Ghi ở vùng chè cổ
Hiện tại trên địa bàn tỉnh Lai Châu có khoảng 16.509 cây chè cổ thụ tự nhiên do tổ chức (Ban Quản lý rừng phòng hộ, UBND xã) và hộ gia đình quản lý, chăm sóc, bảo vệ. Để bảo tồn loài cây đặc sản, đặc hữu này, tỉnh Lai Châu đang có nhiều chính sách hỗ trợ và hướng phát triển đối với loại cây này, một mặt vừa bảo vệ được thương hiệu sản phẩm chè, bảo vệ những cây chè cổ thụ quý giá, cũng chính là bảo tồn một nét văn hóa của đồng bào dân tộc vùng cao nơi đây.
Vùng đất của chè cổ thụ
Trong những ngày giáp Tết Nguyên đán 2025, Đoàn công tác của UBND tỉnh Lai Châu do đồng chí Hà Trọng Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo và đơn vị chuyên môn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lãnh đạo và các phòng chuyên môn huyện Tam Đường, xã Tả Lèng đã có chuyến công tác kiểm tra vùng chè cổ thụ tại bản Tả Lèng Lao Chải, xã Tả Lèng, huyện Tam Đường. Vùng chè cổ nằm ở cung đường dành cho du khách đi khám phá, chinh phục đỉnh Tả Liên Sơn có độ cao 2.996m so với mực nước biển. Không gì thú vị hơn khi vừa chinh phục đỉnh núi nằm trong Top 10 đỉnh núi cao nhất Việt Nam, lại được khám phá vùng chè cổ thụ và thưởng thức hương vị chè cổ thụ giữa núi rừng đại ngàn…
Đi qua cung đường đầy thử thách với lối mòn có độ dốc cao để đến cửa rừng nơi dẫn lên vùng chè cổ thụ, Đoàn công tác tiếp tục hành trình dài. Qua những con suối nhỏ với những thảm thực vật nguyên sinh đa dạng. Băng qua nương thảo quả trồng xen dưới tán rừng, thời điểm này thảo quả đang lên mầm để chuẩn bị cho vụ mới. Tiếp tục vượt qua dốc cao được dựng bởi những phiến đá to mà mọi người trong Đoàn phải vận dụng cả tay để trèo bám. Hành trình chinh phục, vượt lên chính mình mà đích đến là ngắm những cây chè cổ, thưởng thức chè cổ giữa rừng đại ngàn khiến tất cả mọi người đều hào hứng. Dù mệt “thở ra đằng tai“ thì cái cảm giác thoả mãn là đến được cây cổ thụ với phần gốc xù xì đầy mê hoặc, hoặc lọt thỏm bên trong thân cây nghìn năm tuổi với sức chứa cả chục người bên trong, dù nửa thân bị gãy vẫn bật mầm xanh ở nửa thân còn lại như để khẳng định sức sống mạnh liệt nơi rừng già, hay mê mải đến quên đi khi được ngắm hợp quần của nhiều loại cây đan xen tạo thành "một cây" khổng lồ hùng cứ một phương… Sự hùng vĩ của thiên nhiên quả thực vượt qua tất cả mọi sự tưởng tượng của các thành viên trong Đoàn, ai cũng nuối tiếc rằng không thể ghi lại bằng bất cứ loại máy ảnh nào. Ngước lên trên, vượt qua những tán cổ thụ là bầu trời xanh ngắt, phía dưới chân lại là sắc đỏ, vàng của phong rừng. Quả không sai khi nhiều người chọn du lịch trải nghiệm nơi núi rừng để "chữa lành" bởi thiên nhiên là điều kỳ diệu nhất.
Trước khi vào khu vực chè cổ thụ, Đoàn công tác đã phải mở bản đồ để có thể bao quát được toàn bộ khu vực, định hướng điểm đến để kiểm tra thực tế được nhiều nhất cây chè cổ thụ. Phân bố ở độ cao từ 1.400 đến 1.600 so với mực nước biển, chè cổ thụ vùng Tả Lèng được người dân bản địa phân thành 2 loại là Hồng trà cổ và Bạch trà cổ. Trong khi Hồng trà cổ viền mép lá có màu hồng tía thì Bạch trà cổ lá và búp chè đều một màu xanh. Cả 2 loại trà khi nhấm thử sẽ có vị ngọt thanh xen một chút chát nhẹ không đáng kể. Màu nước xanh nhạt (Bạch trà cổ) và hồng nhạt (Hồng trà cổ), mùi thơm đặc trưng, nhất là còn mang hương vị của rừng già, của tự nhiên.
Tiếp tục qua những lối mòn nhỏ hẹp, dốc ngược men theo triền núi để đi sâu vào vùng có nhiều cây chè cổ thụ. Trước mắt chúng tôi là bạt ngàn những cây chè cao chót vót, cành lá sum suê, chạy dài mãi từ ngọn núi này sang núi khác, thu vào tầm mắt là ngút ngàn chè cổ thụ. Mặc dù đã được nghe, được thấy qua những chuyến đi chinh phục Tả Liên Sơn, Pu Ta Leng nhưng quả thực tôi cũng không thể ngờ trải dài trước mắt là cả một vùng chè cổ thụ cây to và nhiều đến thế. Ai cũng mải mê khám phá, ngắm nhìn, chụp ảnh không mệt mỏi. Khi mặt trời lên giữa đỉnh cũng là lúc Đoàn đến được giữa vùng chè cổ thụ. Ở độ cao khoảng 2.600m, bên bếp củi ở lán nghỉ giữa rừng nguyên sinh, thưởng thức cốc chè cổ thụ đun từ nước suối thì đó đúng là "trân phẩm" của núi rừng ban tặng. Nhiều thành viên trong Đoàn phải thốt lên sau khi được thưởng thức: Đúng là tinh túy của đất trời!
Bảo tồn vùng chè cổ thụ gắn với phát triển du lịch
Trong vùng chè cổ của bản Tả Lèng Lao Chải, Trưởng bản Giàng A Thanh năm nay đã ngoài 60 tuổi nhưng vẫn còn tráng kiện lắm. Cẩn thận rót cho các thành viên trong Đoàn từng cốc nước chè cổ tươi, anh chia sẻ: Khu vực này có hàng nghìn cây chè cổ thụ, có cây to bằng cả vòng tay ôm của người trưởng thành. Nhiều cây có từ trước thời ông bà, tổ tiên của tôi. Tôi uống chè từ khi còn nhỏ, bây giờ được cán bộ tuyên truyền chúng tôi biết đây là cây chè quý nên bà con trong bản bảo nhau cùng bảo vệ từng cây chè, thu hái chè theo hướng dẫn của cán bộ, không vít bẻ cành, thường xuyên kiểm tra quanh khu vực chè để bảo vệ rừng, bảo vệ cây chè cổ...
Có nhiều câu chuyện được bà con trong bản, trong xã truyền miệng với nhau rằng ngày xưa, cây chè tự mọc và sống trên vách núi, bà con dùng chè như một phương thuốc quý vì khi uống vào thì có cảm giác sảng khoái, xua tan đi bao mệt mỏi. Khi dời nhà đi tìm nơi phát rẫy, làm nương, người dân lại mang theo hạt chè và trồng ở nơi mình sống. Bởi vậy, đối với cộng đồng bà con nơi đây, chè là cây trồng lâu đời không thể thiếu, gắn bó chặt chẽ với sự tồn tại và phát triển của bà con. Nhiều người già trong bản đến bây giờ cũng không xác định được vùng chè cổ thụ có từ bao giờ. Họ chỉ nhớ, từ ngày còn bé họ đã thấy những cây chè cổ thụ to, cao vút như thế. Có nhiều cây người ôm không xuể, cao đến cả chục mét. Chỉ tiếc có những cây do thời tiết khắc nghiệt, mưa đá, thiên tai đã làm gẫy đổ khiến bà con mỗi lần đi rừng đều rưng rưng tiếc nuối.
Bên một gốc cây chè cổ hàng trăm năm tuổi đã bị gẫy đổ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Trọng Hải giao nhiệm vụ cho lãnh đạo huyện Tam Đường phải tìm cách đưa được phần thân cây về trưng bày trong nhà trưng bày chè cổ thụ “để chứng minh cho du khách thấy về những cây chè nghìn năm tuổi đã và đang sinh trưởng trên vùng núi cao Tam Đường” - Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.
Với lợi thế tiềm năng về phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch trải nghiệm, khám phá bởi Tam Đường có những đỉnh núi cao bậc nhất Việt Nam. Cung đường lên Tả Liên Sơn, Pu Ta Leng cũng là khu vực phân bố chè cổ thụ. Bởi vậy, gắn bảo tồn, phát triển vùng chè cổ thụ với du lịch trải nghiệm, khám phá các đỉnh núi sẽ là hướng đi chính cho huyện Tam Đường và các địa phương có chè cổ thụ trong thời gian tiếp theo. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Trọng Hải đề nghị cơ quan chuyên môn phối hợp chặt chẽ với chính quyền huyện rà soát, kiểm kê lại toàn bộ vùng chè cổ thụ, hiện nay sản phẩm chè cổ thụ đã trở thành sản phẩm OCOP của tỉnh nhưng vẫn cần phải tiêp tục nâng cao giá trị sản phẩm hơn nữa, vận dụng tối đa các chương trình, dự án để quy hoạch vùng, tu sửa đường lên vùng chè cổ. Tuyên truyền tới bà con trong bản, trong xã để bà con xác định mình chính là chủ thể trong bảo vệ và thụ hưởng lợi ích từ rừng, từ cây chè cổ, từ đó cùng tham gia vào các phần việc theo phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”.
Cùng với sự đa dạng về bản sắc văn hóa của 20 dân tộc bản địa, mùa vàng của ruộng bậc thang, những đỉnh núi Lai Châu kỳ vĩ, nữ hoàng đỗ quyên… thì những vùng chè cổ thụ trong rừng nguyên sinh sẽ trở thành một trong những điểm nhấn hấp dẫn đối với du khách, từ đó thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh trong một tương lai gần.