• :
  • :
A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Những điều kiêng kỵ trong ngày Tết cổ truyền

(laichau.gov.vn)
Tết Nguyên đán là ngày quan trọng nhất trong một năm của người Việt Nam. Cũng vì lẽ đó mà người Việt quan niệm nếu gặp điều tốt sẽ may mắn cả năm và ngược lại. Trải qua hàng nghìn đời nay, cha ông đã đúc kết lại những điều nên tránh trong những ngày Tết để gia đình luôn được hanh thông, may mắn. Cổng Thông tin điện tử tỉnh Lai Châu giới thiệu tham khảo tới bạn đọc.

Chúc Tết cha mẹ ngày mùng một - truyền thống tốt đẹp của người Việt (Ảnh Internet)

Không quét nhà và hót rác đổ đi trong ngày mùng một

Một trong những điều kiêng kỵ của người Việt trong ngày Tết nguyên đán là không quét nhà vào ngày mùng một. Truyện kể rằng ngày xưa có một người lái buôn được Thủy thần tặng một nàng hầu tên là Như Nguyệt. Kể từ khi có nàng hầu này về nhà, ông ta bỗng trở nên giàu có. Đến một năm, đúng ngày mùng một Tết, Như Nguyệt mắc lỗi, bị ông chủ đánh đập, mắng nhiếc thậm tệ nên nàng tủi thân, biến vào đống rác. Người lái buôn không biết, mang rác đổ đi. Từ đấy, ông ta trở lại nghèo khó. Bởi vậy, người Việt Nam quan niệm nếu đổ rác ngày mồng một thì cũng hết tài lộc của gia đình.. Như vậy cả năm gia đình sẽ khó khăn, khánh kiệt, làm ăn không được may mắn. Bởi vậy cho tới nay nhiều nhà vẫn giữ thói quen không quét và hót đổ rác trong ngày mùng một.

Không vay mượn hoặc trả nợ vào những ngày đầu năm mới

Trong tháng 1 đầu năm âm lịch, người Việt kiêng không vay mượn tiền và không trả nợ, nhất là đối với những người kinh doanh, làm ăn buôn bán lại càng kiêng việc vay mượn và trả nợ. Nếu có muốn vay mượn hoặc trả nợ thì cũng hết tháng 1 âm lịch, cho nên thường mọi khoản vay nợ đều được hoàn tất trước năm mới.

Không cho lửa đầu năm

Trong tâm linh của người Việt thì ngọn lửa là biểu tượng cho sự may mắn. Ngày mùng một đầu năm các gia đình kiêng kị không cho lửa vì nếu cho người khác xin lửa vào đúng ngày mùng một thì mọi sự may mắn của gia đình sẽ cho hết người đó. Thậm chí nhiều người còn cho rằng nếu cho lửa vào ngày mùng một thì cả năm đó gia đình mình sẽ gặp phải những điều không may mắn, làm ăn thua lỗ, gia đình không đoàn kết… cho nên hiện nay nhiều gia đình vẫn giữ thói quen không cho lửa vào dịp đầu năm mới để lấy may mắn cả năm.

Lửa là biểu tượng của sự may mắn

Không cho nước ngày đầu năm

Người Việt Nam có câu chúc “tiền vào như nước” để nói đến sự sinh sôi, nảy nở và phát triển không ngừng của nước. Nước cũng là nguyên tố khởi nguyên của vũ trụ, là điều kiện không thể thiếu để tồn tại. Hình ảnh nước đầy ăm ắp tượng trưng cho sự may mắn, sinh sôi nên người Việt Nam cho rằng nếu cho nước vào ngày đầu năm sẽ cho đi sự sung túc, may mắn của gia đình mình. Một số dân tộc trong cộng đồng người Việt còn có phong tục lấy nước trong thời khắc đầu năm mới để mong mang may mắn, giàu có về gia đình mình.

Không gây gổ, tranh cãi bất hòa

Vào những ngày Tết, các bà, các mẹ luôn dặn dò các con phải hòa thuận, không gây gổ cãi vã, phải nhường nhịn nhau và luôn phải tươi cười vui vẻ vì người xưa quan niệm, những ngày đầu năm người với người phải vui vẻ, yêu thương hòa thuận thì một năm gia đình mới ấm êm, hạnh phúc, làm ăn mới được hanh thông. Dù có khó chịu thế nào thì cũng phải nhường nhịn nhau, người lớn không quát mắng trẻ con, trẻ con thì không khóc lóc, phải cười nói vui vẻ giữ không khí đoàn kết tươi vui trong ngày đầu năm mới.

Không ăn những món ăn xui hoặc không may mắn

Theo quan niệm dân gian thì vào đầu năm, đầu tháng người ta sẽ không ăn thịt chó, cá mè, vịt… vì đó là những món ăn không may mắn. Một số vùng còn không ăn tôm vào ngày đầu năm vì họ sợ đi giật lùi giống như tôm. Ăn tôm thì công việc, tình cảm… sẽ không tiến giống như con tôm, nếu ăn trong ngày Tết, công việc sang năm sẽ lùi chứ không thể tiến tới.

Kiêng người không hợp tuổi xông nhà

Xông nhà (xông đất) là tục không thể thiếu của nhiều gia đình Việt. Ngày xưa việc xông nhà thường là ngẫu nhiên, để tự nhiên xem ai là người đến xông nhà đầu năm thì năm đó có may mắn hay không. Nếu như được người hợp tuổi xông nhà thì năm đó gia chủ may mắn, làm ăn thuận lợi, ngược lại thì gia chủ sẽ tìm cách để giải vận đen.

Tuy nhiên ngày nay thì nhiều gia đình thường xem tuổi hợp và nhờ người hợp tuổi đến xông nhà sau lúc giao thừa. Người Việt cũng kỵ nhất những người “nặng vía”, những người có tang trọng (bố, mẹ, anh, chị em mới mất), những người không hợp tuổi đến xông nhà trong năm mới vì sẽ mang đến những điều xui xẻo, không may mắn.

Không xuất hành ngày mùng năm

Dân gian có câu “Mùng năm, mười bốn, hăm ba – Đi chơi cũng lỗ lọ là đi buôn” để nói đến việc tránh xuất hành vào những ngày này. Và các cụ gọi ngày mùng năm là ngày Nguyệt kỵ - một ngày rất xấu không hợp cho việc xuất hành lấy may. Nếu muốn xuất hành gia chủ thường xem lịch và xem thời gian xuất hành, hướng đi để đón thần tài, hỷ thần và những điều may mắn cho bản thân, gia đình.

Không mặc trang phục đen trắng

Người xưa quan niệm đen – trắng là màu của lễ tang, của chết chóc cho nên vào những ngày đầu năm mới người ta thường chọn những màu sắc tươi mới, rực rỡ như đỏ, hồng, xanh, tím… để mong một năm luôn vui vẻ và may mắn. Tuy nhiên ngày nay việc mặc trang phục không còn quá cầu kỳ, người ta có thể có cách phối đồ sao cho lịch sự, trang trọng mà thoải mái trong ngày đầu năm.

Kỵ mai táng

Ngày Tết Nguyên đán là ngày vui của toàn dân tộc, ngày mở đầu cho vận hội hanh thông của cả một năm, có ý nghĩa rất thiêng liêng. Vì vậy có tục lệ cất khăn tang trong ba ngày Tết. Nhà có đại tang kiêng không đi chúc Tết, mừng tuổi bà con, xóm giềng. Ngược lại, bà con xóm giềng lại cần đến chúc Tết và an ủi gia đình bất hạnh. Trường hợp gia đình có người chết vào ngày 30 tháng chạp mà gia đình có thể định liệu được thì nên chôn cất cho kịp trong ngày đó, đa số các gia đình kiêng không để sang ngày mùng một đầu năm.

Đây là những điều kiêng kỵ mà người Việt đúc kết ra từ hàng nghìn năm. Trải qua thời gian, một số điều vẫn được thực hiện trong các gia đình Việt Nam, một số điều thì đã được lược bỏ hoặc đổi thay cho phù hợp. Tuy nhiên, một năm khởi đầu ai ai cũng mong may mắn, bình an, và một vài điều kiêng kỵ ngày đầu năm cũng sẽ là một điều tâm linh để mỗi người chúng ta cầu xin một năm an lành, hạnh phúc.

Chanh Nguyễn


Nguồn: laichau.gov.vn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 4.290
Hôm qua : 7.152
Tháng 04 : 158.914
Năm 2025 : 707.486
Tổng số : 84.664.419