A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản
Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch:

Khẳng định chủ trương đúng đắn qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết

(laichau.gov.vn)

Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 17/02/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lai Châu về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 là chủ trương lớn, có ý nghĩa quan trọng của Tỉnh ủy Lai Châu nhằm cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, trọng tâm là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lai Châu lần thứ XIV về phát huy bản sắc văn hóa gắn với phát triển kinh tế - xã hội. Hơn hai năm qua, các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết và bước đầu đạt được những kết quả tích cực.

Ngay sau khi Nghị quyết 04-NQ/TU về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 được ban hành, các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, tuyên truyền triển khai thực hiện Nghị quyết; tạo sự chuyển biến và nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân về công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc.

Để Nghị quyết đi vào cuộc sống, HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành chính sách, kế hoạch, đảm bảo nguồn lực triển khai thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết. UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch cụ thể hóa nội dung Nghị quyết số 04-NQ/TU thành nhiệm vụ cụ thể gắn với tiềm năng, lợi thế và điều kiện thực tiễn của các địa phương, đơn vị trong tỉnh. Các cấp ủy, chính quyền, cơ quan chuyên môn từ tỉnh đến cơ sở xây dựng chương trình, kế hoạch, hướng dẫn triển khai thực hiện Nghị quyết phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, đơn vị.

Trong đó, một số địa phương đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, đẩy mạnh huy động các nguồn xã hội hóa từ cộng đồng, doanh nghiệp để thực hiện. Tập trung nguồn lực cho các điểm du lịch đặc trưng gắn với phát huy vai trò chủ thể của Nhân dân trong giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Nhờ vậy, một số điểm du lịch đã phát huy được lợi thế, trở thành điểm du lịch hấp dẫn. Trong đó phải kể đến bản Sin Suối Hồ, xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ đạt sản phẩm OCOP 3 sao và đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận là sản phẩm du lịch đạt sản phẩm OCOP 4-5 sao trong năm 2023; bản Sin Suối Hồ được Hiệp hội Du lịch Việt Nam vinh danh là “Làng du lịch cộng đồng tiêu biểu của Việt Nam năm 2019”, là một trong 4 điểm du lịch của cả nước vinh dự được trao “Giải thưởng Du lịch cộng đồng ASEAN lần thứ 3” do khối ASEAN vinh danh tại Diễn đàn Du lịch ASEAN (ATF) 2023 tại Indonesia.

Khách du lịch yêu thích và check in tại Bản Du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ.

Công tác nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng, lưu giữ, bảo tồn, truyền dạy, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống được triển khai thực hiện hiệu quả. Đến nay đã 104 di sản, lượt di sản của 13 dân tộc cư trú thành cộng đồng được bảo tồn; nhiều lễ hội được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia như trò chơi kéo co trong nghi lễ dân tộc Thái, Lễ Tủ Cải dân tộc Dao, Lễ hội Gầu Tào dân tộc Mông, nghề dệt thổ cẩm dân tộc Lự. Một số loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại như nghệ thuật Múa xòe và Then dân tộc Thái. Các thiết chế văn hóa tiếp tục được quan tâm đầu tư; nhiều đội văn nghệ thôn bản, câu lạc bộ bảo tồn văn hóa, không gian văn hóa trong trường học được xây dựng, duy trì thường xuyên. Nhiều địa phương đã có những cách làm hay, sáng tạo trong triển khai thực hiện. Qua đó, góp phần tuyên truyền, hướng dẫn và giáo dục học sinh về ý nghĩa của việc giữ gìn, bảo tồn nét đẹp văn hóa dân tộc thuận lợi hơn; học sinh có không gian để học tập và trải nghiệm về văn hóa truyền thống các dân tộc.

Câu lạc bộ bảo tồn văn hóa, không gian văn hóa trong trường học được xây dựng, duy trì thường xuyên.

Phong trào văn hoá, văn nghệ trong quần chúng Nhân dân không ngừng phát triển, người dân chủ động, tích cực tham gia các hoạt động văn hoá, văn nghệ; với 975 đội văn nghệ thôn bản, trong đó có 953 đội có quyết định thành lập, 864/975 đội văn nghệ thôn bản và 24 đội văn nghệ xã hoạt động thường xuyên, hiệu quả; 946 nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố, 95 nhà văn hóa cấp xã đang sử dụng, trong đó 528/946 nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố, 75/95 nhà văn hóa cấp xã đạt chuẩn là điều kiện thuận lợi để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, hưởng thụ, giao lưu văn hoá, văn nghệ của Nhân dân góp phần thực hiện bảo tồn bản sắc văn hoá truyền thống các dân tộc.

Đến nay, lượng khách du lịch đến Lai Châu ngày càng được mở rộng và đạt tốc độ tăng trưởng cao. Tỉnh đã tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, du lịch trong và ngoài tỉnh như: Tuần Văn hóa du lịch Lai Châu tại Hà Nội; Ngày hội văn hóa dân tộc Mông lần thứ III tại tỉnh Lai Châu năm 2021; Tuần Du lịch - Văn hóa Lai Châu năm 2022; Tuần Văn hóa du lịch Lai Châu tại Thành phố Hồ Chí Minh; tổ chức phiên chuyên đề “Phát triển du lịch cộng đồng gắn với metaverse” trong chương trình Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam tại Lai Châu, Hội chợ Sâm Lai Châu; Giải vô địch quốc gia Marathon năm 2023,... Đồng thời, đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá, xúc tiến điểm đến Lai Châu với các hãng lữ hành, du khách trong nước và quốc tế; ký kết hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh trong nước gồm: 08 tỉnh Tây Bắc mở rộng, thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, hợp tác phát triển du lịch Lai Châu - Lào Cai,… Các loại hình du lịch văn hóa, cộng đồng phát triển nhanh, du lịch mạo hiểm, chinh phục, khám phá từng bước phát triển.

Lễ rước dâu của người Dao Khâu ở huyện Sìn Hồ được trình diễn tại Tuần Du lịch - Văn hóa Lai Châu năm 2022.

Sau nửa nhiệm kỳ triển khai thực hiện Nghị quyết, các mục tiêu cụ thể của Nghị quyết được tập trung triển khai thực hiện, bước đầu đạt được những kết quả tích cực, đa số các chỉ tiêu đều đạt trên 50%, một số chỉ tiêu đã đạt và vượt cao như: Bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đạt 100%; xây dựng bản du lịch cộng đồng ASEAN đạt 100%; giai đoạn 2021 - 2023 tổng lượt khách ước đạt gần 2 triệu lượt người, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 39,6%/năm (cao hơn mục tiêu của Nghị quyết đã đề ra là 19,6%), riêng năm 2023 dự ước thu hút khoảng 820 nghìn lượt khách; tổng doanh thu từ năm 2021 đến 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 51,36% so với mục tiêu của Nghị Quyết đề ra.

Với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, sự đồng thuận, ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân, Nghị quyết đã từng bước đi vào cuộc sống. Những kết quả đạt được trong nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết đã khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng bộ tỉnh về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch. Nhờ vậy, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc được bảo tồn và phát huy, trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là phát triển du lịch, góp phần vào việc thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV.


Tác giả: Đinh Lan
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bản đồ địa giới hành chính
Thống kê truy cập
Hôm nay : 2.652
Hôm qua : 5.130
Tháng 11 : 110.650
Năm 2024 : 2.263.554
Tổng số : 83.729.647