A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn: Trả lời thẳng vào vấn đề, không vòng vo, né tránh

(laichau.gov.vn)

Hôm nay (10/8), Kỳ họp thứ hai, HĐND tỉnh Lai Châu, khóa XV bước vào ngày làm việc thứ hai. Kỳ họp tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Lãnh đạo UBND tỉnh, các sở được chất vấn tại Kỳ họp lần này đã trả lời thẳng vào vấn đề, không vòng vo, né tránh. Cổng Thông tin điện tử tỉnh Lai Châu lược ghi một số câu trả lời của lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo các sở được nhiều cử tri quan tâm tại Kỳ họp.

Đại biểu Nguyễn Xuân Thức – Tổ đại biểu huyện Sìn Hồ chất vấn.

Đại biểu Nguyễn Xuân Thức – Tổ đại biểu huyện Sìn Hồ chất vấn: Theo các báo cáo của UBND tỉnh đến năm 2020 toàn tỉnh có 7.300 ha chè, giai đoạn 2021-2026 theo Nghị Quyết của Đảng bộ tỉnh, HĐND tỉnh, tổng diện tích chè là 10.000 ha và cây chè đang được xác định là cây chủ lực của tỉnh. Tuy nhiên đang tồn tại những vấn đề cần được sự quan tâm của cơ quan quản lý Nhà nước. Các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất chè trên địa bàn tỉnh hiện nay chủ yếu sản xuất, chế biến thô để bán lại cho các doanh nghiệp ở địa phương khác tiêu thụ, một số ít doanh nghiệp ủy thác cho các doanh nghiệp khác để xuất khẩu thô với giá rẻ, trong khi đó trên địa bàn tỉnh đã có 7 sản phẩm chè có nhãn hiệu được công nhận, có sản phẩm đạt OCOP 4 sao, nhưng việc sản xuất, chế biến các sản phẩm chè đã có nhãn hiệu nhằm đáp ứng thị trường tiêu thụ ở trong nước, trong tỉnh còn rất hạn chế. Đề nghị ông Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Với trách nhiệm của người tham mưu cho UBND tỉnh về lĩnh vực nông nghiệp ông nhận định thế nào về những vấn đề nêu trên? Định hướng của UBND tỉnh trong thời gian tới?

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Trọng Hải trả lời chất vấn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Trọng Hải trả lời chất vấn: Khi chia tách tỉnh năm 2004, toàn tỉnh có trên 3.800 ha chè, thời điểm này, cây chè rớt giá, không được quan tâm đầu tư thâm canh, nên trên 3.800 ha chè không đảm bảo chất lượng. Đến thời điểm năm 2014 qua tiếp xúc cử tri, qua đánh giá, khảo sát, Tỉnh thấy rằng cây chè là cây xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn tỉnh, tạo công ăn, việc làm, tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế, xã hội. Vì vậy, năm 2014, thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, Nghị quyết của HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ giá giống trồng mới, trồng tái canh, hỗ trợ cây trồng xen và mở đường giao thông phục vụ sản xuất. Tính đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 7.802 ha chè, trong đó diện tích chè kinh doanh đạt 4.705 ha, tổng sản lượng chè búp tươi đạt trên 35.000 tấn. Toàn tỉnh có 52 cơ sở chế biến, trong đó có 14 cơ sở chế biến quy mô lớn và vừa (từ 15 tấn chè búp tươi/ngày trở lên); có 03 đơn vị gồm: Công ty Cổ phần chè Tam Đường, Công ty Cổ phần trà Than Uyên và Công ty Cổ phần chè Hồng Đức đã đầu tư công nghệ chế biến sâu (chiếm khoảng 5-7% tổng sản lượng toàn tỉnh). Ngoài ra còn có 38 cơ sở mini sơ chế chè búp tươi thành sản phẩm chè khô sao lăn. Có 5.378 ha/7.802 ha được liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm bởi 16 doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh.

Về giá chè, hiện nay tại điểm thu mua mà người dân được bán trực tiếp giá từ khoảng 4.000-6.000 đồng/kg, bán tại nhà máy chè khoảng 6.500 đồng/kg (chè Kim Tuyên khoảng từ 11.000-12.000 đồng/kg). Về giá sản phẩm chế biến thô thì hiện nay chè sao lăn mà chế biến sâu bán trên thị trường bình quân khoảng từ 110.000-120.000 đồng/kg; những sản phẩm chế biến sâu có nhãn mác, bao bì bình quân 300.000-400.000 đồng/kg; chè chất lượng cao hiện nay bán với giá khoảng 1,5 triệu đồng/kg.

Về thị trường, sản phẩm chè của tỉnh chủ yếu là xuất khẩu sang thị trường Trung Đông, Đài Loan, trong đó xuất khẩu trực tiếp đạt 40% sản lượng với các dạng sản phẩm chè, cung cấp cho các doanh nghiệp tỉnh khác để chế biến, xuất khẩu đạt 55%, tiêu thụ nội tỉnh 5-7%.

Hiện nay tỉnh Lai Châu có 10 sản phẩm chè được công nhận sản phẩm OCOP. Tuy nhiên những sản phẩm này mang tính đặc sản đặc hữu của vùng miền, những sản phẩm này mới bước đầu xây dựng thương hiệu, tìm kiếm đối tác, thị trường để tiến tới nâng cấp tiêu chuẩn, quy mô, chất lượng sản phẩm với thị trường lớn và ổn định hơn trong và ngoài nước.

Nguyên nhân là do phần lớn các doanh nghiệp chế biến chè trên địa bàn tỉnh là doanh nghiệp nhỏ, năng lực về quản lý, tài chính, thị trường còn hạn chế; các chính sách hỗ trợ hiện nay cơ bản tập trung hỗ trợ về giống và chuẩn bị đất, dẫn đến không chế biến sâu được mà chỉ chế biến thô và tỉnh không thu được ngân sách. Thiết bị, công nghệ chế biến cũ, lạc hậu (các cơ sở sản xuất vẫn chủ yếu sử dụng than đốt để sấy chè búp tươi, dẫn tới chi phí lớn, chất lượng sản phẩm không cao).

Khó khăn là do phụ thuộc vào thị trường truyền thống như: Đài loan, Pakistan, Trung đông..., chưa có điều kiện tìm hiểu, tiếp cận mở rộng thị trường mới, do phải thay đổi để thích ứng, đặc biệt là tiêu chuẩn chất lượng, dây truyền công nghệ chế biến sản phẩm, nội lực các doanh nghiệp còn hạn chế. Chưa tìm được đối tác, thị trường mới, chưa có điều kiện nghiên cứu về phân khúc các thị trường nên chưa mạnh dạn thay đổi dây truyền, công nghệ chế biến, đa dạng hóa sản phẩm...

Về định hướng trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Trọng Hải cho biết: Sản phẩm chè Lai Châu có chất lượng do ưu thế về thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng có thể phát triển thành các sản phẩm chế biến sâu, đưa vào phân khúc thị trường cao cấp; bên cạnh thị trường nước ngoài, cần nghiên cứu, cung cấp cho thị trường trong nước với tiềm năng gần 100 triệu dân. Để phát triển hiệu quả, bền vững, nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cao, thời gian tới Tỉnh chỉ đạo tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp sau: Giao Sở Công Thương chủ trì nghiên cứu nhu cầu, tiêu chuẩn của thị trường chè trong và ngoài nước, tham mưu định hướng về yêu cầu, tiêu chuẩn của thị trường, từ đó định hướng và tổ chức sản xuất, công nghệ chế biến, tiêu chuẩn sản phẩm… gắn với thị trường tiêu thụ. Giao Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì xây dựng, định hướng các tiêu chuẩn về chất lượng, chỉ dẫn, mẫu mã sản phẩm… theo yêu cầu thị trường để triển khai thực hiện. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, hướng dẫn tổ chức sản xuất, quy trình kỹ thuật theo định hướng về thị trường, tiêu chuẩn, công nghệ… Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, tổ chức quảng bá xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư chế biến sâu sản phẩm chè.

Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn, định hướng các doanh nghiệp chè có cam kết về lộ trình thay đổi, nâng cấp dây truyền công nghệ, hỗ trợ tìm kiếm thị trường, tổ chức liên kết sản xuất, chế biến theo các tiêu chuẩn của thị trường, đa dạng hóa sản phẩm chế biến sâu tham gia vào các phân khúc thị trường, nâng cao hiệu quả kinh tế trong chuỗi giá trị sản phẩm. Đề xuất lồng ghép các chính sách hỗ trợ, khuyến công để giúp các doanh nghiệp có điều kiện thay đổi dây truyền, công nghệ để đầu tư chế biến sâu sản phầm chè. Khi phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến mới, UBND tỉnh sẽ yêu cầu chủ đầu tư phải đảm bảo công nghệ chế biến sâu, xây dựng thương hiệu, đa dạng hóa sản phẩm, gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Quang cảnh Kỳ họp.

Đại biểu Nguyễn Xuân Thức – Tổ đại biểu huyện Sìn Hồ chất vấn: Hiện nay, theo báo cáo của UBND tỉnh năm 2019, năng suất chè đạt 74 tạ/ha, năm 2020 đạt 74 tạ/ha, ước năm 2021 chỉ đạt 73 tạ/ha, như vậy năng suất chè hiện đang giảm. Đồng chí nhận thấy vấn đề này như thế nào? nguyên nhân, xu thế trong thời gian tới?

Hiện nay tỉnh chưa có vùng sản xuất hữu cơ (an toàn) nhiều, chưa vào được các thị trường khó tính. Việc thực hiện sản xuất vùng chè nguyên liệu an toàn, RA, hữu cơ, VietGap còn rất hạn chế: toàn tỉnh hiện có khoảng 1.600/7.800 ha sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn chiếm 20% trong đó sản xuất theo tiêu chuẩn RA 161 ha, hữu cơ 28 ha, VietGap 40 ha đã được công nhận, còn 430 ha đang thực hiện theo tiêu chuẩn VietGap, 1.000 ha theo tiêu chuẩn ISO chưa được chứng nhận. Đề nghị ông Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Với trách nhiệm của người tham mưu cho UBND tỉnh về lĩnh vực nông nghiệp ông nhận định thế nào về những vấn đề nêu trên? Định hướng của UBND tỉnh trong thời gian tới?

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Trọng Hải trả lời chất vấn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Trọng Hải trả lời chất vấn:

Về năng suất chè bình quân của Lai Châu giảm so với các năm là do: Về quy trình trong sản xuất nông nghiệp, những diện tích chè cho năng suất đạt ngưỡng kinh tế bắt đầu từ năm thứ 12 trở ra; khi mở rộng diện tích trồng chè mới thì hết 3 năm đầu tư và năm thứ 4 thì hết thời gian kiến thiết cơ bản và đưa vào kinh doanh, những diện tích này những năm đầu năng suất thu hái thấp, từ đó kéo theo năng suất bình quân toàn tỉnh thấp hơn năm trước. Khi diện tích chè ổn định, năng suất bình quân sẽ tăng dần hàng năm. Như vậy, khi phát triển vùng nguyên liệu càng nhiều, thì năng suất các năm đầu của diện tích chè trồng mới này thấp và chưa đạt ngưỡng kinh tế, mà tăng dần. Từ khi chia tách đến nay, tỉnh Lai Châu đã phát triển trên 5.000 ha chè, như vậy những năm đầu năng suất bình quân sẽ giảm, khi đến ngưỡng kinh tế thì năng suất chè bình quân sẽ tăng. 

Về vướng mắc trong xây dựng các tiêu chuẩn vùng sản xuất an toàn: Hiện nay, trong chỉ đạo của Tỉnh, bắt đầu từ những chính sách mới, trong định mức xây dựng kinh tế, kỹ thuật mà hỗ trợ cho các doanh nghiệp và người dân, tỉnh Lai Châu đã xóa dần hỗ trợ phân vô cơ (tức là phân bón hóa học), hướng tới hỗ trợ phân hữu cơ để hướng tới nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, tạo điều kiện, tạo lợi thế cho các doanh nghiệp sau này vào chế biến sâu. Đồng thời hướng người nông dân thói quen tổ chức theo sản xuất an toàn, khi các doanh nghiệp vào đầu tư thì xây dựng tiêu chuẩn theo yêu cầu của nhà đầu tư gắn thị trường của họ.

Nếu được đại biểu HĐND và cử tri ủng hộ, hướng tới định hướng thay đổi dây truyền công nghệ, tăng thu nhập, tăng giá trị, tăng quảng bá hình ảnh của Lai Châu trong sản phẩm chè và các sản phẩm chủ lực khác; thì qua diễn đàn này, qua tiếp xúc cử tri, UBND tỉnh mong muốn các đại biểu HĐND tỉnh ủng hộ, tuyên truyền thông điệp đến các cử tri, doanh nghiệp các định hướng của tỉnh trong thời gian tới; về yêu cầu trong chế biến sâu để doanh nghiệp chủ động trong chiến lược kinh doanh của mình; về các sản phẩm được sản xuất an toàn trên địa bàn tỉnh để cử tri và Nhân dân quan tâm, sử dụng. Qua đó, góp phần quảng bá các sản phẩm của tỉnh, đưa sản phẩm chè của tỉnh lên 1 vị thế mới, tạo điều kiện cho UBND tỉnh khi tổ chức thực hiện, đáp ứng được mong mỏi của cử tri và HĐND tỉnh.

Đại biểu Mùa A Dính, tổ đại biểu huyện Sìn Hồ chất vấn.

Đại biểu Mùa A Dính, tổ đại biểu huyện Sìn Hồ chất vấn: Các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc tích tụ đất đai, một phần không thống nhất được với Nhân dân về giá thuê đất (đối với đất ruộng), nhưng phần lớn việc xác định quyền sở hữu về đất nương rẫy của Nhân dân còn chồng lấn, nằm trong diện tích đất rừng phòng hộ đã giao cho Ban Quản lý rừng phòng hộ.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Mai Văn Thạch trả lời chất vấn

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Mai Văn Thạch trả lời chất vấn: Thực hiện Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 12/2019/NQ-HĐND ngày 23/7/2019 quy định chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, trong đó có cơ chế, chính sách tập trung đất đai, doanh nghiệp, hợp tác xã có thể thống nhất với người dân lựa chọn theo 03 hình thức (nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất) để hình thành vùng nguyên liệu tập trung đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Vậy nguyên nhân không thống nhất được về giá đất do các dự án không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất, Luật Đất đai quy định sử dụng đất thông qua hình thức nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất nhưng không quy định xử lý đối với trường hợp không thỏa thuận được gây khó khăn cho doanh nghiệp triển khai dự án. Đây là khó khăn, vướng mắc của nhiều địa phương là một trong những bất cập của Luật, Sở đã báo cáo, kiến nghị nội dung này đến cấp có thẩm quyền tổng hợp xem xét.

Nguyên nhân đất nương rẫy của Nhân dân còn chồng lấn, nằm trong diện tích đất rừng phòng hộ đã giao cho Ban Quản lý rừng phòng hộ, nội dung này đã được Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn các địa phương thực hiện tại Văn bản số 1514/STNMT-ĐĐB ngày 12/6/2020. Tuy nhiên, việc xác lập quyền sở hữu về đất nương rẫy của Nhân dân còn chồng lấn, nằm trong diện tích đất rừng phòng hộ đã giao cho Ban Quản lý rừng phòng hộ, do việc lập hồ sơ địa chính, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất qua các thời kỳ chưa được rà soát, đo đạc bản đồ địa chính chính quy.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên và kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các Nhà đầu tư trong quá trình nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Văn bản số 1805/STNMT-ĐĐB ngày 29/7/2021 thống nhất, áp dụng việc thu hồi, huỷ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp không đúng quy định để thu hồi, chỉnh lý biến động hoặc tổ chức cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng.

Sau khi triển khai kế hoạch năm 2021 Sở đang bố trí công chức, viên chức phối hợp với phòng chức năng của huyện để giải quyết, tháo gỡ về giấy tờ quyền sử dụng đất và tiếp tục đề nghị cấp có thẩm quyền bố trí nguồn lực để thực hiện.


Tác giả: Lê Dũng
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 4.812
Hôm qua : 6.019
Tháng 04 : 131.166
Năm 2024 : 802.756
Tổng số : 82.268.849