Phiên họp thứ hai Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ trực tuyến với các địa phương
Sáng nay (16/10), tại thành phố Hồ Chí Minh, Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ họp phiên thứ hai Hội nghị chuyên đề đánh giá về tình hình và kết quả triển khai các giải pháp đổi mới trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp tại các bộ, ngành, địa phương bằng hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến kết nối tới 63 điểm cầu các tỉnh, thành trong cả nước. Đồng chí Trần Lưu Quang - Phó Thủ tướng Chính phủ, Tổ trưởng Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ chủ trì Phiên họp.
Dự tại điểm cầu tỉnh Lai Châu có đồng chí Tống Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh Lai Châu; đại diện lãnh đạo các sở, ngành, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh. Tại điểm cầu các huyện, thành phố có lãnh đạo UBND huyện, thành phố cùng lãnh đạo các cơ quan chuyên môn.
Thời gian qua, việc thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công đã có nhiều chuyển biến tích cực, bước đầu đã gắn kết với chuyển đổi số theo hướng người dân, doanh nghiệp chỉ cung cấp thông tin một lần, chất lượng phục vụ, mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp ngày một được cải thiện. Thực hiện Đề án 06 đã có 15 bộ, ngành và 63/63 địa phương đã hoàn thành kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công như xác thực, định danh, bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy. Đến thời điểm hiện nay, theo báo cáo của Bộ, ngành và địa phương, cả nước đã thành lập tổng số 11.956 bộ phận một cửa các cấp để tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính…

Bên cạnh đó, các bộ, ngành địa phương tập trung đẩy mạnh số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính; đổi mới tổ chức quản lý, kết nối, chia sẻ, sử dụng dữ liệu phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công; giải quyết thủ tục hành chính không phụ thuộc vào địa giới hành chính. 9 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hoặc sớm hạn của địa phương đạt 90%, của bộ, ngành đạt 50,2% (tăng 10% so với cùng kỳ năm 2022); mức độ hài lòng trong xử lý phản ánh, kiến nghị của địa phương đạt 93%, của bộ, ngành đạt 76,6%.

Tại tỉnh Lai Châu, thời gian qua, các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh thường xuyên rà soát, đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tỷ lệ thời gian cắt giảm trung bình đạt 37,36% nhằm phục vụ tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp; đến nay, theo Bộ chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp, tỉnh Lai Châu xếp hạng thứ 13/63 tỉnh, thành phố; mức độ hài lòng xếp thứ 1/63 tỉnh, thành phố; triển khai chứng thực điện tử xếp thứ 4/63 tỉnh, thành phố; tỷ lệ thanh toán trực tuyến xếp thứ 15/63 tỉnh, thành phố; tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến đạt 66,2%; tỷ lệ hồ sơ cấp kết quả điện tử chiếm 38%; tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đạt 81%. Thực hiện Đề án 06, tỉnh đã hoàn thành việc thu nhận kích hoạt định danh điện tử theo chỉ tiêu Bộ Công an giao; tổ chức thành công Hội thi tìm hiểu cải cách hành chính Nhà nước tỉnh Lai Châu năm 2023 và Hội nghị gặp mặt doanh nhân, đối thoại doanh nghiệp...
Tại Phiên họp, các đại biểu đã tập trung thảo luận đánh giá về tình hình và kết quả triển khai các giải pháp đổi mới trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp tại các bộ, ngành, địa phương trong thời gian qua và đưa những giải pháp nhằm thực hiện tốt hơn nữa trong thời gian tới.

Phát biểu kết luận Phiên họp, đồng chí Trần Lưu Quang - Phó Thủ tướng Chính phủ, Tổ trưởng Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, địa phương, thành viên Tổ công tác tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao; tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị về nâng cao chất lượng phục vụ trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp, trong đó, xác định việc hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công là căn cứ đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu và cơ quan, đơn vị hàng năm; kịp thời nắm bắt và xử lý dứt điểm những vướng mắc, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong thực hiện cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công; chủ động đổi mới, nâng cao hiệu quả, năng suất lao động của Bộ phận Một cửa theo thẩm quyền...