• :
  • :
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Độc đáo trong Lễ đón dâu của người Giáy, xã San Thàng

(laichau.gov.vn)

Với mỗi dân tộc trong 20 dân tộc anh em của tỉnh Lai Châu, chuyện trăm năm của đôi lứa bao giờ cũng được các gia đình dành sự quan tâm đặc biệt. Riêng đối với dân tộc Giáy, xã San Thàng, thành phố Lai Châu, phong tục cưới hỏi là hình thức văn hóa dân gian, trong lễ cưới chứa đựng các giá trị về vật chất cũng như tinh thần của dân tộc Giáy, từ những nét văn hóa ẩm thực, các nghi lễ trong đám cưới đến trang phục truyền thống và các điệu hát truyền thống. Nhân những ngày đầu năm mới, xin giới thiệu đôi nét về Lễ đón dâu của người Giáy, xã San Thàng, thành phố Lai Châu để cùng cảm nhận những nét độc đáo trong văn hóa của người dân tộc Giáy.

Tục cưới hỏi của dân tộc Giáy, xã San Thàng đã được lưu truyền qua nhiều thế hệ, có ý nghĩa to lớn trong đời sống văn hóa, tinh thần của người Giáy. Để tiến tới hôn nhân, người Giáy phải thực hiện trang trọng các nghi lễ truyền thống, từ lễ dạm ngõ lần 1, lần 2 cho tới lễ so tuổi hay lễ ăn hỏi, lễ cưới chính và cuối cùng là lễ lại mặt. Mỗi nghi lễ còn có các nghi thức cử hành khác nhau theo phong tục, tập quán của dân tộc Giáy. 

Lễ cưới được tổ chức ở nhà trai và nhà gái, tới hôm cưới Đoàn nhà trai sẽ đi đón dâu và làm nghi thức cưới ở nhà gái 1 ngày đêm. Trước khi đi, chú rể sẽ được bà mặc cho chiếc áo the và đeo trên mình tấm vải đỏ. Chú rể đội mũ đen, che ô đen và được các bà trong gia đình đưa cho một chiếc khăn màu hồng cầm trên tay để làm lý.
Trước khi đi đón dâu, chú rể và phù rể phải thực hiện nghi lễ trước bàn thờ gia tiên. Đến giờ đẹp Đoàn đón dâu sẽ xuất phát từ nhà trai và mang, vác các đồ thách cưới đến nhà gái.
Đoàn đón dâu sẽ do 2 ông mối dẫn đầu, tay cầm 2 chiếc ô.
Đoàn rước dâu cũng không thể thiếu các bà mối, các bà, bác hoặc cô của chú rể mang theo các đồ sính lễ. Đoàn đón dâu đến nhà gái cử hành các nghi thức đón dâu và xin dâu.
Trong đám cưới của người Giáy, xã San Thàng thường mời đội kèn kẻo về thổi mừng cho cô dâu, chú rể, cho gia đình và cả bản làng đó. Người Giáy quan niệm cả một cuộc đời con người, sự kiện chính là hôn lễ được tiến hành, ngày vui có trống kèn tấu nhạc càng vui, bầu không khí hạnh phúc, náo nhiệt, cả cộng đồng đều mừng vui cho đôi vợ chồng trẻ.
Trong không khí rộn rã, ấm áp và hồi hộp chờ đón nhà trai đến xin dâu, nhà gái buộc một sợi dây màu đỏ chắn ngang ở cổng vào và một chiếc bàn trên đó đặt 8 bát nước màu hồng và 8 chén rượu. Bát nước màu hồng này biểu tượng cho hạnh phúc trăm năm. Khi đoàn nhà trai đến, nhà gái nhà trai sẽ hát đối đáp và làm lý để xin nhà gái bỏ sợi dây màu đỏ chắn đường vào. Đây chính là điểm độc đáo trong văn hóa cưới hỏi của người Giáy.  
Đoàn nhà trai hát đối đáp để được vào nhà gái. Trong lúc hát đối đáp, theo tục lệ, nhà gái sẽ té nước vào Đoàn nhà trai với ý nghĩa mang lại sự may mắn, hạnh phúc cho hai nhà. 
Sau khi hát đối đáp được nhà gái đồng ý, Đoàn nhà trai sẽ uống những chén rượu trước khi làm lễ mở cổng. Sau đó bà mối trao “lì xì”, sính lễ của nhà trai để xin phép vào nhà gái.
Trong nhà gái, cô dâu trong trang phục truyền thống được bà sửa sang trang phục, quấn chiếc khăn vuông phối màu rực rỡ trên nền vải sáng. Sau đó, cô dâu sẽ được trùm trên đầu một chiếc khăn màu đỏ.
Sau khi làm lý xong, chú rể phấn khởi khi được nhà gái mở cửa vào nhà làm lễ đón dâu.
Tại nhà gái, Đoàn nhà trai sẽ cử người đóng lên trên bàn thờ một tấm vải đỏ. Sau khi sính lễ được đặt lên bàn thờ, thầy mo làm lễ trước bàn thờ gia tiên.
Chú rể và cô dâu thực hiện nghi lễ bái lạy trước bàn thờ gia tiên.

Theo phong tục, khi về tới nhà chồng cô dâu mới bỏ khăn che mặt, nhận mặt cha mẹ chồng, thực hiện các nghi thức kính Lễ gia tiên, sau đó sẽ cùng hát trao dâu, cảm ơn họ hàng, khách mời và nhắc nhở nhau sống thuận hòa với gia đình, bà con làng bản.

Phong tục cưới hỏi của dân tộc Giáy không chỉ là việc kết duyên của đôi lứa mà có ý nghĩa lớn hơn là truyền thống đạo lý của dân tộc, giáo dục về nghĩa vợ chồng trong các mối quan hệ gia đình, dòng tộc, góp phần gắn kết cộng đồng, lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc.


Tác giả: Đinh Lan
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 8.248
Hôm qua : 12.022
Tháng 04 : 186.136
Năm 2024 : 857.726
Tổng số : 82.323.819