A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Lai Châu nỗ lực tái đàn gia súc, gia cầm

(laichau.gov.vn)

Sau tết Nguyên đán, tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã cơ bản được xuất bán để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp tết. Do đó, để bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho người dân, các ngành chức năng của tỉnh đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện việc tái đàn theo hướng có kiểm soát, an toàn và chất lượng kết hợp với phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi.

Chị Hoàng Thị Từ, Tổ 23, phường Đông Phong, thành phố Lai Châu chăm sóc đàn lợn.

Tới thăm khu chăn nuôi của gia đình chị Hoàng Thị Từ, Tổ 23, phường Đông Phong, thành phố Lai Châu, chúng tôi thấy khu vực chăn nuôi của gia đình đều được vệ sinh sạch sẽ, khử khuẩn cẩn thận. Chị Từ cho biết: Để đảm bảo an toàn cho việc tái đàn lợn, đàn gà, gia đình tôi đã rắc vôi, vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại, sau đó sẽ “phơi” chuồng khoảng 60 - 70 ngày rồi mới tái đàn trở lại. Đối với lợn giống, gà giống, gia đình tôi quan tâm, chọn mua những con giống tại nơi có uy tín và khỏe mạnh. Do giá thức ăn chăn nuôi và một số chi phí sản xuất năm nay tăng cao nên gia đình tôi không tăng đàn ồ ạt, nắm bắt thời điểm chăn nuôi hợp lý. Hiện gia đình tôi có hơn 400 con gà, 60 con lợn thương phẩm.

Còn gia đình anh Nguyễn Đăng Cần, Tổ 23, phường Đông Phong, thành phố Lai Châu là một trong những hộ gia đình có kinh nghiệm nhiều năm chăn nuôi gia cầm. Hàng năm, gia đình anh bán ra thị trường từ 5.000 đến 6.000 con gà, vịt giống. Anh Cần chia sẻ: Bên cạnh thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia cầm trước khi tái đàn, tôi còn chú trọng nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi, cung cấp thức ăn, nước uống sạch, bổ sung vitamin, men tiêu hóa; sử dụng bóng đèn để sưởi ấm cho vật nuôi, nhất là vào ban đêm.... nên đàn vật nuôi của gia đình sinh trưởng tốt, mang lại nguồn thu nhập khá mỗi năm.

Nhờ được sưởi ấm trong chuồng trại, bổ sung đầy đủ vitamin nên đàn vịt giống nhà anh Nguyễn Đăng Cần, Tổ 23, phường Đông Phong, thành phố Lai Châu sinh trưởng tốt.

Để công tác tái đàn hiệu quả, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân, ngay sau tết Nguyên đán Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; triển khai Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường; chuẩn bị vắc xin, hóa chất, vật tư phục vụ công tác tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm; chỉ đạo các địa phương hình thành các chuỗi liên kết, thành lập thêm các trang trại, hợp tác xã chăn nuôi. Đồng thời, định hướng mở rộng phương thức chăn nuôi công nghiệp quy mô trang trại, có liên kết gắn với nhu cầu thị trường; ứng dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường; tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có trong sản xuất nông nghiệp phối trộn làm thức ăn để giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu quả trong chăn nuôi...

Đồng chí Phạm Anh Hùng - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Để công tác tái đàn đạt hiệu quả, an toàn ngay từ đầu năm, Chi cục đã đẩy mạnh tuyên truyền để người dân chủ động tái đàn, tránh tình trạng bỏ trống chuồng nuôi; hướng dẫn các cơ sở sản xuất con giống tại địa phương tăng cường việc nhân giống, cung ứng con giống đảm bảo chất lượng, an toàn dịch bệnh; khuyến khích các cơ sở, hộ chăn nuôi tái đàn, tăng đàn nhưng vẫn phải đảm bảo điều kiện về vệ sinh thú y, an toàn dịch bệnh. Cùng với đó, các cơ quan chuyên môn của các huyện, thành phố đã chủ động hướng dẫn các trang trại, hộ chăn nuôi các biện pháp tái đàn, tăng đàn đảm bảo an toàn sinh học; định kỳ tổ chức vệ sinh, khử trùng, tiêu độc các khu chăn nuôi và tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin theo đúng quy định...

Sau nhiều nỗ lực thực hiện tái đàn, bằng nhiều biện pháp đồng bộ, thận trọng, tỉnh Lai Châu đã từng bước tái đàn gia súc, gia cầm an toàn, đảm bảo nguồn cung các loại thịt cho thị trường. Tổng đàn gia súc chính (trâu, bò, lợn) tại thời điểm tháng 3/2022 ước đạt 317.015 con, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2021. Sản lượng thịt hơi 3 tháng đầu năm 2022: Sản lượng thịt trâu, bò đạt khoảng 650 tấn, sản lượng thịt lợn ước đạt gần 3,5 nghìn tấn, tăng 0,6% so cùng kỳ. Tổng đàn gia cầm tại thời điểm tháng 3/2022 đạt 1.618 nghìn con, tăng 6,3% so với cùng kỳ; sản lượng thịt gia cầm ước đạt 1.025 tấn, tăng 9.3% so cùng kỳ; sản lượng trứng gia cầm các loại ước đạt 4,7 triệu quả, tăng 0,5% so với cùng kỳ...

Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung hàng hóa, bền vững, tăng cường chuyển đổi phương thức chăn nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhằm gia tăng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi trong cơ cấu ngành nông, lâm, thủy sản; phát triển sản xuất gắn với phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường sinh thái. Đồng chí Đặng Văn Châu - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lai Châu cho biết: Để triển khai tốt kế hoạch phát triển chăn nuôi năm 2022, Sở đang tập trung rà soát, đánh giá thực trạng quy mô chăn nuôi từng địa phương; tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025; chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi; tạo điều kiện cho các Hợp tác xã, trang trại nâng cấp, mở rộng quy mô hoạt động sản xuất...

Năm 2022, Lai Châu phấn đấu tổng đàn gia súc toàn tỉnh sẽ đạt 336.100 con, trong đó đàn trâu 92.660 con, đàn bò 22.840 con, đàn lợn 220.600 con; tốc độ tăng trưởng đàn gia súc 5%/năm. Tổng đàn gia cầm 1.680 nghìn con. Sản lượng thịt các loại đạt 16,5 nghìn tấn, trong đó thịt lợn đạt trên 11 nghìn tấn. Để đạt được mục tiêu này, Lai Châu tiếp tục kiểm soát tốt tình hình chăn nuôi, không để các loại dịch bệnh nguy hiểm xảy ra trên động vật nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại về kinh tế; các địa phương trong tỉnh cần làm tốt khâu tái đàn vật nuôi; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về giống, thức ăn, thú y, quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng để nâng cao năng suất, chất lượng và hạ giá thành sản phẩm; xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất an toàn gắn với tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi. Các địa phương đẩy mạnh việc chăn nuôi gia súc, gia cầm phải đảm bảo phát triển bền vững, an toàn dịch bệnh và hiệu quả cao; phát huy lợi thế của từng địa phương để chăn nuôi những vật nuôi đặc sản, các giống bản địa có giá trị kinh tế cao dựa trên các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi sẵn có tại địa phương...


Tác giả: Ngọc Sánh
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 5.991
Hôm qua : 5.911
Tháng 09 : 39.422
Năm 2024 : 1.845.467
Tổng số : 83.311.560