A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Chỉ thị số 40-CT/TW: “Điểm tựa” giúp người dân vươn lên

(laichau.gov.vn)

Tín dụng chính sách xã hội là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm mục tiêu về giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội. 10 năm triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội”, tỉnh Lai Châu đã phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội tăng, số lượt người được thụ hưởng các chính sách ưu đãi vay vốn ngày càng nhiều. 

Bài 1: Trao cho người dân chiếc "cần câu"

Trong 10 năm qua, thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, nguồn vốn của Ngân hàng chính sách xã hội được ví như chiếc “cần câu” giúp người dân trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh vươn lên làm giàu chính đáng ngay trên mảnh đất quê hương.

Là "điểm tựa" giúp hội viên phụ nữ vươn lên

Với bản tính chịu thương, chịu khó, những năm qua, hội viên phụ nữ Lai Châu nỗ lực phát triển kinh tế với mục tiêu nâng cao thu nhập, nâng cao đời sống. Tuy nhiên "cái khó bó cái khôn", thiếu nguồn lực để đầu tư sản xuất, chăn nuôi... nên sự cố gắng đó chỉ dừng lại ở mức giảm nghèo. Và nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội theo Chỉ thị số 40-CT/TW trong 10 năm qua thực sự đã trở thành “điểm tựa” để giúp hội viên phụ nữ đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh, không chỉ thoát nghèo mà nhiều hộ đã làm giàu bền vững.

Những ngày giáp Tết này, Hợp tác xã Thiết Hà (cơ sở sản xuất thịt trâu, thịt lợn, lạp sườn treo gác bếp) của chị Lê Thị Hà, khu 4, thị trấn Than Uyên luôn tất bật chuẩn bị đủ các nguồn hàng để gửi cho khách gần xa. Chị Hà phấn khởi cho biết: Gia đình tôi ban đầu chỉ là hộ kinh doanh nhỏ cung cấp các sản phẩm truyền thống như thị trâu, thịt lợn sấy, lạp sườn, thịt treo. Năm 2022, từ số vốn trên 160 triệu đồng vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, tôi đã mạnh dạn đầu tư mua sắm trang thiết bị, máy móc hiện đại để sản xuất, thành lập Hợp tác xã và mở cửa hàng giới thiệu, bán sản phẩm, đi sâu vào nâng cao chất lượng, tạo thương hiệu riêng cho sản phẩm của mình. Đến nay, Hợp tác xã của tôi có 4 sản phẩm OCOP 3 sao được khách hàng trong và ngoài tỉnh tin dùng, mỗi năm trừ chi phí sản xuất, tôi thu lãi khoảng 300 triệu đồng.

Chị Lê Thị Hà và các sản phẩm OCOP.

Cũng khởi nghiệp từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, chị Giàng Thị Ly, bản Chu Va 8, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường được vay số tiền 100 triệu đồng từ chương trình cho vay sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn của Ngân hàng Chính sách xã hội. Có được nguồn vốn, gia đình chị Ly đầu tư 2 ao cá để nuôi cá tầm. Nhờ chăm chỉ, chịu khó và tích lũy kiến thức từ các gia đình đi trước, gia đình chị Ly đã có nguồn thu ổn định từ việc nuôi cá tầm. Thu nhập bình quân một năm sau khi trừ chi phí của gia đình chị khoảng 200 triệu đồng. Chị Ly phấn khởi chia sẻ, có ý thức vươn lên nhưng việc được tạo điều kiện cho vay vốn sản xuất mới chính là cơ hội, là "điểm tựa" để gia đình tôi có được kết quả như hôm nay.

Từ Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư đã có rất nhiều hội viên phụ nữ đã được vay vốn tín dụng chính sách xã hội để đầu tư sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, chị Khoàng Thị Thanh Nga - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cho biết: Năm 2024, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh quản lý 356 tổ và 13.932 hộ vay vốn với tổng số vốn trên 957 tỷ đồng, tăng 658 tỷ đồng so với năm 2014. Từ nguồn vốn vay đã hỗ trợ hội viên phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế, góp phần giảm nghèo, có điều kiện xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững. Nhiều gia đình cán bộ, hội viên, phụ nữ được nâng cao trình độ, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho năng suất cao. Qua đó, giúp vị trí, vai trò của phụ nữ trong gia đình và xã hội có nhiều thay đổi tiến bộ, tích cực, tạo sự bình đẳng trong xã hội...

"Kênh dẫn vốn" hiệu quả tới hội viên nông dân

Để giúp hội viên nông dân có vốn sản xuất, kinh doanh, giai đoạn 2014 - 2024, Hội Nông dân tỉnh Lai Châu đã tích cực triển khai hiệu quả các nội dung ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội, đóng vai trò là “Kênh dẫn vốn” đến với đông đảo hội viên nông dân và Nhân dân trên địa bàn tỉnh; giúp tín dụng chính sách xã hội nhanh chóng đi vào cuộc sống, tạo cơ hội cho nhiều hộ gia đình, nhất là các hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống và làm giàu.

Gia đình ông Vũ Văn Phán, tổ 2, phường Quyết Tiến, thành phố Lai Châu là một trong những hộ nông dân sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay. Từ số tiền vay được của Ngân hàng Chính sách xã hội, ông đã đầu tư vào vườn bưởi da xanh sẵn có, trồng rau an toàn và chăn nuôi lợn, tập trung vào nâng cao chất lượng sản phẩm. Ông Vũ Văn Phán cho biết: Năm 2023, gia đình tôi được vay vốn từ Chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội với số tiền là 100 triệu đồng. Cùng với số tiền tiết kiệm của gia đình, tôi đã đầu tư chăm sóc vườn bưởi da xanh, trồng rau an toàn để cung cấp ra thị trường, đầu tư chăn nuôi lợn, trung bình mỗi năm xuất chuồng từ 10 đến 15 tấn/năm. Hiện nay, mỗi năm gia đình tôi thu được khoảng 100 triệu đồng, nhờ đó chất lượng cuộc sống đã được nâng lên.

Ông Vũ Văn Phán sử dụng nguồn vốn hiệu quả vào chăm sóc vườn bưởi da xanh.

Cũng là một trong những điển hình thoát nghèo trên địa bàn tỉnh nhờ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, gia đình ông Lò Văn Cửu, bản Nậm Cầy, xã Nậm Hàng, huyện Nậm Nhùn nhiều lần được vay tiền của Ngân hàng Chính sách xã hội (các năm 2009, 2016, 2020, 2023). Với số tiền vay được từ ít đến nhiều, ông đã đầu tư, tích lũy để mua dần trâu, bò, đào ao thả cá, trồng các loại cây ăn quả, cùng với sự cần cù, chịu khó, tích cực học tập kinh nghiệm, gia đình ông đã từng bước giảm nghèo. Hiện nay sau khi trừ chi phí sản xuất, mỗi năm thu nhập của gia đình ông ước đạt từ 70 đến 100 triệu đồng. Không chỉ thoát nghèo, kinh tế của gia đình ông ngày càng ổn định, đã xây được nhà cửa khang trang, có điều kiện chăm sóc cho các con tốt hơn.

Chia sẻ thêm, ông Cửu cho biết: Từ một hộ nghèo không có vốn đầu tư phát triển sản xuất, nhưng qua tổ chức Hội Nông dân của xã, tôi được biết Ngân hàng Chính sách xã hội cho hộ nghèo vay vốn phát triển kinh tế không cần thế chấp tài sản, lãi suất thấp. Không chỉ vậy, quá trình làm các thủ tục hồ sơ vay vốn tôi đã được cán bộ hướng dẫn rất tận tình, chu đáo, thủ tục đơn giản. Có thể nói, khi khó khăn, Hội Nông dân của xã chính là "kênh dẫn vốn" của Ngân hàng Chính sách xã hội, tạo “điểm tựa” giúp gia đình tôi vươn lên trong cuộc sống.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, có rất nhiều hộ gia đình trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã thay đổi cuộc sống nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội. Có thể nói, triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội như chiếc “cần câu”, thành "điểm tựa" giúp cuộc sống của nhiều người dân trên địa bàn tỉnh Lai Châu được nâng cao, từ đó có những đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương...

(còn nữa)


Tác giả: Kim Anh
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 6.393
Hôm qua : 5.978
Tháng 01 : 34.791
Năm 2025 : 34.791
Tổng số : 83.991.724