A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Để Sâm Lai Châu vươn xa

(laichau.gov.vn)

Thời gian qua, bằng sự cố gắng, nỗ lực của cấp ủy, chính quyền trong tỉnh, Sâm Lai Châu - loài cây đặc biệt quý hiếm đối với Việt Nam và Thế giới, là loài đặc hữu của tỉnh Lai Châu đã được đánh thức tiềm năng. Để cây Sâm xứng tầm với đúng giá trị của nó và thực sự vươn xa, tỉnh Lai Châu đang tiếp tục cùng với các ngành chức năng đưa ra nhiều giải pháp, trải thảm đỏ mời gọi các Nhà đầu tư.

Hàm lượng Saponin trong các mẫu Sâm Lai Châu tăng dần theo số năm tuổi, trung bình đạt khoảng 23-27%, hàm lượng chất chống ung thư chiếm khoảng 6%.

Kế hoạch phát triển cây Sâm của tỉnh Lai Châu

Để cụ thể hóa chủ trương của tỉnh phát triển Sâm Lai Châu đến năm 2045, UBND tỉnh Lai Châu đã phê duyệt Quyết định số 1452/QĐ-UBND ngày 09/11/2022 ban hành Kế hoạch phát triển Sâm Lai Châu giai đoạn 2022 - 2030 và định hướng đến năm 2045. Trong đó, mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tỉnh Lai Châu xác định bảo tồn nguồn gen cây Sâm Lai Châu có phân bổ trong tự nhiên với diện tích khoảng 100 ha. Hỗ trợ đầu tư, xây dựng 5 cơ sở sản xuất giống, 2 trung tâm sản xuất giống công nghệ cao, đồng thời phát triển vùng nguyên liệu Sâm Lai Châu tập trung, chất lượng. Hình thành vùng nguyên liệu trồng Sâm tập trung tại những nơi có điều kiện sinh thái phù hợp với quy mô diện tích trồng Sâm toàn tỉnh trên 3.000 ha. Thu hút, hỗ trợ đầu tư, xây dựng 1 nhà máy chế biến sản phẩm Sâm Lai Châu đáp ứng được các tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định; phát triển các cơ sở sơ chế, bảo quản sản phẩm Sâm Lai Châu tại những vùng nguyên liệu tập trung. Có ít nhất 1 nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm từ cây Sâm Lai Châu.

Về định hướng đến năm 2045, trên cơ sở tổng kết, đánh giá hiệu quả phát triển Sâm Lai Châu giai đoạn 2022 - 2030, sẽ định hướng cụ thể về phát triển quy mô diện tích và vùng trồng Sâm, đến năm 2045 phấn đấu vùng trồng đạt khoảng 10.000 ha, hình thành các vùng trồng Sâm tập trung trên địa bàn các huyện đã xác định; thu hút đầu tư, xây dựng 2 nhà máy chế biến sản phẩm Sâm Lai Châu giai đoạn 2031 - 2045; 100% sản phẩm Sâm thu hoạch được sơ chế, bảo quản đảm bảo theo quy trình kỹ thuật, có 30% sản lượng Sâm Lai Châu được chế biến sâu…

Cây Sâm hứa hẹn đem lại lợi ích cho người lao động, người trồng Sâm có đời sống tốt hơn.

Để thực hiện các mục tiêu trên, tỉnh Lai Châu xác định nhiều nhiệm vụ chính. Trong đó, sẽ tiến hành điều tra, đánh giá hiện trạng, đề xuất phương án quản lý, bảo tồn cây Sâm Lai Châu ngoài tự nhiên có phân bố trong rừng tự nhiên; xây dựng vùng bảo tồn; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về bảo tồn, phát triển nguồn gen Sâm Lai Châu và xác định vùng trồng thích hợp. Nghiên cứu, chọn, tạo sản xuất giống Sâm Lai Châu có năng suất, chất lượng cao, chống chịu với sâu và bệnh hại. Hình thành các cơ sở sản xuất giống hiện đại tại các địa phương trên cở sở xác định cụ thể về quy mô vùng trồng Sâm Lai Châu phù hợp; hoàn thiện các quy trình sản xuất giống và quy trình canh tác Sâm Lai Châu phục vụ gây trồng, phát triển vùng nguyên liệu ở quy mô sản xuất hàng hóa; xây dựng hệ thống quản lý chất lượng, kiểm soát nguồn gốc giống Sâm Lai Châu đảm bảo hợp pháp theo quy định.

Đồng thời, thúc đẩy đầu tư, phát triển các cơ sở chế biến Sâm gắn với vùng nguyên liệu theo hướng hiện đại; ưu tiên đầu tư nhà máy sản xuất các sản phẩm từ Sâm Lai Châu bao gồm: Thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, mỹ phẩm, sản phẩm thực dưỡng... Phát triển, đa dạng hóa sản phẩm Sâm Lai Châu theo chuỗi giá trị; phát triển các kênh giới thiệu, phân phối sản phẩm ở trong và ngoài nước. Thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc Sâm Lai Châu; khuyến khích các tổ chức hình thành các phòng kiểm định nguồn gốc, chất lượng Sâm Lai Châu đạt tiêu chuẩn tại các vùng trọng điểm trồng và chế biến sản phẩm Sâm. Hỗ trợ xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm Sâm Lai Châu. Xây dựng phát triển thương hiệu, quảng bá thị trường, xúc tiến thương mại. Phát triển hạ tầng vùng trồng Sâm gắn với phát triển hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số…

Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Trần Tiến Dũng phát biểu chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ sau Hội Chợ Sâm Lai Châu năm 2022.

 

Trải thảm đỏ mời gọi các Nhà đầu tư

Để tiếp tục đẩy mạnh phát triển cây Sâm Lai Châu trong thời gian tới, rõ ràng rất cần có sự ủng hộ, hỗ trợ của các cơ quan, bộ, ngành Trung ương; sự giúp đỡ của Nhà khoa học và quyết tâm của người dân, Hợp tác xã và Doanh nghiệp để hình thành liên kết. Trong đó, vai trò của Doanh nghiệp đầu tư vốn, công nghệ chế biến, bao tiêu sản phẩm là rất quan trọng.

Để mở rộng hợp tác với các Doanh nghiệp, trên cơ sở các chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, lãnh đạo tỉnh Lai Châu luôn cam kết đồng hành hỗ trợ Doanh nghiệp tới cùng. Đặc biệt, trong cuộc họp triển khai các nhiệm vụ sau Hội Chợ Sâm Lai Châu năm 2022, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Trần Tiến Dũng đã đề nghị thành lập Nhóm nòng cốt cấp tỉnh, huyện để hỗ trợ giải quyết tất cả các vấn đề liên quan đến đất đai, cây trồng, rà soát lại chính sách, cầm tay chỉ việc và triển khai thực hiện bắt đầu ngay từ những tuần đầu năm mới 2023 để triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh về phát triển cây Sâm.

Ông Phạm Đình Huỳnh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Đại Nam Sơn (Hà Nội).

Theo ông Phạm Đình Huỳnh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Đại Nam Sơn (Hà Nội) cho biết: Lai Châu là tỉnh rất quan tâm tới phát triển cây Sâm với nhiều ưu đãi và trải thảm đỏ mời các Doanh nghiệp vào đầu tư. Sâm Lai Châu là một loại dược liệu rất quý. Đối với tỉnh Lai Châu có tiềm năng rất lớn về Sâm nói riêng và các cây dược liệu nói chung, nhất là những cây dược liệu ở những vùng có độ cao, có thổ nhưỡng như ở Lai Châu sẽ tạo ra những tinh chất quý tốt cho sức khỏe, phòng ngừa bệnh tật và phù hợp với xu thế phát triển ngành Đông y - Dược của Việt Nam hiện nay. Tôi kỳ vọng sẽ đồng hành với tỉnh, với các Doanh nghiệp phát triển cây Sâm Lai Châu và mong muốn Lai Châu trở thành trung tâm sản xuất công nghiệp dược liệu theo hướng công nghệ cao, biến cây Sâm thành một ngành kinh tế mũi nhọn đóng góp vào kinh tế của tỉnh nói chung và đem lại lợi ích cho người lao động, người trồng Sâm có đời sống tốt hơn.

Thời gian qua, chúng tôi đã thu mua, phối hợp với các Doanh nghiệp, Viện nghiên cứu của Hàn Quốc tập trung vào khâu chế biến tạo nên những sản phẩm mới. Mục đích của chúng tôi là đa dạng hóa sản phẩm. Thời gian tới, chúng tôi rất mong sẽ được tỉnh hỗ trợ, tạo điều kiện để đi sâu vào lĩnh vực Sâm này. Trong đó tập trung phát triển các vùng trồng, ứng dụng khoa học công nghệ, một mặt vừa bảo tồn Sâm quý, đồng thời tạo ra những giống Sâm phù hợp với nhu cầu thị trường theo hướng công nghiệp, tạo ra những sản phẩm mới về dược phẩm, mĩ phẩm, thực phẩm chức năng; xây dựng thương hiệu, bao bì, mẫu mã phù hợp với thị hiếu của Châu Âu và các nước phát triển… Mong rằng sớm tạo ra được nhiều sản phẩm Sâm Lai Châu phân phối rộng rãi cho thị trường trong nước cũng như xuất khẩu ra thế giới. Tương lai chúng tôi sẽ hướng tới xây dựng Nhà máy ở Việt Nam chế biến ra nhiều sản phẩm, để người dân bình thường cũng có thể sử dụng Sâm và các dược liệu quý của Lai Châu để bồi bổ và nâng cao sức khỏe.

Có thể thấy, cùng với các chính sách hỗ trợ, sự ủng hộ, đồng hành của cấp ủy, chính quyền tỉnh Lai Châu, sự quyết tâm, trách nhiệm của các Nhà đầu tư thì chúng ta có thể tin tưởng rằng tương lai đưa Sâm Lai Châu phát triển và vươn xa “không có gì là không thể”.


Tác giả: Đinh Lan
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 2.422
Hôm qua : 6.489
Tháng 01 : 13.579
Năm 2025 : 13.579
Tổng số : 83.970.512