Phát huy truyền thống, phấn đấu xây dựng Lai Châu phát triển xanh, nhanh, bền vững
75 năm xây dựng và trưởng thành trải qua 14 kỳ đại hội, Đảng bộ tỉnh Lai Châu đã đạt được những thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử. Phát huy truyền thống vẻ vang của Đảng bộ, cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc Lai Châu hôm nay quyết tâm chung sức, đồng lòng xây dựng tỉnh ngày càng phát triển.
Kỳ 1: Từ Ban Cán sự Lai Châu đến Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV
Ngày 10/10/1949, Ban Cán sự Lai Châu được thành lập - Tổ chức tiền thân của Đảng bộ tỉnh Lai Châu ngày nay. 75 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, Lai Châu đã giành nhiều thắng lợi to lớn đóng góp vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng quê hương ngày càng ấm no, giàu đẹp.
Sau thất bại ở chiến dịch Việt Bắc - Thu Đông năm 1947, thực dân Pháp chuyển sang thế phòng ngự. Ở Tây Bắc, đồng bào Lai Châu bị thực dân Pháp lừa gạt, chia rẽ với âm mưu dùng người Việt trị người Việt. Thực hiện đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài của Đảng, Bộ Tổng tư lệnh đã ra chỉ thị xây dựng căn cứ địa Tây Bắc, thành lập các đơn vị bộ đội Tây Tiến vào giải phóng Tây Bắc. Ngày 15/3/1948 Đội xung phong Quyết Tiến được thành lập (tại Yên Bái) với nhiệm vụ mở đường vào Lai Châu, vừa đánh địch vừa tuyên truyền đường lối cách mạng của Đảng, gây cơ sở ngay ở hậu phương địch, tạo điều kiện để xây dựng tổ chức đảng.
Cuối năm 1949, Đội xung phong Quyết Tiến đã gây dựng được một loạt cơ sở kéo dài từ Quỳnh Nhai sang Tuần Giáo, Điện Biên và Bắc Lào khiến cho phong trào cách mạng của quần chúng ở Lai Châu sôi nổi, đòi hỏi cần có sự lãnh đạo trực tiếp của tổ chức đảng. Ngày 10/10/1949, Ban Cán sự Lai Châu - Tổ chức tiền thân của Đảng bộ tỉnh Lai Châu ngày nay được thành lập theo Nghị quyết số 34 của Ban Thường vụ Liên khu ủy 10. Đây là sự kiện đánh dấu bước ngoặt trong đời sống chính trị của đồng bào các dân tộc Lai Châu, khẳng định sự trưởng thành của phong trào cách mạng từ nay đã có tổ chức đảng lãnh đạo. Ngày 10/10/1949, dấu mốc đánh dấu sự ra đời của Ban Cán sự Lai Châu được xem là ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Lai Châu.
Ngay sau khi thành lập, Ban Cán sự Lai Châu đã phát triển tổ chức, gây dựng phong trào cách mạng rộng khắp. Ngày 02/12/1949, tại bản Lướt, xã Mường Kim, huyện Than Uyên (khi đó thuộc tỉnh Yên Bái), Ban Cán sự Lai Châu đã triệu tập hội nghị thành lập Chi bộ Lai Châu với 20 đảng viên (18 đảng viên chính thức, 2 đảng viên dự bị). Từ đây, các tổ chức đảng tiếp tục phát triển ra các địa bàn để lãnh đạo phong trào cách mạng ở Lai Châu, đóng góp quan trọng cùng bộ đội chủ lực của ta trong chiến lược Đông - Xuân 1953-1954, trực tiếp giải phóng thị trấn Lai Châu ngày 12/12/1953. Trong niềm vui quê hương được giải phóng, đồng bào và cán bộ Lai Châu phấn khởi khi nhận được thư của Bác Hồ. Thư của Bác đã động viên, cổ vũ quân và dân các dân tộc Lai Châu tạo nên sức mạnh tinh thần to lớn, khích lệ Nhân dân hăng hái tham gia kháng chiến, huy động sức người, sức của cho chiến dịch Đông - Xuân, góp phần quan trọng, trực tiếp cùng quân và dân cả nước làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ 7/5/1954 “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, với khẩu hiệu “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, quân và dân Lai Châu vừa thi đua đẩy mạnh sản xuất, vừa sẵn sàng chiến đấu, chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam, góp phần cùng quân và dân cả nước làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975 và làm tròn nghĩa vụ quốc tế với nước bạn Lào. Đất nước hoàn toàn thống nhất, non sông thu về một mối, Lai Châu cùng cả nước bước vào thời kỳ mới, vừa tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh, anh dũng chiến đấu bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới Tây Bắc của Tổ quốc, vừa đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, quyết tâm cùng cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Năm 2004 - dấu mốc mở ra một chương mới trong lịch sử của Đảng bộ tỉnh. Tỉnh Lai Châu (mới) được thành lập trên cơ sở chia tách từ tỉnh Lai Châu và sát nhập thêm huyện Than Uyên của tỉnh Lào Cai. Ngày 01/01/2004 tỉnh Lai Châu (mới) đi vào hoạt động với muôn vàn khó khăn, thách thức của một tỉnh nghèo nhất cả nước, trong tình trạng đặc biệt khó khăn. Đảng bộ tỉnh đã xác định nhiệm vụ và lãnh đạo thực hiện thắng lợi qua từng kỳ đại hội phù hợp với yêu cầu thực tiễn đặt ra. Sau 20 năm chia tách, thành lập dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, đến nay kinh tế - xã hội của tỉnh có bước phát triển khá, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân trong 20 năm ước đạt 9,7%/năm; thu nhập bình quân đầu người tăng 21 lần (từ 2,2 triệu đồng lên trên 47 triệu đồng); thu ngân sách trên địa bàn đạt gấp trên 70 lần (từ 31 tỷ đồng lên trên 2.200 tỷ đồng). Văn hóa - xã hội được quan tâm phát triển gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc, truyền thống tốt đẹp các dân tộc; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh, toàn diện; quốc phòng - an ninh được tăng cường, chủ quyền biên giới quốc gia được bảo đảm vững chắc.
Sau 75 năm xây dựng và trưởng thành, từ Ban Cán sự Lai Châu với 3 đồng chí, đến nay Đảng bộ tỉnh có 12 đảng bộ trực thuộc, 551 tổ chức cơ sở đảng và trên 30.000 đảng viên. Tổ chức bộ máy các cấp được sắp xếp tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Công tác kiểm tra, giám sát, phòng chống tham nhũng, tiêu cực được tăng cường, kỷ cương, kỷ luật của Đảng được giữ vững. Đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức cơ bản đảm bảo về số lượng, có bản lĩnh chính trị vững vàng, tâm huyết, trách nhiệm với công việc, gắn bó, tận tụy với Nhân dân, có trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội có nhiều đổi mới, hướng mạnh về cơ sở. Nhân dân các dân tộc luôn tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước.
Quá trình 75 năm xây dựng và trưởng thành qua 14 kỳ đại hội, Đảng bộ tỉnh Lai Châu đã đúc rút nhiều bài học kinh nghiệm quý báu. Đó là bài học về đoàn kết, đoàn kết thống nhất trong Đảng, gắn bó máu thịt giữa Đảng và Nhân dân và phát huy khối đoàn kết các dân tộc để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị trong mỗi giai đoạn lịch sử; bài học về huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phát triển, tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo, giúp đỡ của Trung ương và phát huy sức mạnh nội lực, tiềm năng, thế mạnh của tỉnh gắn với ý chí tự lực, tự cường của mỗi cán bộ, đảng viên và Nhân dân; bài học về phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của tổ chức đảng, kịp thời cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước sát với thực tiễn; bài học về lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ, toàn diện các nhiệm vụ chính trị, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm các nhiệm vụ phù hợp với thực tiễn từng giai đoạn; bài học về chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp, nhất là cán bộ chủ chốt, cán bộ người dân tộc thiểu số và phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên.
Cán bộ, đảng viên, Nhân dân các dân tộc Lai Châu hôm nay tự hào về kết quả xây dựng, phát triển quê hương và đóng góp vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Phía trước sẽ là những sứ mệnh vẻ vang, trách nhiệm lớn lao mà chúng ta có nhiệm vụ tô thắm thêm lá cờ cách mạng, viết tiếp những trang sử hào hùng của Lai Châu và dân tộc. Chúng ta tin tưởng rằng những kinh nghiệm quý báu, thành tựu vững chắc 75 năm của Đảng bộ tỉnh sẽ tiếp thêm sức mạnh mới, động lực mới, khí thế mới để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh ra sức xây dựng tỉnh Lai Châu phát triển xanh, nhanh, bền vững.
(Còn nữa)
Cập nhật ngày 10/10/2024