Bảo vệ lợi ích người tiêu dùng: Nỗ lực chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại Lai Châu
Năm 2024, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tiếp tục được các cơ quan chức năng triển khai quyết liệt, bài bản trên nhiều mặt trận. Ban Chỉ đạo 389 (Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả) tỉnh Lai Châu đã phối hợp chặt chẽ giữa các thành viên, các đơn vị chức năng nhằm nâng cao hiệu quả kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các vi phạm, góp phần bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, duy trì ổn định thị trường và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, năm 2024, hoạt động mua bán, vận chuyển, tàng trữ hàng cấm, hàng lậu, hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm... vẫn còn diễn ra trên hầu hết các địa bàn trong tỉnh. Các đối tượng lợi dụng trà trộn hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ... với hàng hóa hợp pháp để bày bán công khai tại các chợ, cửa hàng, hộ kinh doanh; tập kết, cất giấu hàng cấm, hàng hóa vi phạm ở kho, bãi, địa điểm khác nhau, khi người tiêu dùng có nhu cầu mua và xét thấy an toàn thì mới bán hàng; lợi dụng các trang mạng xã hội hoặc lợi dụng dịch vụ bưu chính, chuyển phát nhanh... để trà trộn, kinh doanh, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát.
Trước tình hình trên, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh thường xuyên chỉ đạo các lực lượng chức năng chủ động xây dựng Kế hoạch, tập trung triển khai thực hiện các biện pháp đấu tranh, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm; tập trung lực lượng tuần tra, kiểm soát chặt chẽ khu vực biên giới, cửa khẩu, lối mở nhằm ngăn chặt hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng vào trong thị trường nội địa; tăng cường phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, nhóm các mặt hàng như: Ma túy, vũ khí, pháo nổ, ngoại tệ, xăng dầu, gia súc, gia cầm, thực phẩm, rượu, bia, thuốc lá, bánh kẹo, hoa quả, hàng điện tử, mỹ phẩm, thời trang... Qua đó, góp phần ngăn chặn cơ bản hoạt động buôn lậu, buôn bán hàng cấm, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, không đảm bảo an toàn thực phẩm, kiểm soát giá cả các mặt hàng thiết yếu, đảm bảo lưu thông hàng hóa, đáp ứng nhu cầu phục sản xuất và tiêu dùng của Nhân dân.
Trong năm, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã xử lý 1.721 vụ vi phạm (tăng 1,59% so với năm 2023). Trong đó có 771 vụ buôn lậu, vận chuyển hàng cấm; 937 vụ gian lận thương mại, gian lận về thuế; 13 vụ hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ; khởi tố 766 vụ, 939 đối tượng; xử lý vi phạm hành chính 936 vụ; tổng số tiền phạt thu nộp ngân sách Nhà nước 8.067,88 triệu đồng.
Trong đó, riêng Cục Quản lý thị trường - Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 đã kiểm tra 746 vụ, phát hiện, xử lý vi phạm hành chính 289 vụ với số tiền thu phạt nộp ngân sách Nhà nước là 1.435,6 triệu đồng. Trong đó, số vụ vi phạm về kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ 89 vụ tăng 49 vụ so với cùng kỳ năm 2023. Công an tỉnh đã phát hiện, bắt, tiếp nhận, khởi tố hình sự 732 vụ với 899 đối tượng về các hành vi vận chuyển, buôn bán hàng cấm Heroin, ma túy tổng hợp... và vi phạm các quy định về kinh tế, môi trường liên quan đến hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Kiểm tra, phát hiện và xử lý 181 vụ vi phạm hành chính với số tiền thu phạt nộp ngân sách Nhà nước là 1.807,2 triệu đồng...
Tại tuyến biên giới, Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu đã chỉ đạo các đơn vị, Đồn Biên phòng nắm tình hình, thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát trên các tuyến biên giới để phát hiện, xử lý kịp thời hành vi xuất nhập cảnh trái phép, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Kết quả trong năm 2024, lực lượng Biên phòng tỉnh chủ trì và phối hợp, bắt giữ, xử lý tổng số 44 vụ/58 đối tượng.
Hợp tác liên ngành được coi là một trong những giải pháp trọng tâm, đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Điển hình như ngày 5/1, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Ma Lù Thàng chủ trì, phối hợp với Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu, Công an xã Ma Li Pho, huyện Phong Thổ, Chi cục Hải quan Cửa khẩu làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát tại khu vực Mốc 67(2) + 3500 địa phận xã Ma Li Pho phá thành công chuyên án LCH 0125 bắt quả tang 5 đối tượng về hành vi vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, thu giữ 11 bao tải chứa 361,95kg lá, củ thực vật nghi là Sâm và một số tang vật liên quan.
Xác định năm 2025, giá hàng hóa, mặt hàng thiết yếu sẽ có những biến động, đặc biệt các đối tượng lợi dụng hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, lưu thông hàng hóa và nhất là xu thế mua sắm như hiện nay qua các giao dịch thương mại điện tử cả trong nước và qua biên giới để thực hiện hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, buôn bán hàng cấm, hàng giả, gian lận thương mại, gian lận thuế đối với những mặt hàng có thuế suất cao, giá trị lớn, nhất là các dịp cuối năm và giáp Tết Nguyên đán... Vì vậy, để nâng cao hiệu quả công tác trong năm 2025, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh tiếp tục xác định các nhiệm vụ trọng tâm như: Tiếp tục thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của các cấp; làm tốt công tác dự báo, nhận diện, phát hiện các hành vi vi phạm. Các lực lượng Quản lý thị trường, Công an, Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh, Cục thuế, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và một số sở, ngành liên quan, Ban Chỉ đạo 389 các huyện, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ, thường xuyên phối hợp quản lý, tăng cường kiểm tra, kiểm soát; chủ động nắm chắc diễn biến, tình hình địa bàn; tiếp tục triển khai các kế hoạch tăng cường kiểm tra tại biên giới và nội địa; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến người dân, doanh nghiệp; khuyến khích người dân tố giác các hành vi vi phạm, bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình; tăng cường chia sẻ thông tin, đồng bộ hóa quy trình xử lý nhằm tạo sức mạnh tổng hợp trong công tác phòng, chống buôn lậu, góp phần đảm bảo lưu thông hàng hóa, đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất và bảo vệ quyền lợi của tiêu dùng.