xã hội… Công tác tiền tệ, kho quỹ được đảm bảo, cung ứng đầy đủ, kịp thời tiền mặt ra lưu thông cả về số lượng, giá trị và cơ cấu mệnh giá các loại tiền.

Đẩy mạnh hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán, phòng chống tội phạm công nghệ cao lĩnh vực ngân hàng. Tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt đạt 87,5%/tổng giá trị thanh toán qua ngân hàng, các hình thức thanh toán chủ yếu qua ATM, POS, Internet, điện thoại di động… Công tác thanh tra, giám sát ngân hàng Nhà nước, kiểm tra, kiểm soát nội bộ các tổ chức tín dụng được tăng cường. Ngoài ra, ngành Ngân hàng Lai Châu đã thực hiện tốt công tác an sinh xã hội trên địa bàn như trực tiếp ủng hộ và làm cầu nối trên địa bàn với số tiền trên 15 tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, hỗ trợ làm nhà đại đoàn kết, hỗ trợ xây nhà tình nghĩa…

Năm 2023, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh tiếp tục đề ra các giải pháp: Tích cực tham mưu cho Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc triển khai, thực hiện các cơ chế chính sách về tiền tệ, tín dụng và ngân hàng trên địa bàn; đẩy mạnh triển khai các Chương trình, chính sách tiền tệ, tín dụng nhằm phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững; tăng cường công tác thanh tra, giám sát, phòng, chống ngăn ngừa vi phạm pháp luật lĩnh vực ngân hàng, triển khai cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu…; phấn đấu mức huy động vốn tại địa phương khối Ngân hàng Thương mại tăng từ 8% trở lên; tăng trưởng tín dụng dư nợ khối các Ngân hàng Thương mại  tăng từ 10% trở lên…

Đồng chí Giàng A Tính - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu phát biểu chỉ đạo tại buổi Lễ.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi Lễ, thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, đồng chí Giàng A Tính - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu đã đánh giá cao những nỗ lực, đóng góp của ngành Ngân hàng Lai Châu trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong 60 năm qua. Đồng chí nhấn mạnh, Nghị quyết Đại hội Đại biểu tỉnh Lai Châu lần thứ XIV xác định: Xây dựng tỉnh Lai Châu phát triển nhanh và bền vững, phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc… 

Để thực hiện được những mục tiêu, nhiệm vụ rất nặng nề đó, toàn hệ thống chính trị của tỉnh, trong đó có ngành Ngân hàng Lai Châu với vai trò là huyết mạch của nền kinh tế. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Giàng A Tính đề nghị ngành Ngân hàng Lai Châu làm tốt một số nhiệm vụ: Tiếp tục tăng cường công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực tiền tệ, hoạt động ngân hàng trên địa bàn; thực hiện có hiệu quả các giải pháp về tăng trưởng nguồn vốn, tăng trưởng tín dụng phải gắn với nâng cao chất lượng tín dụng; đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu tiền mặt cho các thành phần kinh tế cả về số lượng, giá trị và cơ cấu các loại tiền; tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn tuyệt đối kho quỹ; đấu tranh phòng, chống tội phạm sản xuất, buôn bán, vận chuyển và lưu hành tiền giả. Tiếp tục tăng cường và nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước; công tác kiểm tra, kiểm soát, kiểm toán nội bộ của các tổ chức tín dụng nhằm ngăn chặn, phát hiện và xử lý kịp thời những sai phạm, đảm bảo hệ thống ngân hàng hoạt động an toàn, hiệu quả. Tăng cường công tác xây dựng Đảng và kiện toàn bộ máy tổ chức, cán bộ thật sự trong sạch, vững mạnh, có đủ bản lĩnh, trí tuệ, phẩm chất chính trị và trình độ chuyên môn, đáp ứng yêu cầu trong thực hiện nhiệm vụ; làm cầu nối với hệ thống ngân hàng cấp trên triển khai các chương trình an sinh xã hội trên địa bàn…

Đồng chí Giàng A Tính - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu trao Bằng khen của Ban Tuyên giáo Trung ương cho Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Lai Châu.

Nhân dịp này, Ban Tuyên giáo Trung ương đã tặng Bằng khen cho Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Lai Châu vì có thành tích xuất sắc trong Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2022; UBND tỉnh Lai Châu tặng Bằng khen cho 5 tập thể, 10 cá nhân vì có thành tích tiêu biểu trong hoạt động Ngân hàng nhân kỷ niệm 60 năm thành lập Ngân hàng Lai Châu.

Đồng chí Giàng A Tính - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu trao Bằng khen cho các tập thể...
...và các cá nhân có thành tích tiêu biểu nhân Kỷ niệm 60 năm thành lập Ngân hàng Lai Châu.

Cũng tại buổi Lễ, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đã hỗ trợ 5 tỷ đồng kinh phí đầu tư xây dựng Trường Mầm non xã Nậm Mạ, huyện Sìn Hồ và Trường Mầm non xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ.

Đại diện Công đoàn ngành Ngân hàng trao biểu trưng hỗ trợ đầu tư, xây dựng trường học cho các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo huyện Sìn Hồ và Phong Thổ.  

Tác giả: Nguyễn Nga
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 6.353
Hôm qua : 12.022
Tháng 04 : 184.241
Năm 2024 : 855.831
Tổng số : 82.321.924