A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Phát triển chăn nuôi đàn gia súc ở huyện Tân Uyên

(laichau.gov.vn)

Tận dụng tiềm năng, lợi thế của địa phương, những năm qua, huyện Tân Uyên đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ nhằm thúc đẩy phát triển chăn nuôi, chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ theo phương thức truyền thống, thả rông sang chăn nuôi tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa. Qua đó, góp phần nâng cao giá trị kinh tế ngành chăn nuôi trên địa bàn huyện.

 

Trang trại chăn nuôi đại gia súc theo chuỗi liên kết sản xuất chế biến sản phẩm của gia đình chị Đàm Thị Nhiễu (tổ dân phố số 5, thị trấn Tân Uyên).

Vừa qua, chúng tôi được cán bộ thị trấn Tân Uyên giới thiệu một mô hình chăn nuôi đại gia súc có quy mô tập trung và lớn nhất huyện đến thời điểm hiện tại. Đó là trang trại chăn nuôi của gia đình chị Đàm Thị Nhiễu (tổ dân phố số 5). Không hổ danh là trang trại nổi tiếng khi bất cứ ai đến đây đều thấy được sự “chuyên nghiệp” trong chăn nuôi của cơ sở này.

Chị Đàm Thị Nhiễu đưa chúng tôi tham quan khu chuồng trại chăn nuôi ở vị trí cách xa nhà ở, xa khu dân cư xanh mướt màu cỏ voi. Trao đổi với chúng tôi, chị cho biết: Trang trại của gia đình luôn duy trì không dưới 100 con gồm: Bò, dê, lợn. Sau thời điểm dịch Covid-19 vừa qua, trang trại vẫn còn 50 con bò, 30 con dê và 20 con lợn (cả lợn nái và lợn con). Trang trại còn bán con giống cho người dân khu vực xung quanh. Đặc biệt, trang trại xây dựng khu vực chăn nuôi, giết mổ, chế biến thực phẩm thành một khâu khép kín từ chăn nuôi, giết mổ cho đến chế biến thực phẩm như: Thịt sấy, xúc xích, giò, chả, kể cả bán thịt tươi. Do đó, nguồn thực phẩm từ trang trại đảm bảo tuyệt đối vệ sinh an toàn thực phẩm.

Để có nguồn thức ăn cho chăn nuôi, trang trại thuê nhân công (người lao động địa phương) tiến hành trồng cỏ, mua rơm tươi của bà con nông dân ở khu vực lân cận sau mỗi vụ thu hoạch và muối rơm sinh học để dự trữ thức ăn cho mùa đông. Thường xuyên vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, thoáng mát vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông; thực hiện các biện pháp phòng bệnh như: Tiêm vắc xin, phun tiêu độc khử trùng… Do đó, gia súc luôn khỏe mạnh, béo tốt, cho năng suất cao. Được biết, trung bình mỗi năm, trang trại thu lãi khoảng 300 triệu đồng.

Ngoài trang trại chăn nuôi quy mô lớn của gia đình chị Nhiễu còn có khu chăn nuôi của gia đình ông Phan Văn Vinh (tổ dân phố số 6, thị trấn Tân Uyên) cũng là một trong những cơ sở điển hình về chăn nuôi trên địa bàn huyện, với tổng đàn 30 - 50 con bò. Nhờ diện tích đất rộng, gia đình ông Vinh đầu tư hệ thống chuồng trại nuôi nhốt tập trung, quy hoạch bãi trồng cỏ voi đảm bảo nguồn thức ăn thường xuyên. Cũng nhờ thực hiện đúng quy trình kỹ thuật từ chăm sóc đến tiêm phòng vắc xin, vệ sinh chuồng trại, đàn bò của gia đình ông sinh trưởng, phát triển ổn định, hàng năm cho thu nhập khá cao.

Không chỉ gia đình chị Nhiễu, ông Vinh, nhiều hộ gia đình trên địa bàn huyện Tân Uyên cũng xem chăn nuôi là một nghề đem lại hiệu quả kinh tế cao song song với trồng trọt. Bởi xét về giá trị kinh tế và mức độ sinh sản của vật nuôi thì việc sinh lời là rất nhanh. Do đó, chăn nuôi đại gia súc theo hướng hàng hóa đã và đang trở thành phong trào của huyện thời gian gần đây.

Theo số liệu báo cáo, tổng đàn gia súc đến hết tháng 5/2020 từ Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Tân Uyên, hiện nay huyện có 3 trang trại nông nghiệp tổng hợp, trồng trọt, chăn nuôi; 225 hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô gia trại. Tổng đàn đại gia súc có 17.600 con trâu, trên 1.800 con bò, gần 7.200 con dê, cừu và 193 con ngựa. Trong đó, Nậm Sỏ được nhắc đến là địa phương số 1 của huyện có đàn đại, tiểu gia súc lớn nhất (gần 12.400 con), trong đó đàn trâu có 3.700 con; đàn dê, cừu trên 3.000 con. Tiếp đến là các xã có đàn trâu lớn như: Trung Đồng (gần 2.800 con), Mường Khoa (trên 2.400 con), Pắc Ta, thị trấn Tân Uyên… Điều đó lý giải vì sao trong 5 năm qua, tốc độ tăng trưởng đàn gia súc trung bình hàng năm của huyện đạt 2,4%.

Được biết, để khuyến khích các hộ gia đình, hợp tác xã trên địa bàn sử dụng giống vật nuôi có giá trị kinh tế cao, huyện Tân Uyên đã có nhiều cơ chế, chính sách, hỗ trợ giúp các hộ chăn nuôi phát triển theo hướng tập trung, từng bước chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ theo phương thức truyền thống, thả rông sang chăn nuôi tập trung và có tính toán theo hướng sản xuất hàng hóa. Theo đó, huyện đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn mở các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi; hướng dẫn, hỗ trợ chăn nuôi trồng cỏ voi; tuyên truyền tới hộ chăn nuôi chủ động dự trữ thức ăn cho gia súc vào mùa đông; tổ chức tiêm phòng vắc xin định kỳ, phun tiêu độc khử trùng vệ sinh chuồng trại thường xuyên nhằm hạn chế dịch bệnh…

Đối với thói quen thả rông gia súc, các địa phương đã siết chặt quy định về việc chăn nuôi không để ảnh hưởng đến môi trường xung quanh và phá hại mùa màng thông qua các nội dung trong quy ước, hương ước của các thôn, bản. Do đó, hiện nay, nhiều gia đình làm trang trại chăn nuôi xa gia đình, trên lán, nương, thuận lợi cho việc chăn thả và kiểm soát đàn vật nuôi. Các xã, thị trấn cũng tuyên truyền tới người dân chủ động tích trữ rơm, rạ, trồng cỏ voi để chủ động nguồn thức ăn cho vật nuôi trong những mùa mưa, rét. Hiện nay nhiều địa phương hoàn toàn chủ động được nguồn thức ăn chăn nuôi và ý thức hơn trong chăm sóc đàn vật nuôi trong mùa đông nên đã giảm thiệt hại do chết đói, chết rét.

Ông Nguyễn Văn Vinh – Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện cho biết: Tân Uyên có địa bàn rộng, là điều kiện thuận lợi cho việc trồng cỏ và dự trữ nguồn thức ăn chăn nuôi gia súc. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, công tác trồng rừng thực hiện quyết liệt nên nhiều bãi chăn thả bị thu hẹp. Xuất phát từ thực tế đó, song song với chủ trương quy hoạch lại vùng chăn nuôi, huyện giao cơ quan chuyên môn tham mưu cải tạo đàn gia súc bằng cách thụ tinh nhân tạo đàn trâu bò giống để nhân giống rộng rãi trên địa bàn.

Ông Vinh cũng khuyến cáo: Đối với đại gia súc, vào thời điểm giao mùa thường xảy ra các loại dịch bệnh như: Lở mồm long móng, tụ huyết trùng trên đàn trâu, bò. Trong khi đó, một bộ phận hộ chăn nuôi thường nuôi trên các lán nương, tình trạng thả rông gia súc vẫn còn khiến cho công tác kiểm soát dịch bệnh gặp khó khăn. Do đó, Trung tâm đã tham mưu cho UBND huyện ban hành văn bản chỉ đạo về công tác phòng, chống dịch bệnh trong chăn nuôi. Tăng cường tuyên truyền bà con tiêm phòng đúng thời điểm; vệ sinh chuồng trại thường xuyên; chăn nuôi tập trung để kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh. Khi phát hiện gia súc có bệnh phải báo ngay cho cơ quan chuyên môn để được hướng dẫn kỹ thuật điều trị bệnh, cứu gia súc kịp thời.

Với triển vọng phát triển chăn nuôi và những giải pháp cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, mong rằng chăn nuôi sẽ trở thành thế mạnh trong phát triển kinh tế, đóng góp đắc lực cho công cuộc xóa đói giảm nghèo của huyện Tân Uyên.


Tác giả: Thu Trang
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.086
Hôm qua : 6.019
Tháng 04 : 127.440
Năm 2024 : 799.030
Tổng số : 82.265.123