Đưa Lai Châu thành điểm đến tuyệt vời với du khách trong nước và quốc tế
Năm 2022 là một năm tiên phong của ngành Du lịch Lai Châu với các sản phẩm điểm nhấn có khả năng cạnh tranh trên thị trường khu vực và cả nước, góp phần đưa Lai Châu thành điểm đến tuyệt vời với du khách trong nước và quốc tế. Nhờ vậy thị trường khách du lịch ngày càng được mở rộng, lượng khách du lịch đến với Lai Châu ngày càng tăng. Trong năm 2022 ước lượt khách tăng 103,2% so với cùng kỳ năm 2021 và ước vượt 55,51% so với kế hoạch năm 2022; doanh thu từ du lịch ước tăng 226,84% so với kế hoạch năm 2022.
Ngay từ những tháng đầu năm, khi Chính phủ có chủ trương mở cửa du lịch toàn diện, Lai Châu là một trong những tỉnh tiên phong, chủ động các phương án khôi phục, phát triển du lịch địa phương với việc đăng cai và tổ chức nhiều sự kiện có quy mô cấp tỉnh, cấp khu vực và toàn quốc như: Tuần Du lịch - Văn hóa Lai Châu năm 2022, Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2022 tại Lai Châu (Techfest Việt Nam 2022 tại Lai Châu), Giải vô địch Cúp các Câu lạc bộ Đẩy gậy quốc gia và Giải vô địch Cúp các Câu lạc bộ Kéo co quốc gia, Đại hội Thể dục Thể thao tỉnh Lai Châu lần thứ V, Hội thi Nhà nông đua tài lần thứ V năm 2022 (Vòng thi khu vực I) tại tỉnh Lai Châu, Hội chợ Sâm Lai Châu, Tuần Văn hóa - Du lịch Lai Châu năm 2022 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc huyện Than Uyên; khai trương Phố đi bộ Hoàng Diệu - thành phố Lai Châu…
Ngoài việc tổ chức và đăng cai tổ chức các sự kiện quảng bá điểm đến Lai Châu, ngành du lịch Lai Châu còn đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch trên nền tảng internet, chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch, thường xuyên cập nhật và đăng tải thông tin du lịch của tỉnh trên các website như dulichlaichau.vn, dulichtaybac.vn, vietnamtourism.gov.vn, Tạp chí Du lịch Việt Nam, Báo Du lịch, Thông tấn xã, VnExpress… Đồng thời tận dụng tối đa hiệu ứng các trang mạng xã hội như Facebook, Youtube, Zalo, Hot Fanpage Amazing Things in Vietnam… Phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất và phát sóng Chuyên mục Checkin Việt Nam trong chương trình Around Việt Nam phát sóng vào thứ 7 và chủ nhật hàng tuần để quảng bá các điểm du lịch Lao Chải, Cầu kính Rồng mây, Sì Thâu Chải...
Cùng với đó, Lai Châu thực hiện việc giới thiệu, quảng bá, xúc tiến điểm đến Lai Châu với các hãng lữ hành, du khách trong nước và quốc tế; mở rộng tiếp cận thị trường khách du lịch Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam, Tây Nguyên… Tổ chức chương trình đón Đoàn Famtrip khảo sát, liên kết phát triển sản phẩm du lịch Lai Châu năm 2022; tổ chức Tọa đàm “Liên kết phát triển sản phẩm du lịch Lai Châu”. Qua chương trình khảo sát Đoàn Famtrip đã có nhiều ý kiến đánh giá tập trung vào tiềm năng, thế mạnh, thực trạng điểm du lịch, sản phẩm du lịch Lai Châu đang khai thác và đề xuất các giải pháp nhằm đẩy mạnh liên kết sản phẩm du lịch giữa Lai Châu với các địa phương nhằm thu hút khách du lịch đến Lai Châu trong thời gian tới..
Nhờ triển khai một chuỗi các sự kiện, hoạt động, Lai Châu đã tạo ra được các sản phẩm điểm nhấn có khả năng cạnh tranh trên thị trường khu vực và cả nước được nhiều du khách và công ty lữ hành lựa chọn trong chương trình tour đến với Tây Bắc như: Bản Sin Suối Hồ; Khu du lịch sinh thái Cầu kính Rồng Mây, Khu du lịch sinh thái Đèo Hoàng Liên Sơn (Ô Quy Hồ); du lịch thể thao mạo hiểm gắn với chinh phục các đỉnh cao như: Giải dù lượn đường trường Putaleng, đỉnh Pusilung (cao 3.083 m); đỉnh Putaleng (cao 3.049m), đỉnh Bạch Mộc Lương Tử (cao 3.046 m), đỉnh Tả Liên Sơn (cao 2.993m)…
Không chỉ vậy, Lai Châu còn đẩy mạnh khai thác sản phẩm chợ phiên vùng cao như chợ đêm San Thàng (thành phố Lai Châu), chợ phiên Sìn Hồ (huyện Sìn Hồ), chợ phiên Sin Suối Hồ (huyện Phong Thổ), chợ phiên Tà Mung (huyện Than Uyên)… Điểm nhấn là sắc màu văn hoá truyền thống, ẩm thực và sản vật vùng cao. Ngoài phát triển sản phẩm du lịch sinh thái gắn với phát huy giá trị cảnh quan thiên nhiên, danh lam thắng cảnh, thì còn gắn với các sản phẩm nông nghiệp địa phương như: Các nghề truyền thống như nghề sản xuất các loại bánh (dân tộc Giáy), nghề sản xuất miến Dong (xã Bình Lư, huyện Tam Đường), hợp tác xã thổ cẩm Nà Cang, nghề đan lát mây, tre, đan; chạm khắc bạc (dân tộc Dao); nghề thêu dệt thổ cẩm (dân tộc Mông)… Từ đó, tạo điểm nhấn khác biệt của Lai Châu trên tuyến du lịch “Vòng cung Tây Bắc” và từng bước đưa du lịch cộng đồng trở thành thương hiệu riêng của du lịch địa phương.
Bên cạnh đó, Tỉnh đã quan tâm thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình đầu tư để đa dạng hóa các loại hình dịch vụ du lịch như: Khách sạn, nhà nghỉ, homestay… Đến nay, các loại hình dịch vụ đáp ứng nhu cầu của Nhân dân, khách du lịch, khách công vụ khi đến tham quan và làm việc tại Lai Châu. Đến nay toàn tỉnh đã có 133 cơ sở lưu trú. Trong đó: 04 khách sạn 03 sao, 29 khách sạn từ 1 – 2, số phòng khách sạn, lưu trú 1.200 phòng; số cơ sở đảm bảo đủ điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ phục vụ khách du lịch 100 cơ sở với 1.009 phòng đạt tiêu chuẩn đón tiếp khách du lịch; công suất sử dụng phòng đạt bình quân 60%/năm.
Với sự cố gắng, nỗ lực trong một năm đầy khó khăn và thách thức, ngành Du lịch Lai Châu đã thành công trong năm 2022 khi đưa hình ảnh điểm đến Lai Châu gần hơn với du khách trong nước và quốc tế. Phát huy những kết quả đạt được, chúng ta có thể tin tưởng rằng, năm 2023, ngành du lịch Lai Châu sẽ tiếp tục khởi sắc và vượt mức chỉ tiêu đặt ra 7,61% tổng lượng khách du lịch tăng so với năm 2022.