A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Phong tục nhuộm trứng đầu năm mới của người Dao ở huyện Sìn Hồ

(laichau.gov.vn)

Đồng bào Dao ở huyện Sìn Hồ có nhiều những phong tục, nét văn hóa độc đáo như tục lấy nước đêm giao thừa về dâng cúng tổ tiên; ngâm thuốc vào ngày cuối cùng của năm cũ để đón chào năm mới… và một trong những phong tục vẫn còn truyền lại vào mỗi dịp Tết Nguyên đán hàng năm với người Dao ở Sìn Hồ là nhuộm trứng đỏ để làm quà tặng cho con cháu, người thân và du khách đến chúc Tết, với mục đích chúc phúc, cầu may cho mỗi người trong năm mới.

Những quả trứng đỏ với ý nghĩa mang lại may mắn, hạnh phúc cho người nhận.

Trong quan niệm của người Dao, màu đỏ tượng trưng cho hạnh phúc, sung túc; quả trứng tròn là biểu tượng của sự đầy đủ, vẹn toàn, viên mãn và mong muốn cuộc sống no đủ. Do đó, nhuộm trứng là một trong những tục truyền lâu đời, không thể thiếu trong dịp đầu xuân năm mới với đồng bào Dao ở huyện Sìn Hồ. Vào đầu năm mới, những người lớn trong gia đình sẽ tặng quả trứng đã nhuộm màu cho con cháu. Dịp này, người già, trẻ, gái, trai ai cũng có một quả trứng gà hoặc trứng vịt nhuộm đỏ, cầu mong may mắn; riêng trẻ nhỏ, thanh thiếu niên và người chưa lấy chồng, lấy vợ sẽ được tặng 2 quả trứng.

Về màu nhuộm trứng, bà con thường sử dụng một loại rễ cây lấy từ rừng về, đun sôi đến khi gần cạn nước sẽ có dung dịch màu đỏ sền sệt. Trứng gà, trứng vịt sau khi được nhuộm sẽ cứng vỏ, khó vỡ hơn. Cùng với tục nhuộm trứng, phụ nữ người Dao còn đan những chiếc giỏ nan tre hoặc giỏ len nhiều màu để đựng trứng làm quà tặng. Theo quan niệm của người Dao ở Sìn Hồ, treo trứng đỏ trong nhà thì những lời chúc đã nhận được càng linh nghiệm hơn. Chính vì thế, vào ngày đầu năm, trẻ nhỏ, thanh thiếu niên rủ nhau đi chúc Tết tại nhiều nhà trong bản để được người lớn tặng cho nhiều quả trứng đỏ. Càng thêm ý nghĩa với con cháu ở xa về được nhận những quả trứng đỏ với lời chúc bình an, may mắn.

Vào đầu năm mới, bà Sếnh tặng trứng màu đỏ cho các cháu với lời chúc bình an, may mắn.

Có mặt tại ngôi nhà chung của ông Tẩn Sếnh Toan, bản Tầm Chong, xã Tả Phìn, huyện Sìn Hồ vào ngày đầu năm mới, chúng tôi được chứng kiến tục nhuộm trứng đỏ của gia đình theo đúng phong tục truyền thống. Sáng sớm, dù tất bật chuẩn bị các món ăn ngày Tết, nhưng bà Sếnh (vợ ông Toan) và các con dâu trong gia đình không quên luộc trứng gà, trứng vịt để chuẩn bị nhuộm trứng. Theo lời kể của ông Toan: “Người Dao quan niệm quả trứng và màu đỏ tượng trưng cho sự tròn đầy, viên mãn, hạnh phúc, sung túc. Do đó, sáng đầu năm gia đình tôi cũng nhuộm trứng để tặng cho con cháu và khách tới chơi nhà. Tùy theo số người được tặng mà mỗi nhà luộc và nhuộm số lượng trứng khác nhau".

Sếnh dạy các cháu cách nhuộm trứng đỏ.

Khi những quả trứng đã luộc chín vẫn còn bốc hơi nóng, vợ chồng ông Toan đem trứng để lên mâm, mang bát đựng dung dịch màu đỏ sẫm ra, nhúng từng quả trứng vào cho đến khi vỏ trứng chuyển thành màu đỏ tươi thì vớt ra phơi khô. Sau khi trứng khô sẽ đem tặng các con cháu và khách tới chơi nhà. Ngoài ra, ông Toan cũng cho biết, khi khách đến nhà chúc Tết, nhất định chủ nhà sẽ mời khách một chén rượu để lấy may mắn.

Cô bé dân tộc Dao vui vẻ khi được tặng 2 quả trứng đỏ trong năm mới.

Cũng theo những người có uy tín ở xã Tả Phìn, huyện Sìn Hồ, tục nhuộm trứng đỏ ở Sìn Hồ được các gia đình đồng bào Dao duy trì khá lâu đời. Từ khi các ông bà còn nhỏ đã được bố mẹ tặng trứng đỏ vào những ngày đầu năm mới để mong con mình luôn gặp may mắn và có cuộc sống no đủ. Đến khi các ông bà lập gia đình vẫn giữ truyền thống tốt đẹp đó và truyền lại cho con cháu. Các ông bà rất vui và tự hào vì dù qua nhiều thế hệ nhưng phong tục này vẫn được con cháu người Dao gìn giữ nguyên vẹn. Với các con cháu ở xa, mỗi lần trở về vẫn được nhắc nhở giữ gìn phong tục đó, bởi đây là nét văn hóa truyền thống của dân tộc Dao.

Cùng với những phong tục truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, phong tục nhuộm trứng đỏ làm quà tặng vào đầu năm mới của đồng bào Dao ở huyện Sìn Hồ cũng là một nét văn hóa đẹp cần được bảo tồn, lưu giữ. Trong nhịp sống hối hả, hiện đại ngày nay, mỗi nét đẹp văn hóa đó như một mạch nguồn làm phong phú thêm cho vốn văn hóa truyền thống của 54 dân tộc Việt Nam, để lưu truyền và còn mãi đến muôn đời sau.


Tác giả: Lao U
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 319
Hôm qua : 3.981
Tháng 12 : 129.935
Năm 2024 : 2.440.185
Tổng số : 83.906.278