Đoàn khảo sát cấp cao của ủy ban dân tộc và Unicef tại Việt Nam làm việc tại tỉnh ta
|
Theo Báo cáo Công tác chăm sóc giáo dục và bảo vệ trẻ em và tình hình triển khai Chỉ thị số 20/CT-TW ngày 05/11/2012 của Bộ Chính trị trên địa bàn tỉnh: Tính đến ngày 31/12/2012 toàn tỉnh có 140.254 trẻ em từ 0 đến 16 tuổi, trong đó trẻ em là người dân tộc thiểu số 124.825 người (chiếm 89% trên tổng số trẻ em); trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt là 8.425 trẻ (chiếm 6,1%); trên 500 trẻ em vi phạm pháp luật và có nguy cơ vi phạm pháp luật...
Theo đó, công tác khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi được triển khai và thực hiện có hiệu quả. Năm 2012, có 60.989 trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế đạt 97% trên tổng số trẻ dưới 6 tuổi. Chương trình tiêm chủng mở rộng được ưu tiên hàng đầu, 95,6% trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ 7 loại vắc xin.
Công tác giáo dục cho trẻ em đã có những chuyển biến tích cực, năm 2012 kết quả tỷ lệ huy động trẻ em 5 tuổi vào lớp mẫu giáo là 98,3%; trong độ tuổi học các lớp mầm non là 66%; 6 tuổi vào lớp 1 đạt 98%. Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số được hỗ trợ tiền ăn, đồ dùng học tập, miễn học phí, cấp sách giáo khoa, vở viết qua các chương trình dự án.
Công tác bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ngày càng được quan tâm, đến nay có trên 100 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ cấp thường xuyên và đột xuất tại xã, phường, thị trấn; tổ chức khám phân loại cho hơn 2000 trẻ em khuyết tật các loại, tổ chức phẫu thuật miễn phí cho hơn 800 cháu khuyết tật...
Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều trẻ em trong gia đình nghèo, vùng sâu, vùng xa mắc các bệnh hiểm nghèo như tim bẩm sinh, bệnh về máu, dị tật xương, bệnh về mắt...; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng còn 25,9% năm 2012; năm 2012 tình trạng học sinh tiểu học bỏ học 0,68%, số học sinh THPT bỏ học là 1,98%; số phòng học tạm, phòng học nhờ, mượn còn nhiều 1.537 phòng, chiếm 23,37%...
Tình hình triển khai Chỉ thị số 20/CT-TW ngày 05/11/2012 của Bộ Chính trị về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh bước đầu đã tạo được sự đồng thuận của nhân dân và chính quyền các cấp trong nhận thức, hành động, từ đó có trách nhiệm tham mưu đề xuất với chính quyền các cấp biện pháp nhằm tăng cường sự quan tâm, đầu tư, hỗ trợ để con em đồng bào các dân tộc của tỉnh có quyền được chăm sóc, giáo dục và bảo vệ...
Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo sở Y tế, Giáo dục, Lao động Thương binh xã hội đã có nhiều ý kiến, kiến nghị với Đoàn công tác về: Hỗ trợ các Chương trình đào tạo và đổi mới phương pháp dạy học; về cơ sở vật chất đặc biệt là đối với ngành học mầm non; nâng cao chất lượng sống cho các em học sinh ở vùng dân tộc thiểu số; có chính sách đặc thù để các thầy cô giáo yên tâm công tác ở vùng sâu vùng xa; xem xét hỗ trợ nguồn kinh phí đầu tư trang thiết bị cho ngành y tế đặc biệt là tuyến xã, đầu tư cho cơ sở khám chữa bệnh cấp tỉnh, huyện, xã; tiếp tục có chính sách nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là chính sách đào tạo cho cán bộ y tế là người địa phương...
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Giàng Seo Phử, UVTWĐ, Bộ Trưởng - Chủ nhiệm UBDT đã đánh giá cao sự nỗ lực cố gắng của lãnh đạo các cấp, các ngành và đồng bào dân tộc trên địa bàn tỉnh sau 10 năm với những thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, trong 63 tỉnh cả nước Lai Châu vẫn là một trong những tỉnh khó khăn nhất của cả nước. Tuy tỷ lệ giảm nghèo của Lai Châu nhanh nhưng chưa bền vững bởi các điều kiện tự nhiên, các yếu tố đảm bảo cho sự bền vững là rất thấp...
Đồng chí Chủ nhiệm UBDT đề nghị tỉnh Lai Châu cần quan tâm đến các dân tộc đặc biệt khó khăn như dân tộc Mảng, SiLa, Cống...; Cần có sự phân công các sở, ban, ngành giúp đỡ các dân tộc này; tránh tình trạng trông chờ, ỷ lại của một bộ phận cán bộ và người dân, nhất là đối với các dân tộc đặc biệt khó khăn. Đồng chí đề nghị Unicef giành nhiều sự quan tâm tới các vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn như Lai Châu đặc biệt là về giao thông, các điểm trường, vấn đề chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ và trẻ em nhất là người dân tộc thiểu số và có sự kết hợp chặt chẽ với địa phương.
Đ/c Phó Chủ tịch Vương Văn Thành tặng chiếc đàn tính tẩu
của người dân tộc Thái ở Lai Châu cho đồng chí Giàng Seo Phử
Tại buổi làm việc, bà LottasylWandeer, Trưởng đại diện Unicef tại Việt Nam đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm của tổ chức Unicef như: Cần phải đánh giá được tình hình hiện tại ở địa phương thông qua các con số cụ thể đến từng hộ gia đình, đó sẽ là cơ sở để lập kế hoạch và có phương án khắc phục những khó khăn, hạn chế. Trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, cần phải đảm bảo việc giao tiếp được với người dân tộc thiểu số, phải chủ động cung cấp dịch vụ cho họ. Về nước sạch và vệ sinh, cần cung cấp cho người dân một số kỹ năng cơ bản như lấy nước mưa và giữ nước mưa...
Về hỗ trợ cụ thể cho Lai Châu, bà LottasylWandeer cho biết sẽ có hỗ trợ cho Lai Châu về mặt kỹ thuật như phân tích, đánh giá thực trạng tại Lai Châu; nếu được UBND tỉnh xem xét và quan tâm tới chương trình đào tạo song ngữ, Uniccefe sẽ mở rộng đưa chương trình đào tạo này vào Lai Châu; sẽ phối hợp với sở y tế thiết lập gói hỗ trợ giảm tỷ lệ tử vong ở bà mẹ và trẻ em... đồng thời Unicef sẽ thảo luận thêm với một số nhà tài trợ tiềm năng để tìm nguồn hỗ trợ nước sạch, chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ...
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Vương Văn Thành đã cảm ơn những chia sẻ quý báu của đại diện Unicef tại Việt Nam, đồng thời đồng chí yêu cầu các sở, ban, ngành cần duy trì sự liên lạc và phối hợp chặt chẽ để tranh thủ sự giúp đỡ của tổ chức này trong thời gian tới.
Đinh Lan