• :
  • :
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Trả lời ý kiến, kiến nghị cử tri từ sau Kỳ họp thứ mười hai đến trước Kỳ họp thứ mười bốn, HĐND tỉnh khóa XIV

(laichau.gov.vn)

Trong 6 tháng đầu năm 2020, Thường trực HĐND tỉnh Lai Châu đã xem xét, chuyển 65 kiến nghị của cử tri đã được các tổ đại biểu HĐND tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh tiếp thu, tổng hợp tại các cuộc tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ mười hai và trước Kỳ họp thứ mười bốn, HĐND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2016 - 2021 tới UBND tỉnh và 12 sở, ban, ngành. UBND tỉnh và các sở, ban, ngành đã có văn bản trả lời. Cổng Thông tin điện tử tỉnh Lai Châu tổng hợp một số ý kiến trả lời được dư luận quan tâm.

Quang cảnh Kỳ họp thứ mười bốn, HĐND tỉnh khoá XIV, nhiệm kỳ 2016 - 2021.

 

Nội dung trả lời kiến nghị của cử tri sau Kỳ họp thứ mười hai, HĐND tỉnh khóa XIV

Cử tri thị trấn Phong Thổ kiến nghị: Thực hiện Nghị quyết số 51/2016/NQ-HĐND ngày 14/10/2016 của HĐND tỉnh Lai Châu về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo Quốc phòng - An ninh các xã biên giới giai đoạn 2016 - 2020, các xã đã triển khai nhiều mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất trồng cây Sa nhân tím khoảng 30ha, thời gian tới sẽ tiếp tục thực hiện các mô hình nông, lâm nghiệp khác. Khi có sản phẩm bán ra lại phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, thường bị ép giá. Đề nghị cấp có thẩm quyền sớm xem xét tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp Sa nhân tím cho người dân.

Trả lời: Hiện nay, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 13/2019/NQ-HĐND ngày 23/7/2019 về Quy định chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Chính sách ban hành là điều kiện thuận lợi để thu hút doanh nghiệp liên kết thu mua, chế biến sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh nói chung, trong đó có sản phẩm Sa nhân tím. Trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục giao Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND các huyện giới thiệu các tổ chức, cá nhân liên kết với Nhân dân trong sản xuất, thu mua và chế biến sản phẩm cây Sa nhân trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, để việc phát triển cây Sa nhân không ảnh hưởng đến diện tích rừng hiện có, UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện Phong Thổ cần tuyên truyền truyền, phổ biến cho Nhân dân áp dụng các phương pháp chăm sóc, thâm canh, thu hoạch, sơ chế, bảo quản sản phẩm đảm bảo không gây hại đến môi trường, hệ sinh thái rừng; nghiêm cấm việc lấn chiếm, chặt phá rừng, ken cây rừng (làm cây chết đứng) để trồng Sa nhân; không chặt phá cây rừng để làm củi đốt, chỉ tận dụng cành khô, củi mục để sấy Sa nhân.

Cử tri xã Nậm Cuổi đề nghị: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, sửa chữa, xây đầu mối tuyến kênh thủy lợi Ná Tông, xã Nậm Cuổi để đảm bảo nước tưới phục vụ sản xuất của Nhân dân (diện tích khoảng 35 ha).

Trả lời: Công trình thủy lợi Ná Tông, xã Nậm Cuổi do công ty TNHH một thành viên quản lý Thủy nông tỉnh quản lý, đầu mối công trình là tường thu nước. Qua kiểm tra, hiện tại đầu mối vẫn đảm bảo thu nước dẫn vào tuyến kênh phục vụ sản xuất của người dân. Tuy nhiên để đảm bảo ổn định lâu dài, cần phải kiên cố đập đầu mối. Trong thời gian tới, công ty TNHH một thành viên quản lý Thủy nông tỉnh lập danh mục đề xuất chủ trương đầu tư xây dựng hạng mục đầu mối và sẽ triển khai thực hiện ngay sau khi được cấp kinh phí thực hiện.

Cử tri các xã Phúc Than, thị trấn Than Uyên kiến nghị: UBND tỉnh có đề án tổng rà soát lại các loại đất trên địa bàn tỉnh để thuận lợi trong việc quản lý, quy hoạch và sử dụng.

Trả lời: Hiện nay, UBND tỉnh đã giao cho UBND các huyện, thành phố phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai lập quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2030 và kế hoạch sử dụng đất năm 2021 của cấp huyện tại Công văn số 188/UBND-KTN ngày 06/02/2020. Theo đó, trong gian đoạn tới các loại đất trên địa bàn toàn tỉnh sẽ được rà soát, lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để sử dụng một cách tiết kiệm, có hiệu quả theo đúng quy định của pháp luật.

Cử tri bản Nà Pầu, xã Thân Thuộc đề nghị: UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ giống lúa lai cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo để tăng năng suất, đảm bảo lương thực cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Trả lời: Hiện nay, tỉnh đang hạn chế hỗ trợ giống lúa lai do: Giá giống lúa lai cao, việc gieo trồng giống lúa lai đòi hỏi đầu tư thâm canh cao, chi phí đầu tư lớn, trong khi chất lượng lúa lai thường không cao bằng các giống lúa thuần (ăn không ngon và giá gạo thấp hơn lúa thuần), ... Trên thực tế, đối với những diện tích gieo trồng lúa lai mà không đáp ứng được yêu cầu đầu tư thâm canh thì năng suất trung bình thấp hơn nhiều so với tiềm năng năng suất của giống và so với năng suất một số giống lúa thuần chất lượng. Hiện nay có nhiều giống lúa thuần chất lượng có tiềm năng, năng suất cao (trên 50 tạ/ha), mức đầu tư thâm canh phù hợp với điều kiện của người dân... Tuy nhiên, theo chính sách ban hành tại Quyết định số 12/2018/QĐ-UBND ngày 9/4/2018 của UBND tỉnh quy định thực hiện một số nội dung thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Lai Châu, có nội dung hỗ trợ: Đối với cây hàng năm hỗ trợ 100% giá giống, phân bón, thuốc BVTV; hỗ trợ theo diện tích thực tế và định mức được cấp có thẩm quyền phê duyệt; thời gian hỗ trợ 3 vụ sản xuất liên tiếp. Do đó, đề nghị UBND huyện Tân Uyên, UBND xã Thân Thuộc xem xét, căn cứ điều kiện đất đai, khí hậu, điều kiện thâm canh của bà con nông dân, nguồn kinh phí thực hiện chương trình,… xem xét hỗ trợ giống lúa lai cho bà con nông dân trên địa bàn.

Cử tri xã Thu Lũm đề nghị: UBND tỉnh xem xét, có chính sách hỗ trợ cho học sinh từ năm học 2020 - 2021 khi xã Thu Lũm không được hưởng chế độ chính sách theo Nghị định 116/2016/NĐ-CP khi xã Thu Lũm sẽ dự kiến đạt chuẩn nông thôn mới trong thời gian tới.

Trả lời: UBND tỉnh đã hoàn thiện dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 19/2018/NQ-HĐND ngày 10/12/2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quy định mức hỗ trợ tiền ăn cho học sinh tiểu học, THCS các xã khu vực II không được hưởng chế độ theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP để trình Hội đồng nhân dân tỉnh tại Kỳ họp thứ mười bốn (tháng 7/2020) theo hướng tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ tiền ăn theo quy định tại Nghị quyết số 19/2018/NQ-HĐND trong 3 năm học (từ năm học 2020 - 2021 đến hết năm học 2022 - 2023).

Trả lời kiến nghị của cử tri trước Kỳ họp thứ mười bốn, HĐND tỉnh khóa XIV

Cử tri huyện Phong Thổ kiến nghị: UBND tỉnh nghiên cứu bố trí kinh phí nâng cấp tuyến đường Sì Lở Lầu - Mồ Sì San và tuyến đường đi mốc 75, 76 xã Sì Lở Lầu để Nhân dân đi lại được thuận lợi.

Trả lời: UBND tỉnh tiếp thu ý kiến của cử tri huyện Phong Thổ, UBND tỉnh đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, trên cơ sở kế hoạch vốn đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025, xem xét thứ tự ưu tiên để đầu tư các tuyến đường trên.

Cử tri xã Pha Mu, Tà Hừa, huyện Than Uyên kiến nghị: UBND tỉnh xem xét bổ sung một số giống như: Nếp 86, Tan Pỏm, VAAS16 vào cơ cấu giống được hỗ trợ theo Quyết định số 29/2016/QĐ-UBND của UBND tỉnh Lai Châu ngày 30/8/2016 về việc ban hành Quy định thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lai Châu giai đoạn 2017 - 2021.

Trả lời: Theo chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lai Châu được ban hành tại Quyết định 29/2016/QĐ-UBND ngày 30/8/2016 của UBND tỉnh (sửa đổi tại Quyết định số 04/2020/QĐ-UBND ngày 17/01/2020), tỉnh Lai Châu chỉ hỗ trợ lúa thuần, với mục tiêu hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, tập trung, tạo sản phẩm hàng hóa.

Theo báo cáo của cơ quan chuyên môn, giống lúa nếp Tan Pỏm là giống lúa đặc sản của địa phương, được gieo trồng tại xã Tà Hừa, huyện Than Uyên diện tích gieo trồng hàng năm chiếm khoảng 3-4% tổng diện tích gieo trồng vụ mùa của huyện. Do diện tích gieo trồng nhỏ, chưa thực hiện khảo nghiệm nên không đủ điều kiện để đưa vào cơ cấu giống hỗ trợ. Đối với các giống đặc sản địa phương như giống lúa nếp Tan Pỏm cần có mô hình khảo nghiệm, đánh giá và thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo Nghị định 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ.

Đối với giống lúa Nếp 86, VAAS16 đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận giống mới, công nhận lưu hành, đề nghị UBND huyện Than Uyên có báo cáo kết quả thực hiện mô hình trình diễn và văn bản đề xuất bổ sung cơ cấu giống lúa gửi Sở Nông nghiệp và PTNT xem xét, bổ sung vào cơ cấu giống của tỉnh.

Cử tri thị trấn Mường Tè kiến nghị: UBND tỉnh có cơ chế tạo việc làm cho Nhân dân khu tái định cư, hiện nay đã hết các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, Nhân dân không có việc làm.

Trả lời: Hiện nay, tỉnh Lai Châu đang thực hiện các chính sách hỗ trợ tạo việc làm và đào tạo nghề để chuyển đổi nghề nghề nghiệp cho người lao động nói chung và người lao động thuộc khu tái định cư nói riêng, cụ thể:

- Về chính sách hỗ trợ vay vốn từ quỹ quốc gia về việc làm: Tỉnh Lai Châu đang triển khai thực hiện theo Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09/7/2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm; Nghị định số 74/2019/NĐ-CP ngày 23/9/2019 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09/7/2015.

- Về chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài: Tỉnh Lai Châu đang triển khai thực hiện theo Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 02/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình MTQG về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020.

- Về chính sách hỗ trợ đào tạo nghề: Tỉnh Lai Châu đang triển khai thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 18/2011/NQ-HĐND ngày 16/7/2011 về thông qua Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Lai Châu giai đoạn 2011 - 2020”; UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 393/QĐ-UBND ngày 07/4/2016 về việc ban hành Kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh Lai Châu giai đoạn 2016 - 2020.

Bên cạnh đó, hàng năm, UBND tỉnh đã giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã giới thiệu các doanh nghiệp tuyển dụng lao động phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh và UBND các huyện, thành phố thực hiện tuyên truyền, tuyển chọn lao động đi làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh với hàng nghìn chỗ việc làm trống, phù hợp với điều kiện, trình độ của người lao động trên địa bàn tỉnh.

Như vậy, hiện nay các các chính sách hỗ trợ tạo việc làm và đào tạo nghề để chuyển đổi nghề nghề nghiệp cho người lao động đã được triển khai đầy đủ. Đề nghị UBND huyện Mường Tè chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND thị trấn Mường Tè tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến để người người lao động biết và thực hiện.

Cử tri thành phố Lai Châu đề nghị: UBND thành phố điều chỉnh hợp lý thời lượng tín hiệu đèn giao thông, cụ thể tăng thời gian đèn màu xanh từ 22 giây lên 40 giây cho chiều đi ngang qua đường 58 mét (vì bình thường người đi bộ với tốc độ trung bình thì 22 giây không thể đi hết 58 mét).

Trả lời: UBND thành phố đã chỉ đạo đơn vị chuyên môn kiểm tra, có phương án điều chỉnh thời gian đèn màu xanh từ 22 giây lên 30 giây đảm bảo phù hợp với lưu lượng phương tiện tham gia giao thông trên tuyến đường 58m và sẽ thực hiện điều chỉnh xong trước ngày 15/7/2020.


Tác giả: Lê Dũng
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 872
Hôm qua : 12.022
Tháng 04 : 178.760
Năm 2024 : 850.350
Tổng số : 82.316.443