Lai Châu: Dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật
![]() Các học viên học nghề tại Công ty may MK |
Công ty TNHH Một thành viên May thêu thời trang MK vừa khai giảng lớp dạy may dân dụng cho 18 đối tượng người khuyết tật trên địa bàn tỉnh. Trước đó 3 tháng, Công ty đã đi sơ tuyển tại các địa phương, sơ tuyển đến đâu, Công ty lại đón luôn các em có đủ điều kiện về bố trí chỗ ăn, nghỉ và dạy nghề miễn phí. Bởi vậy trong ngày khai trương, các em đã biết đi các đường may cơ bản, một số em đã may thành thạo.
Trong số 18 học viên học may tại Công ty, mỗi em có một hoàn cảnh, một khiếm khuyết trên cơ thể. Nhưng các em đều có một điểm chung là muốn có một việc làm tự nuôi sống bản thân để không mặc cảm với cộng đồng xung quanh. Em Lừu Văn Xuân ở xã Bản Giang, huyện Tam Đường lúc 18 tuổi do vô ý đã bị máy cắt gạch cắt đi chân trái. 9 năm qua, mặc dù được gia đình động viên nhưng Xuân luôn dằn vặt mình là người vô dụng, sống khép kín với những người xung quanh. Khi có thông tin tuyển dụng từ Công ty may MK dành cho đối tượng những người khuyết tật, Xuân đã mạnh dạn đăng ký và được nhận dạy nghề. Hơn 3 tháng qua từ khi được đón về, Xuân đã vui vẻ nói cười và chăm chỉ học tập. Xuân cho biết: Được đón về Công ty, được thầy cô dạy nghề may em rất vui. Ban đầu khi học cũng khá khó khăn với những người như chúng em nhưng bây giờ thì em đã bắt đầu biết may rồi. Em đang cố gắng học để có thể may hoàn chỉnh một sản phẩm. Sau khi học xong em sẽ xin ở lại để làm việc cho Công ty, có điều kiện nuôi sống bản thân.
Em Tô Thị Huyền, phường Tân Phong, Thành phố Lai Châu lại có hoàn cảnh khác. Đang học lớp 11, do bị áp lực, căng thẳng nên Huyền mắc chứng bệnh thần kinh. Qua nhiều năm chữa trị, hiện Huyền cũng đỡ hơn nhưng chưa thể khỏi hẳn. Suốt thời gian qua, Huyền sống dựa vào gia đình vì không xin được việc làm bên ngoài. Sau khi được tuyển dụng vào để học nghề, sự tự tin vào bản thân cũng phần nào giúp Huyền giảm bệnh tật. Dù phía trước còn nhiều khó khăn nhưng em vẫn đang cố gắng để học cho được một cái nghề. “Lúc bắt đầu được ngồi máy em chẳng biết dậm máy thế nào, máy thì cắm điện em dậm 1 lần là nó chạy mãi không ngừng được. Bây giờ thì em đã điều khiển được nó theo ý mình. Em mong muốn học may thành thạo để sau khi xong thời gian học em sẽ xin làm việc luôn cho Công ty” – Tô Thị Hiền phấn khởi cho biết.
18 học viên của Công ty may MK phần lớn là người khuyết tật ở huyện Tam Đường, Phong Thổ và Thành phố Lai Châu. Mặc dù cơ sở vẫn còn nhiều khó khăn nhưng các em luôn được tạo điều kiện tốt nhất để học. Ngoài việc được miễn học phí, được Nhà nước hỗ trợ 25.000 đồng/ ngày, các em còn được Công ty bố trí chỗ ăn, ở đầy đủ. Ông Đoàn Văn Mùi, Giám đốc Công ty TNHH may thêu thời trang MK cho biết: Công ty chúng tôi xác định trước là sẽ có nhiều khó khăn, có em thì khó khăn trong việc đi lại, khó khăn trong giao tiếp, lại có em có vấn đề về thần kinh… Vì thế chúng tôi cũng bàn bạc, thống nhất với giáo viên dạy các em bằng cái tâm, bằng tấm lòng và dạy hết khả năng của mình. Các em đều được cầm tay chỉ việc, học từng chút, từng ngày nên hiện giờ, một số em đã may thạo. Dự định của công ty sau khi đào tạo nghề sẽ nhận các em ở lại làm việc và trả lương theo sản phẩm. Nếu em nào không muốn ở lại công ty cũng sẽ tạo điều kiện để các em mở được cửa hàng may.
Hiện nay, toàn tỉnh có 2.724 người khuyết tật. Trong những năm qua, ngành Lao động, Thương binh & Xã hội tỉnh cũng đã thực hiện các chính sách hỗ trợ cho các đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó có đối tượng người khuyết tật. Tuy nhiên, do mặc cảm nên số lượng người khuyết tật tham gia các lớp học nghề rất ít. Trước tình hình trên, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã khảo sát nhu cầu và tổ chức 2 lớp dạy nghề may dân dụng cho 30 người khuyết tật. Việc mở lớp dạy nghề dành riêng cho người khuyết tật đã được nhiều người khuyết tật trong tỉnh đăng ký học.
Tuy vậy, để tạo nhiều cơ hội học nghề và việc làm hơn cho người khuyết tật, Sở đang tham mưu xây dựng chế độ, chính sách ưu tiên riêng trong dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật trên địa bàn tỉnh. Ông Trần Đỗ Công, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh cho biết: Sở đang xây dựng kế hoạch tham mưu trình UBND tỉnh ban hành chính sách, chế độ ưu tiên cho đối tượng người khuyết tật, từ đó sẽ có khảo sát và tổ chức lớp học theo nhóm đối tượng phù hợp với công việc. Sở cũng sẽ tổ chức các đợt tư vấn học nghề, tạo việc làm theo tình trạng khuyết tật của đối tượng, từ đó giúp họ xóa bỏ mặc cảm, hòa nhập với cộng đồng, có cơ hội lao động nuôi sống bản thân./.
Bích Cẩm - Tp Lai Châu