Tổ chức phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” nhân dịp Xuân Ất Tỵ, tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng năm 2025
Ngày 31/12/2024, UBND tỉnh Lai Châu ban hành Công văn số 5384 /UBND-KTN về việc tổ chức phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” nhân dịp Xuân Ất Tỵ, tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng năm 2025.
Công văn nêu rõ: Trong năm 2024, thực hiện các chủ trương, chính sách phát triển lâm nghiệp của trung ương và của tỉnh, các ngành, các cấp, các tổ chức và Nhân dân trên địa bàn tỉnh đã thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và đạt được một số kết quả quan trọng: Toàn tỉnh đã trồng mới được 2.208 ha rừng, trồng 83,84 nghìn cây phân tán các loại, bảo vệ 501.484 ha rừng hiện có, nâng tỷ lệ che phủ rừng ước đạt 52,86%, đã góp phần phát triển kinh tế-xã hội, cải thiện môi trường, giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn.
Năm 2025, là năm cuối để thực hiện kế hoạch phát triển rừng bền vững giai đoạn 2021-2025, Đề án 1 tỷ cây xanh và Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025; với mục tiêu toàn tỉnh trồng mới 5.236 ha rừng, trong đó: trồng rừng sản xuất 4.928 ha, trồng rừng phòng hộ 308 ha; nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 54%. Nhằm phát huy kết quả đã đạt được trong những năm qua, khắc phục khó khăn, tồn tại, hạn chế; chủ động, tích cực chuẩn bị tốt phong trào“Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” nhân dịp Xuân Ất Tỵ gắn với thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng và trồng cây, trồng rừng ngay từ đầu năm 2025, phấn đấu thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 03 tháng 02 năm 2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển rừng bền vững giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tiếp tục thực hiện Kế hoạch số 1739/KH-UBND ngày 10 tháng 5 năm 2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện Nghị quyết số 29/NQ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2024 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Kết luận số 61-KL/TW, ngày 17 tháng 8 năm 2023 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 13 - CT/TW ngày 12 tháng 01 năm 2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; Chỉ thị số 06/CT- UBND ngày 30 tháng 10 năm 2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu về việc tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô năm 2024- 2025, đồng thời thực hiện tốt một số nội dung sau:
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Lai Châu và đơn vị có liên quan xây dựng, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh Kế hoạch tổ chức Lễ phát động “Tết trồng cây” đảm bảo thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm, không phô trương, hình thức; thời điểm tổ chức Lễ phát động vào đầu xuân năm mới, sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025.
- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo, tổ chức triển khai đồng bộ, hiệu quả các cơ chế, chính sách của trung ương, của tỉnh trong lĩnh vực lâm nghiệp như: Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững, Đề án trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025, Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 03 tháng 02 năm 2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển rừng bền vững giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; đôn đốc các địa phương xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai hiệu quả, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch về bảo vệ và phát triển rừng năm 2025; tiếp tục đôn đốc các huyện, thành phố khắc phục các tồn tại, hạn chế trong công tác trồng rừng.
- Tăng cường quản lý nhà nước về giống cây trồng lâm nghiệp; khuyến cáo lựa chọn loài cây trồng phù hợp để trồng rừng; đôn đốc các huyện chủ động chuẩn bị đủ số lượng cây giống đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng và nguồn gốc xuất xứ để trồng rừng; thực hiện chăm sóc, quản lý bảo vệ rừng để cây trồng, rừng trồng sinh trưởng, phát triển tốt.
- Tăng cường công tác quản lý rừng bền vững nhằm phát huy giá trị đa tác dụng của rừng; phát triển dịch vụ môi trường rừng, đồng thời quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn dịch vụ môi trường rừng đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật.
- Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý, bảo vệ rừng để phát hiện sớm mất rừng, cháy rừng; cập nhật diễn biến rừng kịp thời. Tăng cường kiểm tra, ngăn chặn các hành vi phá rừng, khai thác rừng, lấn chiếm rừng và đất lâm nghiệp trái pháp luật; quản lý chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, nhất là chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên; xử lý nghiêm các hành vi mua bán, vận chuyển, tàng trữ gỗ, động vật rừng, các loại lâm sản trái pháp luật; quản lý, kiểm tra các cơ sở chế biến gỗ, nhất là cơ sở sử dụng gỗ rừng tự nhiên.
- Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng (Kiểm lâm, Công an, Quân đội) trong công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng; có các phương án sẵn sàng phối hợp lực lượng ứng phó, xử lý các tình huống cấp bách trong bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng.
2. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
- Chỉ đạo cơ quan chuyên môn tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nâng cao nhận thức về vai trò, tác dụng, ý nghĩa của việc trồng cây, gây rừng; các quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng cho các tổ chức, cộng đồng, hộ gia đình, cá nhân và Nhân dân trên địa bàn.
- Tổ chức thực hiện “Tết trồng cây” đảm bảo thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm, không phô trương, hình thức; tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, trường học, lực lượng vũ trang và Nhân dân tích cực tham gia trồng cây, trồng rừng; chú trọng lựa chọn cây trồng bản địa, cây rừng đa tác dụng. Chủ động, linh hoạt về thời gian, địa điểm, đối tượng thực hiện để đảm bảo phù hợp với mùa vụ trồng cây, trồng rừng và diễn biến thời tiết trên địa bàn, đồng thời gắn với Tết Nguyên đán của dân tộc và dịp sinh nhật Bác (19/5). Tổ chức kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm, biểu dương khen thưởng kịp thời những tổ chức, cá nhân điển hình có cách làm hay, mô hình tốt, sáng tạo; báo cáo kết quả thực hiện về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).
- Giao Ủy ban nhân dân thành phố Lai Châu chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” xuân Ất Tỵ năm 2025; lựa chọn địa điểm tổ chức, loài cây trồng phù hợp, đảm bảo quy hoạch, ổn định lâu dài.
- Chủ động kiểm tra, rà soát và triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu của Đề án phát triển rừng bền vững, phấn đấu thực hiện chỉ tiêu, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng năm 2025. Tổ chức lực lượng, triển khai bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có; chỉ đạo các đơn vị chuyên môn thực hiện công tác chuẩn bị địa bàn trồng rừng; phát triển cây lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu dưới tán rừng; xây dựng và tổ chức thực hiện trồng cây phân tán đảm bảo đúng quy định, tiến độ và chất lượng; tiếp tục chỉ đạo khắc phục các tồn tại, hạn chế trong công tác trồng rừng (chăm sóc, trồng dặm, trồng bổ sung, trồng lại,...). Thực hiện tốt công tác thu hút đầu tư, tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đầu tư dự án trồng rừng sản xuất trên địa bàn.
- Nêu cao vai trò của người đứng đầu chính quyền các cấp trong công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân buông lỏng, thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng. Tăng cường kiểm tra, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm hành vi vi phạm quy định của pháp luật về lấn chiếm đất rừng, chặt phá, khai thác rừng, mua, bán lâm sản, động vật hoang dã, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng trái quy định pháp luật; kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, nhất là chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên; xử lý nghiêm hành vi tiếp tay cho các đối tượng vi phạm gây thiệt hại đến rừng.
- Củng cố, kiện toàn và tăng cường hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ huy phòng cháy, chữa cháy rừng tại địa phương; chỉ đạo các chủ rừng thành lập, kiện toàn lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng; duy trì các tổ đội chuyên trách bảo vệ rừng thôn bản; rà soát, bố trí lực lượng, phương tiện chủ động sẵn sàng tham gia chữa cháy rừng.
- Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương hoàn thành việc giao đất, giao rừng, cho thuê rừng gắn với cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp theo quy định.
3. Các sở, ban, ngành tỉnh
Căn cứ điều kiện thực tế của cơ quan, đơn vị, xây dựng kế hoạch tổ chức phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Ất Tỵ năm 2025 theo tinh thần thiết thực, trở thành nét đẹp văn hóa, đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm, không phô trương, hình thức; phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng trên địa bàn tỉnh.
4. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam tỉnh, các đoàn thể tỉnh
Phối hợp vận động đoàn viên, hội viên và Nhân dân tích cực tham gia “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Ất Tỵ năm 2025 và công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng trên địa bàn tỉnh đảm bảo thiết thực, hiệu quả.
5. Sở Thông tin và Truyền thông
Chỉ đạo các cơ quan báo đài kịp thời đưa tin tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của việc trồng cây, gây rừng; các quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, góp phần bảo vệ bền vững môi trường sinh thái.
Căn cứ nội dung trên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện.