Ứng phó, khắc phục hậu quả lũ quét, sạt lở đất do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3 trên địa bàn tỉnh
Hôm nay (11/9), UBND tỉnh Lai Châu ban hành Công văn số 3589/UBND-KTN về việc ứng phó, khắc phục hậu quả lũ quét, sạt lở đất do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3 trên địa bàn tỉnh.
Công văn nêu rõ: Theo tin từ Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Lai Châu, do ảnh hưởng hoàn lưu cơn bão số 3, từ 11 giờ ngày 9/9 đến 11 giờ ngày 10/9 tại huyện Tam Đường, Sìn Hồ, Tân Uyên, Mường Tè, Phong Thổ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to như: Hồ Thầu 70,4 mm; Hồng Thu 100,4 mm; Nậm Sỏ 54,2 mm; Pa Vệ Sử 53,6 mm; Sì Lờ Lầu 74,8 mm, Dào San 68,2 mm. Mô hình độ ẩm đất cho thấy một số khu vực thuộc các huyện, thành phố đã gần bão hòa (trên 80%) hoặc đạt trạng thái bão hòa. Mưa lớn gây ra sạt lở đất, làm ảnh hưởng, thiệt hại đến nhà ở, tài sản của Nhà nước và Nhân dân. Dự báo trong những giờ tới khu vực các huyện tiếp tục có mưa. Lượng mưa tích lũy trong 06 giờ tại các huyện phổ biến từ 10-20 mm.
Thực hiện Công điện số 89/CĐ-TTg ngày 09 tháng 9 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung khắc phục sự cố sập nhịp cầu Phong Châu tỉnh Phú Thọ và ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét tại các tỉnh miền núi, trung du Bắc Bộ; Công điện số 90/CĐ-TTg ngày 09 tháng 9 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ về khẩn trương cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm phục vụ đời sống của người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3; Công điện số 17/VP-PCTT ngày 09 tháng 9 năm 2024 của Văn phòng Ban chỉ đạo Phòng thủ dân dự quốc gia về việc chủ động khắc phục hậu quả do mưa lớn, ngập lụt, lũ quét và sạt lở đất; Công điện số 02/CĐ-BTC ngày 09 tháng 9 năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc khắc phục thiệt hại và các sự cố do bão số 3 gây ra, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (sau đây gọi là Ban chỉ huy) tỉnh, Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao thực hiện các nhiệm vụ sau:
Tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt, nghiêm túc, hiệu quả chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tại Công điện số 08/CĐ-UBND ngày 06 tháng 9 năm 2024 về việc chủ động ứng phó với dông, lốc sét, mưa lớn do ảnh hưởng của cơn bão số 3 trên địa bàn tỉnh và các văn bản chỉ đạo của Trung ương.
Tập trung khắc phục hậu quả sạt lở đất, ưu tiên đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân và Nhà nước; tổ chức thăm hỏi, động viên gia đình người bị nạn và đảm bảo đời sống Nhân dân theo quy định.
Kiểm tra, rà soát, kiên quyết sơ tán, di rời các hộ dân ra khỏi vùng có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân.
Nắm chắc tình hình, rà soát đúng đối tượng thiếu lương thực, thực phẩm, nước sạch; phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, Hội Chữ thập đỏ tổ chức cấp phát lương thực, thực phẩm, lương khô và các nhu yếu phẩm đến tận tay người dân bị hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3 một cách nhanh nhất, đảm bảo hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí, tiêu cực.
Đối với những công trình trạm y tế, trường lớp học bị hư hại do mưa lũ, sạt lở đất: Khẩn trương sửa chữa, khôi phục để kịp thời cứu chữa những người bị thương, chăm sóc sức khỏe của người dân, không làm ảnh hưởng đến việc dạy và học của học sinh và giáo viên.
Các Sở: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức kiểm tra, đánh giá việc thực hiện đảm bảo an toàn và công tác triển khai phương án ứng phó thiên tai đối với các công trình hồ, đập thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh. Các Sở: Giao thông vận tải, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền tổ chức kiểm tra các công trình có nguy cơ không đảm bảo an toàn khi có mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất xảy ra, đặc biệt là các công trình trường học, trạm y tế, điểm du lịch, hệ thống cầu treo, kè chắn đất, cống, cầu máng,... để có phương án xử lý kịp thời; báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh những nội dung phát sinh, vượt thẩm quyền.
Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố khẩn trương rà soát thiệt hại do hoàn lưu cơn bão số 3 gây ra để chủ động bố trí ngân sách địa phương, dự phòng ngân sách địa phương khắc phục thiệt hại, đảm bảo đời sống Nhân dân, khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn; nếu nguồn ngân sách cấp huyện khó khăn, các đơn vị tổng hợp gửi Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tham mưu Ban chỉ huy tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh hỗ trợ theo quy định. Trường hợp ngân sách tỉnh không đáp ứng nhu cầu khắc phục thiệt hại, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Giao thông vận tải, Công ty TNHH MTV quản lý Thủy nông Lai Châu và các đơn vị có liên quan đề xuất phương án, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị các cơ quan Trung ương hỗ trợ kinh phí theo quy định.
Tổ chức trực ban 24/24, thường xuyên đi kiểm tra tại cơ sở, phát hiện nơi có nguy cơ cao xảy ra thiên tai, có giải pháp triển khai ngay tại cơ sở; thường xuyên theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến của thời tiết, kịp thời báo cáo về Ban chỉ huy tỉnh.
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu Ban chỉ huy tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố; Ban chỉ huy các huyện, thành phố, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện nghiêm nội dung Công văn này.