• :
  • :
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Phiên toàn thể Diễn đàn cấp cao về Công nghiệp 4.0 lần thứ ba

(laichau.gov.vn)

Sáng nay (6/12), Ban Kinh Tế Trung ương phối hợp với các Ban, Bộ ngành Trung ương tổ chức Phiên toàn thể Diễn đàn cấp cao về Công nghiệp 4.0 lần thứ ba với chủ đề “Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bền vững thời kỳ hậu Covid-19 và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong kỷ nguyên số”. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo Diễn đàn.

Các đại biểu dự Diễn đàn tại điểm cầu tỉnh Lai Châu.

Các đồng chí Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị - Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương chủ trì Diễn đàn. Dự Diễn đàn có đại diện lãnh đạo các bộ, ban ngành Trung ương, đại diện các đại sứ tại Việt Nam, các chuyên gia, diễn giả trong nước và quốc tế… Diễn đàn được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến tới điểm cầu của 63 tỉnh, thành trong cả nước và các điểm cầu trong nước, quốc tế qua phần mềm Zoom cloud meetings.

Dự Diễn đàn tại điểm cầu tỉnh Lai Châu có đồng chí Lê Văn Lương - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Giàng A Tính - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành tỉnh và các đơn vị có liên quan.

Diễn đàn cấp cao về Công nghiệp 4.0 là sự kiện quan trọng hướng tới mục tiêu tập hợp ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học trong nước và quốc tế phục vụ xây dựng đề án “Chủ trương chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045″ trình Hội nghị Trung ương lần 6 vào tháng 10 năm 2022 theo phân công tại Chương trình làm việc của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, đồng thời, tham gia đề xuất, góp ý đối với định hướng khung chính sách của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ hậu dịch bệnh Covid-19.

Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với mục tiêu khôi phục nhanh các chuỗi sản xuất, cung ứng lao động và thúc đẩy các động lực tăng trưởng, phấn đấu mục tiêu tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2025 khoảng 6,5-7%/năm; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn trong trung và dài hạn. Phục hồi phát triển nhanh sản xuất kinh doanh nhất là các ngành, lĩnh vực quan trọng, chú trọng tiết giảm chi phí, hỗ trợ dòng tiền, bảo đảm tính chủ động cho doanh nghiệp và tạo thuận lợi cho người dân trên cơ sở thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, người lao động, nhất là người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, góp phần giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội…

Để thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam sẽ tập trung thực hiện 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp: Thực hiện lộ trình mở cửa nền kinh tế gắn với phòng, chống dịch bệnh Covid-19; an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm; hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; phát triển kinh tế kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển; hoàn thiện cơ chế, chính sách, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh…

Trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao về công nghiệp 4.0 được tổ chức từ ngày 5/11 với 10 phiên hội thảo chuyên đề do các chuyên gia, diễn giả trong nước và quốc tế trình bày. Chuỗi 10 phiên hội thảo chuyên đề đã tập trung về các chủ đề xoay quanh chủ đề chính của diễn đàn như: Tư duy và cách tiếp cận mới về công nghiệp hóa, hiện đại hóa; phát triển sản xuất thông minh; phát triển đô thị thông minh; phát triển năng lượng xanh và các năng lượng mới; phát triển các mô hình kinh doanh mới; xây dựng Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số; phát triển hạ tầng số và thúc đẩy ứng dụng công nghệ số; chuyển đổi lao động và phát triển nguồn nhân lực số; chuyển đổi số nông nghiệp - nông thôn; phát triển ngân hàng thông minh trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045…

Tại Diễn đàn, các đại biểu được nghe các chuyên gia, diễn giả trong nước và quốc tế trình bày một số vấn đề liên quan đến khung chính sách phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bền vững gắn với chiến lược phòng, chống dịch Covid-19; Công nghiệp 4.0: Xu hướng toàn cầu và bài học cho Việt Nam; đổi mới sáng tạo - chìa khóa phục hồi và phát triển thời kỳ hậu Covid-19...

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn.

Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đánh giá cao những phát biểu, đóng góp của các chuyên gia, diễn giả trong nước và quốc tế; cảm ơn sự quan tâm hợp tác, giúp đỡ hỗ trợ và chia sẻ những kinh nghiệm trong phát triển kinh tế - xã hội nhất là sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế cho công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Diễn đàn có ý nghĩa quan trọng trong việc định hướng phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với bối cảnh và yêu cầu phát triển mới. Động lực phát triển kinh tế - xã hội dựa trên 2 trụ cột chính là nội lực (phát huy tính tự lực, tự cường của dân tộc) và ngoại lực là giải pháp đột phá; phát huy hài hòa giữa kinh tế và văn hóa, phát triển văn hóa dưới công nghệ số, xã hội số, công dân số. Về xây dựng thể chế cần tập trung tháo gỡ những vướng mắc, những vấn đề mới đặt ra cho phù hợp với thực tiễn. Đồng thời, quan tâm đầu tư khai thác hạ tầng giao thông đi trước 1 bước, phát triển hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vừa mang tính trước mắt và lâu dài. Nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho Nhân dân, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho phát triển đất nước...


Tác giả: Thanh Hoa
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 154
Hôm qua : 6.608
Tháng 03 : 224.058
Năm 2024 : 654.893
Tổng số : 82.120.986