• :
  • :
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Sức sống chè Lai Châu

(laichau.gov.vn)
Ươm mầm trên dải đất địa đầu Tây Bắc từ những năm 1960 của thế kỷ trước, đã có thời điểm, cây chè dường như bị lãng quên, hòa vào những loài cây hoang dại ven các sườn đồi. Nhưng giờ đây, nhờ chủ trương đúng đắn của tỉnh, cây chè tiếp tục được bám rễ, sinh sôi trở lại trên khắp các vùng quê Lai Châu. Những nương chè xanh ngút tầm mắt, hương chè thoang thoảng bay, vị chát, ngọt nơi đầu lưỡi và hiện hữu trên thương trường thế giới. 

Nương chè xanh ngút tầm mắt ngày càng được nhân rộng tại tỉnh Lai Châu.

Thăng trầm nghề chè

Theo dòng hồi tưởng của những người đầu tiên đặt chân lên Tây Bắc xây dựng vùng kinh tế mới, sau chiến thắng lịch sử Điện Biên phủ, rời bỏ màu xanh áo lính, một số đồng chí bộ đội (quê quán chủ yếu ở các tỉnh miền xuôi) quyết tâm bám trụ lại Lai Châu, hợp tác thành lập các nông trường phát triển kinh tế. Lúc đầu, chưa xác định trồng chè mà tập trung chăn nuôi bò và trồng cây cà phê. Tuy nhiên, với điều kiện thời tiết khắc nghiệt, mùa đông nhiệt độ xuống thấp, mùa khô không đủ nước tưới nên có năm cà phê, bò chết hàng loạt. Sau đó, cây chè hiện hữu như là lựa chọn tối ưu của các Nông trường Quốc doanh Chè Tam Đường và Than Uyên (thuộc Bộ Nông trường).

Sau khi Nhà nước chuyển đổi cơ chế, các Nông trường được Trung ương chuyển về tỉnh quản lý với một nửa số vốn do Nhà nước bao cấp. Lúc đó, 2 Nông trường được đổi tên thành Công ty Chè Tam Đường và Công ty Chè Than Uyên hoạt động ở 2 khu vực độc lập. Do chưa có kinh nghiệm trong quản lý, hoạch định chiến lược kinh doanh, các Công ty chỉ giao chỉ tiêu sản phẩm và làm theo kế hoạch nên không khuyến khích tính chủ động, sáng tạo và nâng cao hiệu quả trong lao động sản xuất của các tổ, đội công nhân. Thị trường tiêu thụ còn nghèo nàn, đơn điệu. Bài toán phát triển cây chè vẫn loay hoay đi tìm lời giải trong thời gian dài. Từ năm 1990 trở đi, tỉnh sắp xếp sản xuất lại: Chỉ trồng chè ở những diện tích đất tốt; đất xấu giao lại cho các địa phương thâm canh các loại cây phù hợp. Diện tích chè vì thế bị thu hẹp và tập trung vào chất lượng, được các Công ty đầu tư kỹ thuật, phân bón chăm sóc kỹ hơn, chất lượng sản phẩm chè ngày càng được nâng lên. Cây chè dần dần được vực lại.

Mặc dù vậy, quá trình tồn tại, phát triển của cây chè luôn trải qua những thăng trầm do những nguyên nhân chủ quan, khách quan mang lại. Khi cây chè đã tìm lại được màu xanh vốn có, các cơ sở thu mua chè búp tươi lại tiếp tục phải đối mặt với nạn “chè vàng Trung Quốc” khi người trồng chè vì lợi nhuận trước mắt mà khai thác, tận thu những búp chè tươi tới mức cạn kiệt. Chưa dừng lại ở đó, các máy chế biến, sao sấy chè mini mọc lên nhiều khiến cho nguồn chè nguyên liệu không thu về một mối, hiện tượng tranh mua tranh bán giữa các đơn vị thu mua từ đó nảy sinh. Vùng chè lại một lần nữa gần như bị phá nát.

Chè hồi sinh trên những mảnh đất cằn

Năm 2004, tỉnh chuyển về vùng quê mới Lai Châu. Lúc ấy, ngoài cây lúa, ngô, sắn đảm bảo nguồn lương thực thì chè là cây công nghiệp đóng vai trò chủ lực để tạo thêm nguồn thu nhập cho Nhân dân. Do vậy, tỉnh vẫn kiên định chủ trương từng bước củng cố, thâm canh vùng chè. Cơ quan Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN & PTNT) đã tham mưu cho tỉnh Lai Châu xây dựng Đề án phát triển vùng chè trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011 - 2014. Đề án có hiệu lực từ cuối năm 2011; ngoài mục tiêu phát triển trồng mới cây chè tại 2 huyện: Tam Đường, Tân Uyên, còn tiến hành phân vùng nguyên liệu cho các Công ty, doanh nghiệp chế biến chè nhằm hạn chế tình trạng tranh mua, tranh bán. Đồng thời Đề án cũng gắn trách nhiệm cho các nhà máy trong việc hướng dẫn kỹ thuật, ký kết hợp đồng, bao tiêu sản phẩm, ứng trước phân bón cho người trồng chè.

Ông Hà Văn Um, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lai Châu nhận định: Thời gian đầu thực hiện việc phân vùng nguyên liệu chè cũng gặp không ít khó khăn do tình trạng mua bán tự do vẫn còn diễn ra phổ biến ở các cơ sở thu mua nguyên liệu chè búp tươi. Trong thực hiện nhiệm vụ trồng chè mới, các địa phương gặp rất nhiều thuận lợi vì Nhân dân các vùng thuộc dự án trồng chè tại 2 huyện: Tam Đường, Tân Uyên đồng lòng, ủng hộ cao. Do vậy, diện tích trồng chè mới ở các năm đều vượt so với kế hoạch tỉnh giao.

Năm 2014, theo kế hoạch, tỉnh Lai Châu trồng mới 85ha chè song con số thực tế đã lên tới 137ha (tăng 52ha); năm 2015: kế hoạch giao là 150ha nhưng Nhân dân các địa phương đã trồng lên tới 369ha (tăng 219ha)... Đối với công tác phân vùng nguyên liệu, nhờ vận động, tuyên truyền và đặc biệt là tỉnh thực hiện nghiêm túc nguyên tắc thưởng – phạt nên đã dần đi vào quy củ, tình trạng tranh mua, tranh bán đã được khắc phục; số lượng các cơ sở sao sấy chè mi ni giảm hẳn. Vùng nguyên liệu do các Công ty chè quản lý có sản lượng chè năm sau cao hơn năm trước. Đồng thời, các đơn vị cũng đã chủ động đổi mới dây chuyền sản xuất, đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại, cải tiến mẫu mã để sản xuất đa dạng các loại sản phẩm. Bên cạnh đó, còn năng động tìm kiếm thị trường tiêu thụ ở các nước ngoài. 2 Công ty có quy mô sản xuất chè lớn nhất tỉnh hiện tại là Công ty Cổ phần Trà Than Uyên và Công ty Cổ phần Trà Tam Đường đã tìm được chỗ đứng ổn định trên thương trường chè thế giới, nhận được nhiều đơn đặt hàng, doanh thu không ngừng tăng trưởng và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước. Đặc biệt là đã giải quyết công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương, các khu, điểm tái định cư để người dân có nguồn thu nhập ổn định, đảm bảo cuộc sống.

“Đây chưa hẳn là thời điểm “thịnh” nhất của cây chè, mới tạm gọi là ổn định để có thể vững tin, tạo đà cho những bước tiếp theo trong tương lai với nhiều chủ trương, dự định mới của tỉnh Lai Châu” – ông Hà Văn Um khiêm tốn. Sau khi tổng kết Đề án phát triển vùng chè trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011 – 2014, tỉnh tiếp tục ban hành thực hiện Đề án phát triển vùng chè tập trung chất lượng cao giai đoạn 2015 – 2010. Theo đó, từ nay đến năm 2020, tỉnh sẽ trồng mới 1.200 ha, nâng tổng diện tích chè mới toàn tỉnh lên trên 2.000ha. Sẽ tiếp tục mở rộng thêm diện tích chè ở 3 huyện: Tam Đường, Tân Uyên, Than Uyên (1.000ha) và 200ha tại xã Xà Dề Phìn (Sìn Hồ) ở độ cao 1.600 – 1.700m so với mực nước biển.

Dù sự đào thải của thời gian có khắc nghiệt, cây chè vẫn có sức sống trường tồn, mãnh liệt, gắn bó lâu dài với mảnh đất Lai Châu. Với những kết quả đã có, chắc chắn, cây chè còn bám rễ sâu hơn và không ngừng sinh sôi để Lai Châu phát triển ổn định, sánh vai các tỉnh trong khu vực. 

Hồng Hải


Nguồn: laichau.gov.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 2.659
Hôm qua : 6.259
Tháng 04 : 197.779
Năm 2025 : 746.351
Tổng số : 84.703.284