• :
  • :
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Ghi ở nơi “mặt trời xẻ nửa”

(laichau.gov.vn)

Ở nơi ấy, mặt trời như xẻ làm đôi cho bên ta – bên bạn, là nơi có những người thức trắng canh thâu, cũng là nơi cống hiến trọn thanh xuân của bao người để giữ biên cương, bờ cõi thiêng liêng, đảm bảo sự bình yên của Tổ quốc. Nơi tôi đến là Đồn và những tổ công tác cắm bản, bám biên của Đồn Biên phòng Pa Tần (huyện Sìn Hồ), để rồi nhìn giang sơn hùng vỹ mà thêm trân quý những cống hiến lặng thầm của những người lính Biên phòng nơi đây.

Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Pa Tần tuần tra biên giới.

Tôi đến Đồn Biên phòng Pa Tần vào một ngày mưa dầm dĩ. Trong màn mưa biên giới như đứa trẻ khóc hờn, lúc hửng, Thiếu tá Nguyễn Tiến Đoàn – Chính trị viên của Đồn khoác chiếc áo mưa bộ đội, cầm ô kiên nhẫn đợi đón chúng tôi mãi tận cửa Đồn. Mưa đã bắn ướt đôi giầy bộ đội nhưng anh vẫn đứng đợi, dường như cái chất lính kiên cường khiến chút nắng mưa này chẳng là gì với anh. Biết nhau từ thời anh còn ở Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, nay gặp lại trông anh gầy hơn nhưng rắn rỏi, chai sạn đi. 

Dẫn chúng tôi tham quan một vòng quanh đơn vị, chỉ chúng tôi những gốc đào mang từ tỉnh lên trồng, nơi ăn ở khang trang của anh em lính, anh Đoàn kể tôi nghe về những ngày xây dựng đơn vị, những nhọc nhằn gian nan mà người lính ở đây phải trải qua để có một đồn biên phòng khang trang, xanh, sạch như hôm nay. Đứng giữa sân đồn, khoát tay, anh chỉ về hướng Bắc. Cuối tầm tay anh nơi có những ngọn núi xanh thẳm bảng lảng mây vờn là giáp ranh giữa ta và bạn. Đồn chỉ quản lý, bảo vệ có gần 13km đường biên giới nhưng là đoạn biên giới hết sức hiểm trở, gian nan. Ấy vậy mà đều đặn hàng tuần, hàng tháng, anh em cán bộ, chiến sỹ của Đồn vẫn vượt núi, băng rừng tuần tra bảo vệ. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2021, Đồn đã có đến 56 lượt tuần tra biên giới nhằm giữ cho vững chủ quyền, giữ cho được từng tấc đất của ông, cha để lại. Từ những chuyến tuần tra đó, các anh đã phát hiện 14 đối tượng phạm pháp, thu giữ nhiều tang vật và phạt hành chính, nộp vào ngân sách 13 triệu đồng.

Nhấp chén nước, cười hiền, anh Đoàn từ từ giải thích: “Nỗ lực của người lính là chuyện đã đành nhưng chúng tôi chỉ hoàn thành nhiệm vụ khi có sự ủng hộ, đùm bọc của đồng bào biên giới. Với chúng tôi, bà con ở đây, mỗi người đều là anh em ruột thịt, mỗi bản làng đều là quê nhà, các cụ già đều gọi chúng tôi là con và tất nhiên anh em cũng coi họ như cha, ông của mình vậy”. Quả thật, ở đây các anh không chỉ làm nhiệm vụ bảo vệ biên cương, mà mỗi người lính đều mang trong mình trọng trách hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào nơi biên giới này phát triển. Xây dựng một dải biên cương phát triển vững mạnh không chỉ là nhiệm vụ mà còn là một nhu cầu tự thân của các anh và nhu cầu đó đã thôi thúc các anh hành động. Mỗi ngày, mỗi người lính tiết kiệm 100 đồng, góp lại, gửi về quỹ của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng. Góp gió thành bão, năm ngoái, các anh đã đề nghị tặng cho gia đình anh Tao Văn Thoản, bản Pa Tần 1 một ngôi nhà trị giá 80 triệu đồng. Một căn nhà có lẽ sẽ chưa thể giải quyết những khó khăn của bà con biên giới nhưng nó lại là chất keo gắn chặt tình cảm quân dân nơi đây.

Không chỉ giải quyết vấn đề trước mắt, các anh còn lo xa cho bà con về sinh kế. Tuy đã qua rồi cái thời bộ đội sắn quần lội ruộng dạy bà con cấy, cày nhưng việc hỗ trợ giống vẫn là “chiếc cần câu” rất hữu hiệu để bà con vươn lên xóa đói, giảm nghèo. Từ Chương trình “Bò giống giúp người nghèo nơi biên giới” vừa qua những người lính quân hàm xanh nơi đây đã cấp 50 con bò giống trong sự mong chờ, hân hoan của bà con và hiện đã có 18 con bê ra đời cùng bao dự định thoát nghèo của mỗi hộ. Còn nhớ gương mặt anh Vàng Văn An, bản Pa Tần 2 khi nhận bò giống, tuy vui nhưng sượng sùng lắm vì chẳng biết nói lời cảm ơn sao cho văn vẻ mà cứ bắt chặt bàn tay người lính Biên phòng. Tôi hiểu cái bắt tay ấy là lời cam kết chặt chẽ về tình quân dân nơi đây.

Còn nhớ trong một lần đưa chúng tôi đi thăm mô hình “tay kéo Biên phòng” khi những người lính trở thành thợ cắt tóc miễn phí cho các em học sinh tiểu học và trung học đang học tập bán trú ở trung tâm xã (giờ mô hình đã được nhân rộng ra toàn lực lượng), anh Đoàn kể tôi nghe những trăn trở để đồng bào nơi này bớt đói nghèo, vơi khó nhọc. “No bát cơm là chưa đủ, phải “ấm con chữ” mới đảm bảo tương lai, trước kia chúng tôi phải mở lớp xóa mù chữ nên mới có danh xưng “thầy giáo quân hàm xanh”, nhưng nay trường lớp mở rộng chúng tôi đã không phải “lấn sân” nữa. Nhưng để các em đến trường, ra lớp là cả một sự kỳ công của bao ngày vận động. Để giúp đỡ các cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện học hành tốt hơn, chúng tôi nhận hỗ trợ 4 cháu học sinh, mỗi tháng Đồn cử cán bộ đến tận nhà hỗ trợ các cháu 500 nghìn đồng” – Thiếu tá Nguyễn Tiến Đoàn chia sẻ. Gặp chúng tôi ở Tổ chốt chặn phòng, chống dịch Covid-19 bản Lồng Thàng, cháu Giàng A Chỉ (năm nay lên lớp 5) là “con nuôi đồn Biên phòng” ngượng nghịu nói "Sau này lớn, cháu thích làm Bộ đội Biên phòng cầm súng bảo vệ bản làng và giúp các em nhỏ khác" … Và chính những sự chăm lo chí tình chí nghĩa đó mà bà con nơi đây tin yêu Bộ đội Biên phòng nhiều lắm. Dịp bầu cử vừa qua, nhờ sự tuyên truyền, vận động tích cực của các anh mà bà con đồng thuận, tự bảo nhau đi bầu cử hết.

Bữa cơm tiếp khách của Đồn vào thời dịch thành ra vắng lặng hơn ngày thường, các cán bộ, chiến sỹ đã tỏa đi 3 tổ chốt chặn và tuần tra đường biên. Tuy ở nơi đỉnh núi thừa sương gió, thiếu phố phường nhưng bữa cơm của người lính vẫn đủ cá tươi, rau xanh, gà sạch dù chợ Pa Tần còn nằm mãi cuối chân mây. Anh em cán bộ Đồn giải thích sự tươm tất này đều đến từ khu tăng gia 1.500m2 của Đồn. Dưới bàn tay và ý chí người lính, từ ngọn đồi khô cằn đã cung cấp cho nhà bếp hàng tạ rau xanh, thịt sạch. Nuôi quân tốt cũng là một nhiệm vụ quan trọng góp phần hoàn thành nhiệm vụ.

Vài buổi ở Đồn thật khó để hiểu hết được những nỗ lực, cố gắng hay vất vả khó khăn mà anh em ở đây phải vượt qua. Nhưng điều tôi tin chắc những người lính nơi đây đã làm được để giữ vững chủ quyền an ninh biên giới, điều đó được trang trọng viết lên tấm pano lớn nơi cổng Đồn: “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”.


Tác giả: Khánh Kiên
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 4.379
Hôm qua : 8.295
Tháng 03 : 221.675
Năm 2024 : 652.510
Tổng số : 82.118.603