A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Xây dựng Sâm Lai Châu thành "thương hiệu" quốc gia

(laichau.gov.vn)

Từ hình thành thương hiệu đến phát triển các vùng trồng Sâm Lai Châu, thực hiện liên kết “4 nhà” để đưa cây Sâm Lai Châu ngày một phát triển vươn xa, xây dựng Sâm Lai Châu thành "thương hiệu" quốc gia, tỉnh Lai Châu đang kỳ vọng, Sâm Lai Châu sẽ trở thành ngành hàng có giá trị kinh tế cao, mang lại nguồn lợi cho đồng bào vùng cao trong tỉnh.

Thăm gian hàng trưng bày sản phẩm Sâm Lai Châu, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phấn khởi cho biết "Phải làm tốt công tác quảng bá hơn nữa về các sản phẩm từ Sâm Lai Châu".

Trong chuyến công tác tại tỉnh Lai Châu vào trung tuần tháng 11/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tới thăm khu trồng Sâm của Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Thái Minh. Đánh giá cao việc đầu tư bài bản với những công nghệ hiện đại của doanh nghiệp, việc huy động người dân bản địa tham gia vào các khâu chăm sóc Sâm, tặng Sâm giống cho người dân để nhằm mở rộng diện tích trồng, từng bước giúp cuộc sống người dân thoát nghèo… Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, tỉnh Lai Châu có nguồn giống Sâm quý nên việc bảo tồn, phát triển là việc làm hết sức cần thiết. Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh “chính quyền địa phương, doanh nghiệp cần thực hiện tốt liên kết "4 nhà" trong phát triển và xây dựng "thương hiệu" Sâm Lai Châu, để cây Sâm sẽ tạo nguồn thu nhập, tạo động lực trong phát triển kinh tế cho đồng bào địa phương”.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao sự vào cuộc của các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong phát triển Sâm Lai Châu.

Một trong những điều kiện để tỉnh Lai Châu tập trung phát triển Sâm Lai Châu là tại Quyết định số 611/QĐ-TTg ngày 1/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình phát triển Sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đã có đánh giá: Các địa phương có tiềm năng, thế mạnh về điều kiện tự nhiên phù hợp cho việc nuôi trồng, phát triển Sâm Việt Nam gồm các tỉnh: Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Lâm Đồng, Thừa Thiên Huế, Nghệ An, Lai Châu, Lào Cai, Điện Biên. Trong đó, phát triển vùng nguyên liệu Sâm Việt Nam quy mô hàng hóa tại các tỉnh: Quảng Nam, Kon Tum và Lai Châu. Như vậy, tỉnh Lai Châu trở thành địa phương được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ về phát triển Sâm. Có thể nói, đây chính là điều kiện, cơ hội để tỉnh “ấp ủ giấc mơ” xây dựng "thương hiệu" quốc gia đối với Sâm Lai Châu, đưa cây Sâm Lai Châu thành một trong những cây chủ lực giá trị cao gắn vào quá trình phát triển kinh tế, xóa nghèo cho người dân, nhất là người dân vùng cao, vùng sâu tại những nơi có điều kiện phát triển Sâm dưới tán rừng.

Trong Chương trình phát triển Sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, quỹ đất dự kiến để gây trồng, phát triển Sâm Việt Nam phục vụ mục tiêu sản xuất, kinh doanh bao gồm: Gây trồng, phát triển dưới tán rừng phòng hộ, rừng sản xuất theo phương thức sản xuất lâm, nông nghiệp kết hợp theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp, đất trồng cây nông nghiệp. Thời gian thực hiện được chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn I từ năm 2023 đến hết năm 2030; giai đoạn II đến năm 2045, được xây dựng trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện giai đoạn I.

Các hoa hậu, á hậu đã đến thăm một số khu trồng và ươm Sâm giống. Tại đây các người đẹp mong muốn sẽ lan tỏa hình ảnh, giá trị của Sâm Lai Châu, các sản phẩm từ Sâm Lai Châu tới đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Trước đó, cuối năm 2019, HĐND tỉnh Lai Châu đã ban hành Nghị quyết số 38/2019/NQ-HĐND thông qua Đề án phát triển một số cây dược liệu giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lai Châu (trong đó có Sâm Lai Châu). Trên cơ sở đó, đầu năm 2020, UBND tỉnh cũng đã ban hành Quyết định số 29/QĐ-UBND phê duyệt Đề án phát triển một số cây dược liệu giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lai Châu. Theo đó, tỉnh đã ban hành các chính sách hỗ trợ giống các loại cây dược liệu quý, hiếm; hỗ trợ bảo tồn, hoàn thiện quy trình sản xuất nhân giống; hỗ trợ phát triển trồng dược liệu hàng hóa, chi phí tư vấn xây dựng liên kết, hạ tầng phục vụ liên kết, chi phí chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới; hỗ trợ hợp tác xã nông nghiệp tham gia chuỗi liên kết... Cùng với việc hỗ trợ phát triển, Lai Châu đã triển khai hàng loạt các dự án bảo tồn và nhân giống Sâm Lai Châu. Qua đó đã tuyển chọn được hàng chục ngàn cây mẹ và cây mô hình để chủ động nguồn giống đảm bảo chất lượng.

Hiện nay, tỉnh Lai Châu đang xây dựng Đề án phát triển Sâm Lai Châu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2024 - 2030, định hướng đến năm 2045 trên cơ sở kết quả quyết định Phê duyệt Chương trình phát triển Sâm Việt Nam của Thủ tướng Chính phủ.

Với 6 nhiệm vụ được nêu gồm: Bảo tồn và phát triển Sâm Việt Nam; nghiên cứu, chọn, tạo, sản xuất giống Sâm Việt Nam; phát triển vùng nguyên liệu Sâm Việt Nam tập trung; thúc đẩy chế biến, kinh doanh các sản phẩm Sâm Việt Nam bền vững theo chuỗi giá trị; xây dựng phát triển thương hiệu, thị trường, xúc tiến thương mại; phát triển hạ tầng vùng trồng Sâm Việt Nam gắn với phát triển hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng miền núi.

Không để người dân phát triển tự phát, tỉnh Lai Châu chủ trương thúc đẩy liên kết “4 nhà” nhà nông - nhà quản lý - nhà khoa học - doanh nghiệp. Với việc “trải thảm đỏ” cho nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong và ngoài nước sớm cùng người dân bản địa liên kết chặt chẽ với nhau tạo thành những tổ chức kinh doanh có năng lực; chế biến thành các sản phẩm tiêu dùng, bảo vệ nhãn hiệu chứng nhận độc quyền cho Sâm Lai Châu; tăng cường quảng bá để không ngừng nâng cao vị thế, giá trị của Sâm Lai Châu.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Trọng Hải và đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, huyện Tam Đường thăm khu ươm giống Sâm Lai Châu.

Trong các cuộc làm việc với cơ quan chuyên môn để xây dựng Đề án phát triển Sâm Lai Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Trọng Hải đặc biệt nhấn mạnh, về quan điểm của tỉnh, bảo vệ và phát triển cây Sâm Lai Châu phải được thực hiện đồng bộ từ phát triển vùng nguyên liệu đến chế biến, xây dựng thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm trên cơ sở cụ thể hóa Quyết định số 611/QĐ-TTg ngày 1/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển Sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội chung của tỉnh và điều kiện đặc thù của từng huyện. Cùng với đó, sẽ xây dựng, phát triển thương hiệu Sâm Lai Châu, đưa Sâm Lai Châu thành một trong các sản phẩm chủ lực trong lĩnh vực y - dược, chăm sóc sức khỏe; đa dạng hóa sản phẩm, từng bước đưa Sâm Lai Châu thành ngành hàng có giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu thị trường, gắn với bảo hộ thương hiệu.

Cho đến nay, tỉnh Lai Châu đã và đang huy động các nguồn lực để thực hiện hiệu quả Đề án về phát triển Sâm Lai Châu, trong đó nguồn lực chủ yếu là nguồn xã hội hóa, ngân sách Nhà nước đầu tư, hỗ trợ thông qua lồng ghép các nguồn vốn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình, dự án đầu tư công và các chương trình, đề án, dự án khác theo từng giai đoạn. Và như vậy, cùng với sự đồng hành của chính quyền các cấp, sự vào cuộc của doanh nghiệp và người dân, “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, việc đưa cây Sâm Lai Châu thành thương hiệu, phát triển vươn xa sẽ sớm thành hiện thực.


Tác giả: Nguyễn Chanh
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 4.926
Hôm qua : 5.749
Tháng 11 : 107.794
Năm 2024 : 2.260.698
Tổng số : 83.726.791