Ký ức Tết quê
![]() Phiên chợ quê (Ảnh: Thu Hiền) |
Tết quê khác Tết phố ở nhiều điều, nhưng có lẽ khác nhất ở không khí đón Tết, ở những nếp sinh hoạt mang nhiều hơn tính nông thôn. Ở nhiều vùng quê, cho đến tận bây giờ, khi mà ít nhiều cái chất thành thị và làn gió đô thị hóa đã len lỏi, xâm lấn và rồi tràn qua cả lũy tre làng thì có những thói quen, nếp sinh hoạt ngày Tết vẫn giữ được những nét đặc trưng riêng có.
Để chuẩn bị cho Tết thì trước đó phải chừng đến nửa tháng, nhiều gia đình đã sửa sang lại nhà cửa. Nếu là trước đây, cứ đến những ngày áp Tết, các ông bố lại đạp chiếc xe xuống chợ để mua vôi, ve về trang trí. Ngày đó, ve xanh, ve vàng là phổ biến hơn cả. Cũng bởi vậy, với lũ trẻ con, cứ khi nào thấy bố tháo tung cái chổi chít cũ mòn ra, rồi buộc vào một cây trúc cán dài là chúng sẽ biết rằng, Tết đang ngập ngừng đâu đó.
Dưới đôi bàn tay thần kỳ của bố, chỉ chút ít thời gian thôi, màu xanh lá mạ sẽ làm cho ngôi nhà thêm sáng sủa và mang khí tượng của mùa xuân, còn màu vàng tranh lại là lớp áo mới rất hợp cho ngôi nhà với cái sân gạch đỏ. Nếu còn dư vôi ve thì những cây lớn trong vườn cũng được quét một lớp áo mới mà như ông bà nói: Cây đã cho chúng ta quả ngọt nên Tết đến cũng nên mừng tuổi cho chúng để sang năm mới chúng lại cho sai hoa, trĩu quả hơn.
Không chỉ có người lớn, với lũ trẻ khi được nghỉ học, mỗi đứa sẽ góp vào việc sửa sang nhà cửa cho sạch sẽ để đón mùa xuân về. Mỗi người mỗi việc, từ khiêng bàn ghế, giường tủ, quét dọn nhà, phụ người lớn lau dọn bàn thờ gia tiên.
Tết quê, niềm vui đến không chỉ trong những ngày từ mồng 1 đến mồng 4. Có lẽ, cái háo hức của những ngày áp Tết lại lớn hơn nhiều. Nhộn nhịp, tất bật nhất là ngày 30, năm nào mà tháng thiếu chỉ có 29 ngày thì còn tíu tít nữa. Mọi công việc hầu như phải xong trước buổi chiều để tối đến chỉ còn lo hoàn thiện, trau chuốt lại. Chiều 30, những người mẹ thường đun một nồi nước mùi già thật to cho cả nhà cùng tắm bởi làm vậy để tẩy trần, đón năm mới với nhiều may mắn. Năm nào cũng vậy, sau bữa cơm chiều 30, lũ trẻ chỉ loanh quanh ở nhà một lúc, rồi sau đó chúng lại tụ tập ở địa điểm quen thuộc để bàn kế hoạch đi chơi những ngày Tết.
Đêm 30, người quê có thói quen xem tivi để thức đợi giao thừa. Tivi ngày cuối năm có nhiều cái hay, điều lạ, thường thì các ông bố và các cụ già chăm chú bên màn hình. Còn với người phụ nữ, họ tất bật để chuẩn bị cho mâm cỗ cúng Giao thừa. Thường mâm cỗ cúng sẽ là xôi gà hoặc chân giò đĩa xôi. Và cho dù đơn giản thì các bà mẹ cũng vô cùng cẩn thận bởi đó là mâm cỗ cúng cho thời khắc chuyển giao. Cũng nhờ sự chu đáo của các bà mẹ mà bọn trẻ dần cảm nhận được sự linh thiêng, nghiêm túc trong giây phút đó.
Ngày Tết, những bà mẹ còn dặn con mình những điều kiêng kỵ để năm mới không bị “giông” hay không may mắn, nhất là không phiền hà tới hàng xóm như việc quét nhà thì rác chỉ được dấp vào góc nhà không thì năm mới không có lộc, sáng mùng 1 không được tự tiện sang nhà hàng xóm, rồi việc cấm xin lửa,...
Tết xưa nhất định phải có bánh chưng, và những ông bố sẽ đảm nhận phần việc này. Bánh thường được gói vào ngày sát Tết (thường là 27, 28) và luộc vào buổi tối để lũ trẻ cùng canh nồi bánh. Khi bố gói bánh, trẻ con sẽ phụ việc lau lá, cắt lá. Trong tiếng nhạc của những bài ca mùa xuân rộn ràng, hình ảnh gia đình quây quần gói bánh sẽ luôn trở thành những ký ức không bao giờ quên của mỗi đứa trẻ. Vui nhất là lúc cùng nhau nhóm bếp luộc bánh, nồi bánh chưng sôi lên, khói thẽ thọt lan tỏa, quẩn lên ngọn cây nhãn. Những gốc tre, gốc củi được để dành cả năm giờ phát huy tác dụng trong việc tạo nên một nồi bánh thật rền, thật kỹ.
Quê tôi đến nay vẫn giữ được nhiều nền xưa, nếp cũ. Sáng mồng một, hầu hết các gia đình đều đi chúc Tết nội, ngoại, quanh làng, tiếng cười nói, chào hỏi, chúc Tết râm ran. Những đại gia đình đông con, nhiều cháu, có khi có đến mấy chục người, các cụ già không giấu nổi niềm vui trong ánh mắt, đám trẻ nhỏ tung tăng, còn những người nhỡ tuổi thì lại điềm tĩnh đến lạ.
Những ngày Tết quê luôn mang lại nhiều cảm xúc và những dư vị khó quên. Bởi vậy tuy giờ đây Tết quê cũng đã có nhiều đổi thay, nhưng những nền xưa, nếp cũ may mắn vẫn được duy trì và được các thế hệ cháu con tiếp nối. Với mỗi người con xa quê, Tết quê – Tết xưa luôn là một nếp quen để họ nhớ về nơi quê cha đất tổ, giữ cho mình một tâm hồn bình an và thanh thản./.
Đức Thành