A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

“Chìa khóa vàng” cho phát triển bền vững vùng cao

(laichau.gov.vn)

Những năm qua, xác định xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số là một trong những nhiệm vụ quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh tại địa phương, tỉnh Lai Châu đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số. Từ đó góp phần đưa đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trở thành cầu nối quan trọng giữa chính quyền với cộng đồng dân tộc thiểu số, thúc đẩy khối đại đoàn kết dân tộc và có những đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đây được coi là “chìa khóa vàng” cho sự phát triển bền vững vùng cao.

Các hoạt động của chị Hoàng Thị Vân Quỳnh - Chủ tịch UBND xã  Mường Than tại cơ sở.

Vai trò then chốt của cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số

Chúng tôi tìm đến xã Mường Than, huyện Than Uyên, nơi có 12 thôn bản, 02 bản đặc biệt khó khăn với trên 8.900 nhân khẩu và 3 dân tộc cùng chung sống là dân tộc Thái, Kinh và dân tộc Mông, trong đó dân tộc Thái chiếm đa số với 67%. Là cán bộ người dân tộc Thái, sinh ra và lớn lên tại huyện Than Uyên, chị Hoàng Thị Vân Quỳnh - Chủ tịch UBND xã  Mường Than hiểu rõ những khó khăn của địa phương, luôn tranh thủ sự chỉ đạo của các cấp lãnh đạo để triển khai thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Chị Quỳnh chia sẻ: Bản thân tôi luôn cố gắng gương mẫu, gần gũi và sâu sát cơ sở, phát huy thế mạnh là người địa phương am hiểu về tiếng nói, phong tục tập quán của các dân tộc thiểu số trên địa bàn. Từ đó vận dụng, điều hành các chương trình, dự án đặc thù, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân. Điển hình như chương trình xây dựng nông thôn mới. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên xã đã huy động được Nhân dân tự nguyện hiến đất để làm đường giao thông nông thôn; đóng góp công sức, tham gia san lấp lề đường giao thông, trồng cây xanh dọc QL 32; giữ gìn vệ sinh môi trường, đăng ký thu gom rác thải. Bản thân tích cực tham gia các hoạt động của xã và thôn bản, đồng hành cùng bà con khắc phục khi thiên tai xảy ra, vận động bà con chữa cháy rừng, trồng cây vụ đông… Nhờ vậy, nhiều hộ trong xã tập trung làm ăn, vươn lên thoát nghèo; tích cực thực hiện các thiết chế văn hóa; giữ gìn an ninh chính trị, trật tự xã hội.

Nhờ những đóng góp tích cực của bản thân, chị Quỳnh cùng đội ngũ cán bộ, công chức xã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần đưa kinh tế - xã hội của xã Mường Than có nhiều bước phát triển đáng kể. Đời sống người dân nơi đây được cải thiện rõ rệt: Năm 2021, thu nhập bình quân đầu người của xã là 42 triệu đồng/người/năm; đến năm 2024 tăng lên 48,5 triệu đồng/người/năm; tổng thu ngân sách hàng năm đều đạt kế hoạch. Đáng nói, xã đã thực hiện thành công 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, cơ sở hạ tầng được đầu tư đúng mức, tạo diện mạo mới cho Mường Than hôm nay.

Có thể khẳng định, cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số là lực lượng nòng cốt trong việc đưa chính sách của Đảng và Nhà nước đến gần hơn với đồng bào dân tộc thiểu số thông qua công tác vận động, tuyên truyền. Nhờ kiến thức sâu sắc về địa phương, phản ánh nhanh chóng những bất cập, khó khăn mà người dân gặp phải, từ đó đề xuất các giải pháp sửa đổi, điều chỉnh để phù hợp hơn với thực tế, nâng cao tính khả thi của các chủ trương, chính sách… Đồng thời, cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số còn đóng góp tích cực vào công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tham gia giải quyết các mâu thuẫn phát sinh trong nội bộ, ngăn ngừa các tệ nạn xã hội, bảo vệ biên giới, góp phần bảo vệ an ninh trật tự tại cơ sở.

Đồng chí Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Giàng Páo Mỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Trọng Hải trò chuyện với các đại biểu HĐND tỉnh là cán bộ người dân tộc thiểu số.

Quan tâm phát triển đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số

Xác định được tầm quan trọng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số, những năm qua, tỉnh Lai Châu thực hiện tốt chính sách ưu tiên trong tuyển dụng người dân tộc thiểu số ở địa phương để đảm bảo nguồn công chức, viên chức phục vụ lâu dài tại tỉnh. Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 15/3/2021 của Tỉnh ủy xác định hàng năm dành 40% chỉ tiêu để tuyển dụng riêng người dân tộc thiểu số. Kết quả, từ năm 2020 đến nay toàn tỉnh đã tuyển dụng được 1.023 công chức, viên chức, trong đó 93 công chức (dân tộc thiểu số 51 người, chiếm 54,83%), 930 viên chức (dân tộc thiểu số 592 người, chiếm 64%).

Công tác luân chuyển, điều động để đào tạo, rèn luyện đội ngũ cán bộ nói chung, cán bộ người dân tộc thiểu số nói riêng được quan tâm thực hiện. Đã luân chuyển từ tỉnh về giữ chức vụ Phó Bí thư cấp ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện và cơ quan hành chính Nhà nước; lựa chọn cán bộ ở các phòng, ban của huyện, thành phố có năng lực, uy tín, hoàn thành tốt nhiệm vụ, đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định để luân chuyển về giữ các chức vụ chủ chốt ở cấp xã và luân chuyển giữa các xã. Các cơ quan, đơn vị, địa phương đã tập trung rà soát, cử cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số đi đào tạo, bồi dưỡng cả về chuyên môn, nghiệp vụ và lý luận chính trị. Từ năm 2020 đến nay, đã cử 10.150 lượt cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số đi đào tạo, bồi dưỡng.

Cùng với đó là quan tâm quy hoạch cán bộ người dân tộc thiểu số vào các chức danh lãnh đạo, quản lý các cơ quan, đơn vị; gắn quy hoạch cán bộ cấp xã với quy hoạch cấp huyện. Đến nay, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số cơ bản đủ về số lượng, chất lượng được nâng lên. Toàn tỉnh có 5.916 cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số (chiếm 37,39% so với tổng số cán bộ, công chức, viên chức).

Có thể thấy, công tác xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số tại Lai Châu không chỉ là nhiệm vụ quan trọng mà còn là yếu tố quyết định, là “chìa khóa vàng” cho sự phát triển bền vững của địa phương. Với sự lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ từ chính quyền, sự hỗ trợ của Trung ương và sự nỗ lực của bản thân đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số, tỉnh Lai Châu có thể kỳ vọng vào một đội ngũ cán bộ vừa có tâm, vừa có tầm, góp phần thúc đẩy sự phát triển toàn diện trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.


Tác giả: Đinh Lan
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 4.850
Hôm qua : 4.933
Tháng 02 : 17.655
Năm 2025 : 168.339
Tổng số : 84.125.272