Phiên họp lần thứ hai Ban Chỉ đạo của Chính phủ về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06
Sáng nay (17/5), Ban Chỉ đạo của Chính phủ về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06 tổ chức Phiên họp lần thứ hai. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06 chủ trì Phiên họp.
Phiên họp được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến kết nối từ điểm cầu Chính phủ đến 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Dự Phiên họp tại điểm cầu tỉnh Lai Châu có đồng chí Hà Trọng Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các thành viên Ban Chỉ đạo về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06 tỉnh Lai Châu; đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; Tổ trưởng, Tổ phó và các thành viên Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia tỉnh Lai Châu, các đơn vị có liên quan.
Thực hiện Nghị quyết số 03/NQ-CP ngày 09/1/2025 và Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 1/4/2025 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, các bộ, ngành địa phương đã triển khai đồng bộ 7 nhóm nhiệm vụ đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Trong đó tập trung vào: Nâng cao nhận thức, đột phá về đổi mới tư duy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; tăng cường đầu tư, hoàn thiện hạ tầng cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước...
Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên tổng số thủ tục hành chính của cả nước tháng 4 đạt 50,4%. Đến nay, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã cung cấp 3.525 dịch vụ công trực tuyến; tháng 4 có hơn 1,6 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng dịch vụ công quốc gia.
Công tác quản trị, điều hành hoạt động của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục được duy trì, tăng cường đẩy mạnh triển khai, đưa các hoạt động lên môi trường số. Từ ngày 24/3/2025 đến ngày 24/4/2025 có 1.259.499 văn bản gửi, nhận qua Trục liên thông văn bản quốc gia, lũy kế đến nay có 50.5 triệu văn bản gửi, nhận qua hệ thống này.
Quý I năm 2025, kinh tế số lõi 8,63%, kinh tế số lan tỏa 10,09%, tỷ trọng kinh tế số trên GDP 18,72%. Ước tính, tăng trưởng kinh tế số quý I/2025 tăng trưởng khoảng 10% so với quý I/2024. Tổng doanh số toàn thị trường Thương mại điện tử Việt Nam trong 3 tháng đầu năm đạt 101.400 tỷ đồng, tăng 42,29% so với cùng kỳ năm 2024. Sản lượng tiêu thụ đạt 950,7 triệu sản phẩm, tăng 24% so với quý I/2024.
Cũng từ tháng 3/2025 đến nay, Bộ Công an ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của tỉnh, thành phố triển khai thực hiện công tác số hóa tài liệu bí mật Nhà nước phục vụ triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024. Mở đợt cao điểm 90 ngày đêm làm sạch dữ liệu hôn nhân và triển khai cắt giảm thủ tục xác nhận tình trạng hôn nhân.

Các bộ, ngành, địa phương đã hoàn thành tích hợp 56/76 thủ tục hành chính thiết yếu trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Đã có 63/63 địa phương đã thực hiện chi trả chế độ an sinh xã hội cho 2,9 triệu đối tượng với hơn 33 nghìn tỷ đồng; thực hiện chi trả bảo hiểm xã hội qua thẻ ATM cho khoảng 80% số người hưởng, nhận các chế độ bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp; 700 điểm đỗ xe, bãi đỗ xe tĩnh trên toàn quốc triển khai giải pháp thu phí không dùng tiền mặt…
Đồng thời, công tác cải cách hành chính tiếp tục được quan tâm triển khai, trong 4 tháng đầu năm 2025, Quốc hội đã thông qua 4 Luật và 18 Nghị quyết; Chính phủ ban hành hơn 100 Nghị định, qua đó tiếp tục hoàn thiện thể chế, góp phần quan trọng trong tiến trình xây dựng pháp luật, phục vụ cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Tỷ lệ rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh lũy kế từ năm 2021 đến nay đạt 20,56%.
Trong 4 tháng đầu năm 2025, Quốc hội đã ban hành 1 Nghị quyết về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước; 4 Nghị quyết về việc sắp xếp tổ chức bộ máy của Quốc hội, Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; đặc biệt là Nghị quyết về cơ cấu tổ chức của Chính phủ. Theo đó, cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 gồm có 17 bộ, cơ quan ngang bộ (giảm 5 bộ, ngành so với trước khi thực hiện sắp xếp). Sau sắp xếp, số lượng cơ quan thuộc Chính phủ là 5 cơ quan (giảm 3 cơ quan).
Theo tổng hợp từ hồ sơ Đề án của các địa phương, dự kiến sau sắp xếp, cả nước giảm 6.714 đơn vị hành chính cấp xã, tương ứng với 66,91% (bảo đảm tỷ lệ giảm theo quy định của Trung ương là từ 60% - 70%, từ 10.035 đơn vị hành chính cấp xã xuống còn 3.321 đơn vị hành chính cấp xã).
Thảo luận tại Phiên họp, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung vào những khó khăn, vướng mắc và đề xuất một số giải pháp nhằm triển khai thực hiện phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06…
Phát biểu kết luận Phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06 đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm: Đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ gắn với đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục hành chính, lấy người dân, doanh nghiệp làm chủ thể; tăng cường hợp tác công tư huy động nguồn lực cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; thần tốc, táo bạo trong lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành; quan tâm kiểm tra giám sát gắn với xử lý các vấn đề phát sinh nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện. Đẩy mạnh 3 đột phát chiến lược số gồm thể chế số, hạ tầng số, nhân lực số.
Đồng thời, tiếp tục nâng cao nhận thức phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; rà soát xây dựng, hoàn thiện thể chế chính sách, đảm bảo nguồn lực cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo. Chủ động xây dựng các đề án, kế hoạch, dự án phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; khẩn trương triển khai các đề án, dự án triển khai phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo. Thực hiện số hóa các hoạt động trong chỉ đạo điều hành, trong lĩnh vực giáo dục, y tế… đảm bảo kết nối với dữ liệu quốc gia theo phân cấp quản lý và chức năng, nhiệm vụ của từng bộ, ngành, địa phương...