A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Lai Châu: Tăng cường phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi

(laichau.gov.vn)

Lai Châu là một tỉnh miền núi, mùa Đông nền nhiệt xuống thấp gây ra hiện tượng rét đậm, rét hại, sương muối, băng giá... Trước tình hình đó, ngay từ đầu mùa Đông, tỉnh Lai Châu đã ban hành nhiều văn bản, đẩy mạnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, địa phương tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do rét đậm, rét hại gây ra.

Người dân huyện Tân Uyên che phủ nilon phòng, chống rét cho mạ.

Để chủ động ứng phó với rét đậm, rét hại, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo chủ động, tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống đói, rét, dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi, thủy sản trên địa bàn tỉnh như: Chỉ thị số 13/CT-UBND ngày 04/11/2020; Công điện hỏa tốc số 01/CĐ-UBND ngày 08/01/2021... Trong đó đặc biệt chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các huyện, thành phố chủ động ứng phó với tình hình thời tiết bất lợi. Cùng với đó, UBND tỉnh đã thành lập Đoàn công tác trực tiếp xuống cơ sở kiểm tra công tác phòng, chống rét; UBND các huyện, thành phố đã chỉ đạo Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn thành lập tổ phân công cán bộ, công chức và các đoàn thể xuống từng thôn, bản và hộ gia đình để tuyên truyền, vận động Nhân dân khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng, chống rét cho người dân và phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi và thủy sản.

Hiện nay, nhiệt độ trên địa bàn tỉnh xuống thấp, nhiệt độ thấp nhất phổ biến từ 4 - 6 độ C, vùng núi cao có nơi từ 0 - 2 độ C. Để chủ động phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi, bắt đầu vào mùa Đông, cơ quan chuyên môn, UBND các huyện, thành phố đã chủ động đi kiểm tra tình hình thực tế, thường xuyên cập nhật tình hình thời tiết và tuyên truyền cho người dân biết để chủ động phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi, đặc biệt tại các khu vực vùng núi cao. Theo báo cáo của UBND tỉnh, trên địa bàn tỉnh hiện có tổng 304.270 con gia súc; trong đó, đàn trâu là 94.670 con, đàn bò 19.400 con, đàn lợn 190.200 con; diện tích mạ quy ra cấy là 3.857 ha, diện tích đã cấy là 577 ha. Chính vì vậy, các cơ quan chức năng đang tập trung vào hướng dẫn người dân thu gom, dự trữ thức ăn; xây dựng, tu sửa, củng cố lại chuồng trại; chuẩn bị các nguồn nhiệt (than, củi, trấu...) để sưởi ấm cho trâu, bò khi thời tiết rét đậm; đưa trâu, bò về nuôi nhốt khi thời tiết giá rét kéo dài, nhiệt độ dưới 12 độ C; vận động người dân loại thải những con trâu, bò già làm thực phẩm; thu hoạch các loại cá thương phẩm; triển khai thực hiện có hiệu quả công tác tiêm phòng vắc xin định kỳ cho đàn vật nuôi; giám sát dịch bệnh chặt chẽ nhằm phát hiện sớm các ổ dịch, kịp thời xử lý, không để lây lan ra diện rộng; tổ chức triển khai tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường nghiêm túc, đảm bảo đúng, đủ thời gian, tần suất; che phủ nilon cho mạ đúng kỹ thuật, không gieo cấy lúa khi nhiệt độ dưới 15 độ C.

Người dân cho gia súc ăn đầy đủ dưỡng chất.

Nhằm giảm thiểu thiệt hại do thời tiết bất lợi gây ra, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã và đang đẩy mạnh thực hiện các biện pháp phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi. Đến các xã của huyện Than Uyên những ngày này, người dân đang tăng cường chăm sóc đàn gia súc. Khi nhiệt độ xuống thấp người dân đã chủ động đốt lửa, quấn thêm chăn, áo cũ… giữ ấm cho trâu, bò. Bà Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Trước tình hình thời tiết rét đậm, rét hại như những ngày này, huyện đã tăng cường kiểm tra tình hình phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tuyên truyền và nắm bắt tình hình để đưa ra các biện pháp thực hiện kịp thời. Hiện người dân đang tập trung phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi của gia đình mình.

Sìn Hồ là một huyện vùng cao của tỉnh Lai Châu, để phòng, chống rét cho trên 69.000 gia súc hiệu quả, huyện đã chủ động dự trữ thức ăn cho đàn gia súc. Ngay từ tháng 9/2020, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn tập trung tuyên truyền, vận động, đôn đốc, hướng dẫn Nhân dân sau khi thu hoạch lúa mùa, cây trồng vụ thu, đông, chủ động thu gom rơm rạ, cỏ khô, thân lá cây ngô… để bảo quản làm thức ăn dự trữ cho đàn gia súc trong mùa đông. Đồng thời, hướng dẫn, khuyến khích Nhân dân thực hiện trồng ngô để làm thức ăn cho gia súc; áp dụng các biện pháp kỹ thuật như ủ rơm với đạm Urê, ủ rơm tươi, cỏ, thân cây ngô tươi nhằm nâng cao giá trị dinh dưỡng của thức ăn; chủ động dự trữ thức ăn tinh như ngô, cám gạo, sắn, khoáng chất để bổ sung cho gia súc khi cần thiết.

Thời gian qua, huyện Tân Uyên đã chủ động phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi. UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện tăng cường công tác thực hiện, thông tin tuyên truyền trên các hệ thống loa truyền thanh địa phương để nâng cao nhận thức của người dân trong công tác phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi, đặc biệt là ở những xã có nền nhiệt thấp; cung cấp đầy đủ nước, che chắn cẩn thận cho những diện tích mạ đã gieo và chăm sóc tốt 171 ha diện tích lúa đã cấy; nuôi nhốt trâu bò khi thời tiết giá rét, nhiệt độ dưới 12 độ C. 

Là một trong những hộ chủ động chăm sóc đàn gia súc của gia đình, anh Thào A Giống, bản Hua Cưởm 2, xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên cho biết: Tôi có 6 con trâu, tôi đã xây chuồng cẩn thận để chống rét cho đàn gia súc. Ngoài cho ăn rơm, cỏ tươi, tôi còn xay thêm ngô để bổ sung thêm dưỡng chất cho trâu ăn; cho rơm vào chuồng để trâu nằm cho ấm trong những ngày đông giá rét.

Những ngày này, thời tiết trên địa bàn tỉnh rét đậm, rét hại, người chăn nuôi cần cung cấp lượng thức ăn cần thiết trung bình mỗi ngày khoảng 5 - 7kg thức ăn thô (rơm, cỏ voi, cây chuối, thức ăn ủ chua…); khoảng 0,5 - 1kg thức ăn tinh (ngô, bột cám, bột sắn)… cho 1 con trâu, bò trưởng thành. Cùng với đó, bổ sung muối ăn bằng cách hòa vào nước cho gia súc uống; không thả rông trâu, bò trong rừng; chủ động đưa gia súc về nuôi nhốt trong chuồng kín gió, nền chuồng khô ráo, sưởi ấm vào ban đêm; những ngày mưa, rét đậm, rét hại mặc áo chống rét bằng bao tải, bao dứa, chăn, áo cũ… để giữ ấm; không cho gia súc làm việc khi nhiệt độ dưới 12 độ C; thực hiện công tác vệ sinh chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi, xử lý chất thải, tiêu độc, khử trùng theo quy định.

Với các biện pháp đã và đang thực hiện, cùng sự chỉ đạo sát sao, thường xuyên, liên tục của các cấp chính quyền, cơ quan chuyên môn và sự chủ động phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi của người dân sẽ hạn chế đến mức tối đa thiệt hại do thời tiết rét đậm, rét hại gây ra, góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế tại địa phương.


Tác giả: Lao U
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 694
Hôm qua : 7.759
Tháng 04 : 134.807
Năm 2024 : 806.397
Tổng số : 82.272.490